Taxi Hà Nội và những đổi thay thời hội nhập

(Dân trí) - Đã có một thời, người Hà Nội tự hào với những thương hiệu taxi nổi tiếng như Thăng Long, Đường Sắt, Thu Hương, Thủ đô, Hương Lúa… Bẵng đi một thời gian, không ít trong số đó đã vắng bóng, một số khác trở thành “con” của các công ty lớn hơn.

Cạnh tranh khốc liệt

 

Cách đây trên dưới chục năm, giá taxi Hà Nội khá cao, taxi mặc nhiên được coi là phương tiện đi lại của giới có tiền. Thời điểm đó, khách hàng đi taxi thường xuyên bị “móc túi” vì các hãng taxi lớn cùng liên kết nhau giữ giá.

 

Đùng một cái, taxi V20 xuất hiện, giá rẻ bất ngờ, các tên tuổi lớn trong ngành taxi Hà thành bắt đầu bước vào cuộc đua tranh khốc liệt và hậu quả là nhiều hãng yếu thế đã phải chấp nhận thua.

 

Khi Tân Hoàng Minh xuất hiện trên thị trường Hà Nội, hãng này đã vấp phải rất nhiều chiêu cạnh tranh không lành mạnh của các hãng “đàn anh”: chèn đường, cướp khách, tẩy chay, không cho bãi đỗ, thậm chí chèn-phá sóng, “hớt” khách tay trên... Đó cũng là một phần của thị trường taxi Hà Nội cách đây chừng 10 năm.

 

Chúng tôi thử làm một cuộc khảo sát nhỏ về sự mất còn của các hãng taxi tên tuổi trước đây. Đường Sắt trước đây có số điện thoại đăng ký trên tổng đài 116 là 8645645. Gọi đến số máy này, phải mất một lúc khá lâu mới có một giọng đàn ông ngái ngủ, mệt mỏi: “Ai đó?”. “Hãng taxi Đường sắt có phải không?”. “Nhầm máy rồi. Taxi Đường Sắt giải tán lâu rồi”.

 

9 giờ sáng 23/3, chúng tôi gọi tới tổng đài 8363636 của hãng taxi Thu Hương, cô nhân viên trực tổng đài điều xe đi đón khách nhưng chẳng có xe nào nhận máy. Cô này cho biết xe của Thu Hương hiện chỉ còn khoảng dăm chục chiếc, hoạt động không mấy hiệu quả.

 

Đổi mới để tồn tại

 

Tiếp chúng tôi tại văn phòng làm việc, ông Đinh Văn Mỹ - Giám đốc hãng taxi Hương Lúa nổi danh một thời - thận trọng cho biết: “Trước đây chúng tôi có khoảng 200 xe, nhưng hiện nay số lượng đã co bớt lại. Do xe hoạt động đã lâu, phần nhiều cũ nát nên chúng tôi đang thực hiện chủ trương bán xe cũ để mua xe mới. Tổng số xe còn lại của taxi Hương Lúa hiện nay chỉ còn chưa đến 100”.

 

Ông Mỹ cũng cho biết thêm, taxi Hương Lúa hiện khá trầm lắng nhưng công ty đang chuẩn bị tung ra thị trường dịch vụ mới. “Chúng tôi tin chắc thương hiệu taxi Hương Lúa sẽ trở lại. Người Hà Nội rất hiểu về taxi Hương Lúa bởi nó đã có từ lâu, ăn sâu vào ký ức của họ”, ông Mỹ tỏ vẻ tự tin.

 

Quay số máy “sáu con ba” từng nổi tiếng Hà thành (8333333) của hãng Thủ đô, chúng tôi được nhân viên tổng đài hướng dẫn đến Công ty Cổ phần Mai Linh. Gần chục năm nay, Thủ đô trở thành “con” của công ty này.

 

Ông Hồ Chương, Tổng Giám đốc khu vực Đông Bắc Bộ - Công ty Cổ phần Mai Linh, cho biết, hãng taxi Thủ đô được Mai Linh mua lại từ năm 1998 và đổi tên thành taxi Mai Linh Thủ đô. Trước năm 1998, taxi Thủ đô gần như phá sản, nợ nần chồng chất, không có tiền trả lương lái xe. Tài sản duy nhất có giá trị là 49 chiếc taxi hiệu Deawoo với quá nửa đã cũ nát, không hoạt động được.

 

Tuy nhiên, nhờ có Mai Linh, “sáu con ba” tuy không “hoành tráng” như một số thương hiệu khác nhưng vẫn đều đều lăn bánh.

 

Theo khảo sát của Dân trí, trước đây khi nhà nước còn quản lý theo “giấy phép con”, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 20 đơn vị đăng ký kinh doanh dịch vụ taxi. Đến nay, hầu hết trong số đó đã chấp nhận dừng cuộc chơi hoặc chuyển ngành nghề kinh doanh. Một số khác trụ lại được thì cũng phải san sẻ thị phần.

 

Trong tương lai, thị trường taxi hứa hẹn sẽ khốc liệt hơn nữa khi xe hơi gia đình và xe cho thuê tự lái nở rộ trong thời kinh tế hội nhập.

 

Nhóm phóng viên