1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tên đường ở TPHCM: “Ma trận”

Từ 1995, TPHCM đã thành lập Hội đồng đặt tên đường với nhiệm vụ đặt tên cho những con đường mới mở, chỉnh sửa tên những đường trùng tên hoặc đã có tên nhưng tên đường không có ý nghĩa… Thế nhưng, đến nay vẫn còn vô số bất cập về tên của những con đường.

Anh hùng Lê Lợi có thể xem là người đứng đầu danh sách các nhân vật lịch sử được đặt trùng tên với ít nhất là 5 con đường trên một thành phố. Ngoài đường Lê Lợi tại quận 1, đường Lê Lợi còn có tại quận 9, Tân Bình, Gò Vấp và Thủ Đức. Nhân vật Lê Lai “cứu chúa” cũng xuất hiện ít nhất trên 3 con đường tại quận 1, Tân Bình và Gò Vấp. Anh hùng Quang Trung thì “sở hữu” 4 con đường ở các quận 9, Gò Vấp và huyện Hóc Môn, Củ Chi.

 

Danh nhân Nguyễn Trứ vừa ở quận 1, 9 lại “chạy” sang Bình Thạnh, “vòng” về Thủ Đức. Vị anh hùng Trần Hưng Đạo cũng có “hộ khẩu” trên 4 con đường tại quận 1-5 và Tân Bình. Thậm chí, tại quận Gò Vấp người ta không đặt tên đường Trần Hưng Đạo mà chuyển sang tên Trần Quốc Tuấn cho khỏi… “đụng hàng”! Đó là chưa kể xiết những cái tên như Lý Thường Kiệt, Hoàng Hoa Thám, Phan Văn Trị, Trần Bình Trọng, Nguyễn Thái Bình… được đặt trùng lặp trên nhiều con đường.

 

Dù đã có tiêu chí chỉ đặt một tên đối với những con đường dài thông suốt song hiện nay vẫn có vô số con đường thông suốt, dù dài hay ngắn vẫn bị ngắt ra thành nhiều đoạn và gắn cho mỗi đoạn một cái tên. Như đường Hai Bà Trưng từ nhà hát thành phố đến cầu Kiệu thì chuyển thành đường Phan Đình Phùng. Đường Nguyễn Văn Trỗi từ công viên Hoàng Văn Thụ đến cầu Công Lý thì cắt thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đường Hoàng Văn Thụ từ vòng xoay Lăng Cha Cả đến ngã tư Phú Nhuận thì “biến” thành Phan Đăng Lưu, sau đó đến ngã tư giao với đường Phan Chu Trinh thì đổi thành Bạch Đằng…

 

Do bức xúc của người dân và để thuận tiện trong việc đi lại sinh hoạt, trong công tác quản lí của chính quyền, các cấp chính quyền ở những nơi đây (và cả người dân) đã “chữa cháy” bằng cách nghĩ ra 1.001 kiểu tên đường mà ngay đến các bác tài xe ôm ở những khu vực đó cũng lắc đầu ngao ngán, còn người ở nơi khác đến thì chỉ có nước “bó tay”.

 

Chẳng hạn trên cùng một quận, huyện lại có hàng loạt các đường số chẵn (2, 4, 6, 8…), số lẻ (1, 3, 5, 7,…), đường vừa số vừa chữ (D1, D2, D3…), đường mang tên các loại hoa (Hoa Lan, Hoa Mai, Hoa Cúc…) hay thậm chí là các đường bên hông nhà trẻ, chợ… Những cách đặt tên đường vô tội vạ này đã biến tên đường tại TPHCM thành một “trận đồ bát quái”, không biết đâu mà lần.

 

Theo ông Hoàng Nghị - thư ký Hội đồng đặt tên đường (HĐĐTĐ) TPHCM - trong tổng số hơn 1.500 con đường lớn nhỏ của TP thì hiện vẫn còn 100 con đường có tên trùng nhau. Từ lúc ra đời đến nay, HĐĐTĐ đã chỉnh sửa khoảng 40 đường trùng tên, phần lớn là những con đường trùng tên trong cùng một quận, huyện.

 

Việc đặt, sửa thường mất nhiều thời gian, phải thông qua nhiều đơn vị như: trên cơ sở đề xuất từ các quận huyện, HĐĐTĐ sẽ lập danh sách, tham mưu cho UBND TP xem xét trước khi ra quyết định đặt, sửa tên đường. Riêng những tuyến đường lớn theo qui định số 91/2005/NĐ-CP của Chính phủ việc đặt tên đường phải có ý kiến của Bộ VH-TT.

 

Nước ta không thiếu những anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa. Những bà mẹ VN anh hùng, những địa danh nổi tiếng... Việc nhanh chóng đặt, chỉnh sửa tên đường không chỉ sớm ổn định cuộc sống của người dân mà còn thể hiện “đẳng cấp” của một đô thị văn minh, hiện đại.

 

Theo Phụ nữ TPHCM