Tết buồn của những phụ nữ ở xóm không chồng
(Dân trí) - Họ là những phụ nữ không có chồng, phải tự tay làm tất cả những công việc nặng nhọc trong gia đình, và cái tết năm nay với họ cũng giống như bao cái tết khác, vẫn là một cái tết buồn và không trọn vẹn.
Chúng tôi đang nói đến những người phụ nữ đơn thân cùng những đứa con mang họ mẹ (P. Hòa Minh, Q.Liên chiểu, TP Đà Nẵng). Đến thăm các chị vào một buổi sáng cuối năm, khung cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi không phải là không khí vui tươi đón đợi một năm mới, khu chung cư không có quất, mai, không có những chậu hoa cúc trước hiên nhà mà là hình ảnh các cô, các chị đang lay hoay với mớ ve chai vừa thu mua về.
Các chị được về ở khu chung cư mới do thành phố xây dựng đã gần 2 năm, hầu hết các phụ nữ đơn thân ở đây đều kiếm sống bằng nghề thu mua đồng nát, có chị làm công nhân,…
Chị Nguyễn Thị Ngọc (48 tuổi, sống ở khu A) cho biết: “Từ ngày được thành phố quan tâm cho về ở khu chung cư mới: gồm 4 khu riêng biệt, con cái chúng tôi được yên tâm học hành, chúng tôi cũng không phải lo lắng những hôm trời mưa bão nữa. Tuy nhiên cuộc sống vẫn còn vất vả, mua đồng nát sống qua ngày, cái làm không lo nổi cái ăn…”.
Chị Ngọc cho biết thêm, chính quyền địa phương cũng đã rất quan tâm, ngày 25/12 vừa qua UBND phường Hòa Minh cũng đã hỗ trợ cho mỗi khu 15 hộ, mỗi hộ là 15kg gạo để ăn tết. Ngoài ra, mỗi khu có 8 hộ được cấp bảo hiểm nghèo, đó là những hộ đặc biệt khó khăn.
Dù ngày tết đã cận kề, trong khi những phụ nữ khác cùng chồng con dọn dẹp nhà cửa, xúng xính trong những bộ áo mới đón Tết thì các chị, các cô ở xóm không chồng vẫn tất bật mưu sinh trong ngày cuối cùng của năm. Chị Nguyễn Thị Anh ( 50 tuổi) và bác Nguyễn Thị Luận (61 tuổi) bên chiếc xe đạp đã hoen rỉ cũng đang chuẩn bị cho buổi đi thu mua ve chai ngày cuối năm của mình. Họ có chung những nỗi niềm, mà có lẽ cũng chính là tâm sự của các chị em ở xóm không chồng này, chỉ mong chính quyền địa phương quân tâm hơn nữa, tạo điều kiện để họ được cấp thẻ bảo hiểm phòng lúc ốm đau, các chị không mong gì hơn nữa.
Bác Nguyễn Thị Luận là một trong những thành viên lớn tuổi nhất ở xóm không chồng, bác cho biết hằng ngày bác phải đi thu lượm ve chai nuôi 2 đứa con trai, đứa nhỏ chuẩn bị nhập ngũ, đứa lớn bị thần kinh nên không đỡ đần được gì cho mẹ. Tuổi già thường xuyên đau nhức xương khớp, cộng thêm căn bệnh sỏi thận nhưng bác vẫn phải bươn chải chứ không biết nương tựa vào ai :“Cố đi thu mua nốt hôm nay, chiều đi vay thêm hàng xóm ít đồng nữa rồi đi đong gạo lo ba bữa tết, ngày thường làm còn không đủ ăn làm sao dám nghĩ đến chuyện ăn tết,…”
Dù cuộc sống khó khăn, vất vả nhưng các chị em ở xóm không chồng sống với nhau rất tình cảm và đoàn kết, họ nương tựa vào nhau để đem lại những niềm vui bình dị cho mình, như là một cách họ chia sẻ buồn vui cùng nhau trong hoàn cảnh “chúng ta là những người đồng cảnh ngộ”. Một bữa tất niên chỉ có đĩa xôi, chén chè đơn giản được chung góp từ các hộ gia đình với 5 nghìn đồng một người làm chúng tôi thật sự thương cảm.
Lời chúc cho một cái tết ấm cúng và đầy đủ đến với các cô, các chị có lẽ là thừa thãi chăng? Tạm biệt những người phụ nữ đơn thân ở xóm không chồng, chúng tôi hi vọng cái tết năm sau của các chị sẽ đầy đủ hơn cái tết năm nay.
Minh Nguyên