Tè bậy nơi công cộng có thể bị phạt tới 3 triệu đồng
(Dân trí) - Từ ngày 1/2/2017, Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền phạt tiền từ 1-3 triệu đồng với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, kể từ ngày 1/2/2017 khi nghị định này có hiệu lực, mức phạt tiền sẽ tăng gấp nhiều lần đối với các hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng (quy định cũ 50.000-100.000 đồng) đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị.
Nghị định còn phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự đối với người đang thi hành công vụ hoặc từ chối nhận quyết định thanh tra, kiểm tra, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, không tổ chức đối thoại về môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường hoặc theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định.
Theo Nghị định số 155/2016, Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 5 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng.
Chủ tịch UBND cấp quận, huyện có quyền phạt cảnh cáo, phạt tiền đến 50 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 50 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đối tượng bị xử phạt hành chính bao gồm: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có vi phạm do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt về mọi vi phạm.
Trưởng công an xã có quyền phạt tối đa 2.500.000 đồng, chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ có quyền phạt tối đa 500.000 đồng...
Đáng chú ý, Nghị định 155 nêu rõ trong trường hợp bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm hành chính thông qua việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi lại hình ảnh, cá nhân, tổ chức vi phạm có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng, hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Như Dân trí đã phản ánh, vào tháng 3 năm nay lực lượng trật tự đô thị Quận 1, TPHCM đã được trang bị đầy đủ trang thiết bị để ghi nhận hình ảnh, xử phạt các trường hợp tiểu tiện ở nơi công cộng không đúng quy định. Ngoài việc bị xử phạt 200.000 đồng, người vi phạm phải dội nước làm sạch khu vực vừa “tè bậy”.
Chỉ trong thời gian ngắn, đội trật tự đô thị Quận 1 đã phát hiện, xử phạt 19 trường hợp tiểu tiện ở khu vực công cộng; nhắc nhở và yêu cầu viết bản cam kết không tái phạm 15 trường hợp.
Thế Kha