1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Tệ nạn xã hội “hậu” dự án chậm tiến độ

(Dân trí) - Dự án thi công dở dang rồi bị bỏ mặc đã nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội… Đó là nỗi lo lắng, bức xúc của người dân phường Thuỵ Khuê về dự án đường dạo ven Hồ Tây (đoạn sau nhà Bát giác, trường Chu Văn An đến đường Thanh Niên).

Từ thái độ thiếu trách nhiệm…

Theo kế hoạch được các cơ quan chức năng công bố thì đầu tháng 8/2007, toàn tuyến đường dạo ven Hồ Tây sẽ thông suốt nhưng đến nay đã qua gần 1 năm, vẫn chỉ có hơn 1/2 đường (từ đầu phường Bưởi đến làng hoa Thuỵ Khuê) được thông tuyến, còn phần cuối thì vẫn “nằm im”.

Để tìm hiểu nguyên nhân về sự gián đoạn này, chúng tôi đã nhiều lần đến tận trụ sở Ban quản lý dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh Hồ Tây (BQL) đặt lịch làm việc nhưng… phía BQL không một ai đứng ra trả lời một cách chính thức.

Nhân viên phòng hành chính BQL liên tục đưa ra lí do “các sếp bận đi họp nên không có người tiếp”. Phòng hành chính chỉ cho PV biết Phó Giám đốc Nguyễn Đăng Hưng phụ trách dự án và cho số máy lẻ để “tự” liên lạc nhưng khi ông Hưng bắt máy thì đã lập tức từ chối và giới thiệu gặp Giám đốc…

PV liên lạc với Giám đốc BQL rất nhiều lần nhưng vẫn không thể gặp được vì không có ai nhấc máy…

Lần cuối cùng PV Dân trí liên lạc lại với ông Nguyễn Đăng Hưng (ngày 11/7) thì một lần nữa ông Hưng từ chối gặp trực tiếp mà chỉ trả lời “thoái thác” qua điện thoại rằng: “đó là gói thầu phụ của dự án, là gói thầu nhỏ lẻ… chúng tôi còn nhiều việc phải làm hơn, đoạn đó toàn cơ quan nhà nước không có ai đi vào cả, đoạn đó cũng sẽ làm…”

… đến các tệ nạn xã hội

Cùng với sự thoái thác của BQL, theo thời gian 2 bên ven đường hồ cỏ dại mọc um tùm, lòng đường chỗ lở, chỗ trũng, khi mưa thì ngập, khi nắng thì rác thải bốc mùi làm cho tâm lý của người dân luôn cảm thấy nguy hiểm và ít ai dám qua lại đoạn đường này…

Đáng nói hơn khi đi thị sát trên đoạn đường “cụt”, PV Dân trí bắt gặp rất nhiều ống bơm, kim tiêm ở mép hồ và trong các bụi cây cỏ, điều này cho thấy các đối tượng nghiện ma tuý đã “chọn” đoạn đường này để… kín đáo.

Tệ nạn xã hội “hậu” dự án chậm tiến độ - 1
  

Và là nơi “lý tưởng” cho tệ nạn xã hội.

Càng đi về phía cuối con đường càng thấy có nhiều bơm, kim tiêm, ống thuốc gây nghiện. Những bơm, kim tiêm đã sử dụng từ lâu nhô lên từ thảm cỏ mục. Những bơm, kim tiêm con nghiện mới sử dụng xong vẫn còn dính máu vứt bừa bãi ở ven hồ, vỉa hè.

Ngồi trong quán nước “độc nhất” của đoạn đường ngoằn ngoèo, rậm rạp này, chúng tôi thấy có nhiều người định ghé vào quán nhưng thấy khách lạ (là chúng tôi) ở đó nên cứ phóng xe máy qua lại, lảng vảng xung quanh. Vừa mới nhâm nhi cốc trà đá thì bà chủ quán như sốt ruột điều gì cứ liên tục giục chúng tôi uống nước nhanh nhanh. Cốc trà chưa uống hết nửa, bà chủ đã vội vơ lấy rửa và cất đi.

Vào buổi tối, từ cống Đõ đến đoạn đường thi công dở dang “tối om” vì không có điện chiếu sáng. Người dân lấn chiểm vỉa hè, công viên để kinh doanh hàng quán, cây cảnh và vật liệu xây dựng khiến những người đi tập thể dục, đi dạo ven hồ phải chấp nhận “cất bước” dưới lòng đường.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịnh UBND phường Thuỵ Khuê  cho biết: phường chưa nhận được sự bàn giao chính thức từ phía BQL và Sở GTCC. Phường chỉ có trách nhiệm quản lý Nhà nước ở cương vị là chính quyền sở tại (đảm bảo ANTT; đường thông, hè thoáng) còn những vấn đề bất hợp lý về giao thông, đèn điện chiếu sáng… thuộc trách nhiệm của Sở GTCC.

Còn trung tá Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng công an phường Thuỵ Khuê thừa nhận  hiện tượng tiêm, chích ma tuý là do tuyến đường thi công dở dang không ai quan tâm  khiến cây cỏ mọc um tùm, khuất tối nên các đối tượng nghiện dễ lợi dụng để thực hiện hành vi tiêm, chích ma tuý.

“Chúng tôi chú ý đến quán nước cuối đường cụt và sẽ sớm cho theo dõi kiểm tra, còn trên địa bàn phường không có tụ điểm và điểm buôn bán tàng trữ ma túy cũng như đối tượng nghiện, bơm kim tiêm ven đường toàn do các đối tượng nghiện ở nơi khác đến” - ông Xuân khẳng định.

Đây rõ ràng là sự bất cập trong quy hoạch và quản lý của các cấp chính quyền. Nếu thực trạng này còn tiếp diễn thì tuyến đường sẽ là môi trường khá thuận lợi cho tệ nạn xã hội “phát triển”.

Châu Như Quỳnh