1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tết buồn của người tạm cư

Năm hết Tết đến, nhà nhà sum vầy, người người hào hứng chào đón năm mới với nhiều hy vọng. Nhưng đối với họ - những người tạm cư từ năm này qua tháng khác - Tết hình như lại buồn hơn ngày thường, với nhiều nỗi lo…

Đời tạm cư “treo” theo dự án

 

Ngăn cách với trung tâm thành phố bởi con kênh Thị Nghè, khu tạm cư Cù Lao Chà (phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM) được xếp vào danh sách “cổ” nhất hiện nay, “thâm niên” tròm trèm 9 năm. Năm 1998, chính quyền và nhà đầu tư thông báo cho người dân nơi đây biết khu đất mà họ đang ở sẽ được quy hoạch xây dựng chung cư.

 

Sau đó họ được chuyển đến khu tạm cư sát bên khu quy hoạch với lời hứa trong vòng 2 năm sẽ có chung cư mới hoàn thành khang trang, sạch đẹp để ở. Thế nhưng cho đến nay sau gần 9 năm chung cư Cù Lao Chà vẫn chưa thể hoàn thành. Số phận của những người dân nơi đây cũng bị “treo” theo dự án.

 

 “Cả gia đình tôi gồm 6 người sống chen chúc trong căn phòng chưa đầy 30m2, xây dựng sơ sài. Mùa nắng thì nóng như lửa đốt, còn mùa mưa nước ngập lênh láng. Chúng tôi cứ đợi năm này sang tháng khác. Trong khi công trình xây dựng chung cư thì ngổn ngang, không biết bao giờ mới xong”, anh Nguyễn Ngọc Tiến, ở phòng số 14, khu tạm cư Cù Lao Chà bức xúc.

 

Tại khu Bình Hòa (phường 13, quận Bình Thạnh) nhiều hộ dân sống tạm cư cũng đang từng ngày phải sống khốn khó trong những căn phòng ọp ẹp. “Nhà tôi trước đây có gần cả ngàn mét vuông đất, vừa xây phòng cho thuê vừa trồng rau, cuộc sống tương đối ổn định. Từ ngày về đây, đất mất, việc làm lúc có lúc không nên phải cho hai đứa nhỏ nghỉ học đi bán vé số kiếm tiền đắp đổi sống qua ngày”, bà Trần Thị Nhung cho biết.

 

Trong khi cuộc sống của những người dân tạm cư nơi đây đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu đất, không có việc làm… thì mảnh đất của họ do chủ đầu tư thu hồi để xây dựng vẫn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. 

 

Tương tự, hàng trăm hộ dân tạm cư tại phường An Phú (quận 2) cũng đang đối mặt với thất nghiệp, sống tạm bợ trong những căn phòng chật hẹp, xây cất tạm bợ. Những người dân tạm cư chủ yếu bị giải toả từ dự án Đại lộ Đông Tây và cầu Thủ Thiêm.

 

Trước đây họ sinh sống chủ yếu bằng nghề buôn bán, làm thợ nhưng từ khi nhà đất bị giải tỏa, phải về tạm cư tại An Phú thì cuộc sống hoàn toàn bị đảo lộn. “Gia đình tôi gồm 5 người, hồi trước làm nghề sửa chữa tàu ở Thủ Thiêm, bà xã buôn bán. Năm 2003, chúng tôi di dời về đây, vợ nghỉ bán, tôi mất việc vì chỗ làm cách nơi ở xa, không có phương tiện đi lại. Hiện nay tôi xin đi làm phụ hồ cho các công trình mỗi ngày được 40 ngàn đồng. Cả gia đình bám víu vào đó mà sống qua ngày”, anh Nguyễn Văn Trọng, phòng 007, lô 3, khu tạm cư phường An Phú buồn rầu tâm sự.

 

Những người được giao đất thì dự án còn ngổn ngang, không có tiền xây cất, số còn lại được hứa bố trí chung cư thì chưa biết khi nào mới có.

 

Nỗi lo ngày Tết

 

Trong căn hộ khoảng 30m2, ở khu tạm cư phường Tân Hưng Thuận (quận 12) chị Lê Thị Thu Thảo, phòng B2 và người mẹ già 75 tuổi đang lúi húi bên rổ củ cải, cà rốt. “Năm cái Tết ở nơi đây, người lớn thì xem như không có Tết nhưng tội mấy đứa nhỏ… Cứ thấy gia đình cha mẹ bạn bè đi mua sắm Tết còn nhà mình vắng lặng… thấy mà thương chúng nó quá! ”, chị Thảo kể về những cái Tết ở chốn tạm cư.

 

Cả gia đình chị, gồm cha mẹ và 3 đứa con còn nhỏ trước đây trồng hoa, rau để bán nhưng từ khi đất bị giải toả xây trường học Trường Chinh thì sống nhờ vào tiền chạy xe ôm của chồng. Còn chị thi thoảng mới nhận được một mối đính cườm áo, thu nhập của cả hai vợ chồng chưa tới 50 ngàn đồng/ngày. Ngày thường cuộc sống còn không đủ ăn, con có đứa bệnh lại phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, cuối năm lại lo nợ đòi… Tuy vậy, năm nào chị Thảo cũng tự làm mứt, mua vài lạng thịt, quả trứng nấu cho có hương vị ngày Tết.

 

Không khí Tết ở khu tạm cư An Phú vắng lặng. Những tấm tôn, ván mục nát, bên cạnh các mảng tường xây dựng tạm bị tróc ra rơi vương vải. Ngồi ngay cổng phòng, bên cạnh là rổ củ kiệu, bà Ngô Thị Vân cho biết trước đây gia đình bà ở số 502 Nguyễn Thị Định (phường An Phú, quận 2), mẹ con buôn bán, chồng đi bộ đội.

 

Năm 2003, nhà đất bị giải tỏa thu hồi đất làm dự án đại lộ Đông Tây nên về đây tạm cư. Bà được tiêu chuẩn đất nền dự án nhưng đến nay cơ sở hạ tầng dự án còn bừa bộn nên chưa nhận.

 

Hiện cả ba thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu đều ở chung một căn phòng 32m2. Do không có điều kiện để buôn bán nên gia đình bà sống chủ yếu nhờ vào lương hưu chồng, cuộc sống rất khó khăn.

 

Kể về chuẩn bị cho ngày Tết, bà Vân tâm sự: “Đã 4 năm rồi, ngày Tết cũng giống như ngày thường. Dù khó khăn nhưng ba ngày Tết cũng làm chén cơm, có miếng cá để cúng cho ông bà”.  

 

Theo Lạc Phong

Sài Gòn Giải Phóng