1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bến Tre:

Tết buồn ở xóm “bỗng dưng nhiễm HIV”

(Dân trí) - Thời gian gần đây, ấp Phú Đăng (xã Ngãi Đăng, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) được đặt tên là “xóm si đa” vì có nhiều người mắc căn bệnh thế kỷ. Điều lạ là chỉ có những ông chồng mắc bệnh còn vợ thì không.

Đường vào ấp Phú Đăng
Đường vào ấp Phú Đăng

Toàn đàn ông mắc “si đa”!

Dọc quốc lộ 57, hỏi đường về ấp Phú Đăng hay xóm “si đa” ai cũng biết và chỉ đường rất rành mạch. Vì sao một xóm nghèo lại trở nên nổi tiếng như vậy? Dịp này người dân Bến Tre đang nô nức không khí đón tết. Nhưng ấp Phú Đăng thì khác hẳn: con đường quê xanh mướt một màu dừa, nhịp sống gần như chựng lại, xe cộ và con người cũng vắng lặng.

Anh Trần Văn Hải đang dọn cỏ cho vườn dừa, hỏi: "Mấy cô về tìm hiểu những người dân quê tôi mắc bệnh “si đa” phải không? Cả xóm này từ ngày phát hiện ra bệnh loạn cả lên. Người ta đồn đủ thứ chuyện trên đời về việc lây truyền căn bệnh thế kỷ này. Tôi và mấy người trong gia đình vừa đi xét nghiệm về, kết quả không bị, mừng quá chừng!”.

Theo số liệu mới nhất đến cuối tháng 12/2013, ở ấp Phú Đăng có 15 người bị nhiễm HIV/AIDS, ở độ tuổi từ 25 đến 65. Tất cả đều là đàn ông, chân lấm tay bùn. Xóm nghèo heo hút bỗng trở nên “nổi tiếng” là vì thế. Cũng từ đây ấp Phú Đăng có tên mới là “xóm si đa”.

Chiều 16/1, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Bùi Văn Hồng - Trưởng ấp Phú Đăng - nói, theo thống kê, hiện có 15 người nhiễm HIV, trong đó có 3 người trên 60 tuổi, còn lại là ở độ tuổi từ 27 đến 45. Tất cả đều là nam giới và là lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên những bà vợ đi xét nghiệm lại cho kết quả âm tính.

Ông Hồng cũng cho biết thêm, hiện chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã đến tuyên truyền các biện pháp tránh lây truyền, chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho người bệnh.

Ông L.V.L, 43 tuổi, có vợ và 2 cô con gái. Năm 2011, ông phát hiện mình nhiễm HIV. Từ đó đến nay gia đình ông lúc nào cũng như có tang. Hiện sức khỏe ông L. khá yếu nhưng ông vẫn phải lao động vì là trụ cột của gia đình.

Ông L.V.L tiếp xúc với PV Dân trí

Ông L.V.L tiếp xúc với PV Dân trí

Ông L. buồn rầu tâm sự: “Lúc mới phát hiện bệnh, tôi hoang mang lắm. Ngày nào tôi cũng cảm thấy cuộc sống của mình gần như bế tắc, thêm vào đó là việc bị hàng xóm dị nghị mình chơi bời bậy bạ nên mới bị “dính” phải “si đa”. Lúc đó tôi cũng muốn kết thúc cuộc đời cho nó thanh thản. Nhưng khi được cán bộ y tế giải thích, tuyên truyền thì tôi an tâm hơn, vui vẻ sống như người bình thường. Hàng xóm bắt đầu hiểu, giờ tôi đi đám, uống trà với người trong xóm bình thường…”.

Vợ ông L kể rằng, hơn 20 năm làm vợ ông, bà thấy chồng sống rất lành mạnh. Nhà không có đất sản xuất nên suốt ngày ông chỉ đi làm thuê, làm mướn. Vào mùa gặt ông đến tận miệt Đồng Tháp Mười để cắt lúa mướn kiếm sống. Vợ chồng bà không hiểu nổi tại sao ông lại mang trong mình căn bệnh tử thần.

