Tàu Trung Quốc quay trở lại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
(Dân trí) - “Từ ngày 13/8/2019 tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm nay (16/8) cho biết.
Trong tuyên bố phát đi tối nay, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ quan điểm về sự việc tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc trở lại hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
“Ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.” - bà Hằng cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
Theo Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng, các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
“Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.” - bà Hằng tái khẳng định quan điểm về hành vi xâm phạm nghiêm trọng của Trung Quốc.
Trước đó, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông từ trung tuần tháng 7. Nhóm tàu này sau đó đã rút đi vào chiều 7/8.
Liên quan đến hành động vi phạm của Trung Quốc, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Hồi đầu tháng 8, Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp trực tiếp Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị để khẳng định lập trường, nguyên tắc của Việt Nam về sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông. Cuộc gặp diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan diễn ra tại Bangkok - Thái Lan.
Trong các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các Hội nghị liên quan, vụ việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước.
Các nước đều phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), mong muốn sớm có được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và mang tính bền vững.
Châu Như Quỳnh