Mù mờ về nguyên nhân

Cả ấp Phú Đăng có lúc đã “nhốn nháo” đi xét nghiệm để xem có “vướng” phải căn bệnh này không. Thông tin lan đi rất nhanh từ ấp lên xã, lên huyện rồi tỉnh và cả nước đều biết đến cái ấp “si đa” với phần lớn nông dân nhiễm HIV. Bây giờ “xóm si đa” đã không còn xôn xao, nhưng nguyên nhân lây nhiễm thì vẫn là một dấu hỏi.

Người ta đưa ra 2 giả thiết: Những nông dân này “dính” HIV do quan hệ với gái mại dâm; Giả thiết thứ 2 là do “lang băm” hành nghề ngay trong ấp dùng một ống kim tiêm để tiêm cho nhiều người.

Nhiều người cho rằng ông Đ.V.B trước đây là cán bộ y tế trong ấp đã dùng một kim tiêm tiêm cho nhiều bệnh nhân nên đã mang căn bệnh quái ác này về cho cả ấp. Sau đó các cơ quan chức năng đã kiểm tra cơ sở hành nghề tư nhân của ông B và phạt 12,5 triệu đồng do không có giấy phép.

Ông Nguyễn Văn D. - người bị nhiễm HIV - nghi ngờ nói: “Có thể ông B đã vô tình làm cả xóm bị nhiễm HIV. Những nông dân trong xóm chúng tôi khi bị bệnh đều đến đây tiêm thuốc. Mỗi lần tiêm đều nhường cho phụ nữ, bà con ở xa tiêm trước, còn tui và mấy người ở gần uống trà chờ cuối cùng”.

“Ông B. tuy chỉ dùng 1 kim tiêm nhưng có khi ông tiêm 2 mũi liên tục ở 2 lọ thuốc khác nhau. Có thể sau khi tiêm xong cho bệnh nhân, ông B không bỏ kim tiêm mà tiếp tục bơm lọ kế tiếp. Vì vậy, có thể làm lây bệnh cho người lành”, ông D phán đoán.

Ông Bùi Văn Hồng - Trưởng ấp Phú Đăng - cho biết thêm: “Tui sống ở đây từ nhỏ tới lớn nên biết nông dân vùng này sống rất lành mạnh, không ăn chơi sa đọa, lo làm ăn nên không có chuyện họ ăn chơi dẫn đến dính HIV”. Tuy nhiên, theo ông Hồng, vào khoảng năm 2007, trên quốc lộ 57 (thuộc địa bàn xã Ngãi Đăng) có một quán nhậu tên Ti Na có tiếp viên tiếp khách. Lúc đó công an xã Ngãi Đăng đã liên tục kiểm tra và quán này cũng biến mất sau một thời gian hoạt động.

Ngoài ra, nhiều người dân sống lâu năm cho rằng, vùng quê yên tĩnh này trước đây cũng có quán rượu đế ôm, có tiếp  viên nên có thể sinh bệnh xã hội.

Anh V.V.B, một trong những nông dân bị nhiễm HIV ngậm ngùi nói: “Mong báo chí tác động đến các cơ quan chức năng để sớm tìm ra nguồn lây bệnh và xử lý nghiêm chứ chúng tôi khổ lắm. Gia đình tôi có tới 3 người bị nhiễm HIV gồm anh, cha dượng và em trai. Mọi nghi ngờ tập trung vào ông y sĩ B, tuy nhiên không có cơ sở chính xác”.

Trả lời báo chí, ông Đoàn Công Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Ngãi Đăng, nói: "Trước đây các bệnh nhân nhiễm HIV đã gửi một lá đơn có 11 chữ ký, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng điều tra làm rõ nguồn lây bệnh để giải tỏa những thông tin đồn thổi gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân và gia đình của những người bệnh. Sau đó những bệnh nhân này tiếp tục tập hợp chữ ký gửi về tỉnh lá đơn thứ hai, cũng với nội dung như trên nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân".

Hoàng Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm