1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tàu Thảo Vân 2 đã bị "quản thúc" 2 ngày trước khi gây tai nạn trên sông Hàn

(Dân trí) - Ngay trong chiều ngày 2/6, các lực lượng đã triển khai việc cưỡng chế tàu Thảo Vân 2 về trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn để quản lý. Tuy nhiên lực lượng liên ngành xử lý thiếu cương quyết và không theo dõi quản lý tàu dẫn đến tối ngày 4/6, con tàu tự ý hoạt động không phép và để xảy ra tai nạn - Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng báo cáo.

Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng về các nội dung liên quan đến hoạt động trái phép gây lật tàu của tàu Thảo Vân 2.

Theo ông Trung, về công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Sở Du lịch thông báo rộng rãi và trên trang thông tin điện tử của Sở Du lịch các phương tiện hoạt động kinh danh vận tải có giấy phép, có biện pháp khuyến cáo các đơn vị, cá nhân hoạt động lữ hành không ký kết hợp đồng, sử dụng dịch vụ dưới mọi hình thức đối với các tàu du lịch không đủ điều kiện hoạt động.

Trong quá trình triển khai, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành phù hợp với tình hình hoạt động của các phương tiện vận tải hành khách du lịch trên sông Hàn.

Đến nay Sở Giao thông vận tải đã cấp phép cho 17 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng số lượng phương tiện 27 chiếc, 3 phương tiện chưa đủ điều kiện cấp phép vận tải (Hoàng Long Yến, Đại Thành, Thảo Vân 2).

Tính từ đầu năm đến nay, tổng số lượt phương tiện xuất bến và cập bến an toàn là 8.848 lượt với tổng số hành khách là 98.628 người. Riêng thống kê trong tháng 5/2016 có 1.911 lượt phương tiện với tổng số 23.238 lượt hành khách xuất cảng sông Hàn (bình quân 774 lượt hành khách/đêm và 63 lượt phương tiện/đêm).

Về quản lý hoạt động tại Cảng sông Hàn, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng. Cảng vụ đường thủy nội địa đã bố trí nhân viên thực hiện công việc 3ca/ngày trực tiếp tại cảng từ ngày 18/12/2015 để quản lý việc thực hiện xuất bến và vào bến theo đúng quy trình.

Về quy trình kiểm soát, bước 1, thuyền trưởng hoặc chủ phương tiện liên hệ, thông báo với Cảng vụ, Đội quản lý cảng sông Hàn để biết kế hoạch và thời gian phương tiện rời bến và trình làm thủ tục.

Những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ lật tàu trên sông Hàn khiến 3 người thiệt mạng?
Những ai phải chịu trách nhiệm trong vụ lật tàu trên sông Hàn khiến 3 người thiệt mạng?

Bước 2: Cảng vụ đường thủy nội địa tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ giấy tờ theo quy định và yêu cầu bổ sung hoàn thiện nếu hồ sơ chưa đầy đủ. Trường hợp đầy đủ sẽ giải quyết ngay.

Bước 3: Cảng vụ và Đội quản lý cảng sông Hàn đối chiếu kiểm tra số lượng hành khách đăng ký lên tàu so với số lượng hành khách cho phép của phương tiện trước khi cấp phép rời bến.

Bước 4: Sau khi có giấy phép rời bến thuyền trưởng tình báo đến Trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn kiểm soát cuối cùng trước khi phương tiện rời bến.

Các lực lượng tham gia trực hàng đêm tại Cảng sông Hàn bao gồm: Cảng vụ đường thủy nội địa (3 người), Đội quản lý Cảng sông Hàn (3 người), Thanh tra Sở Sở Giao thông vận tải (1 người), Bộ đội Biên phòng (2 người), Đội cảnh sát giao thông đường thủy (1 người). Công tác trực được phân công thực hiện theo quy trình và có sổ trực, ghi chép đầy đủ.

Trách nhiệm thuộc ai?

Báo cáo cũng cho biết các biện pháp đã áp dụng đối với tàu Thảo Vân 2.

Thanh tra Sở Giao thông vận tải, cảng vụ thủy nội địa, cảnh sát đường thủy trước đó đã nhiều lần mời chủ phương tiện, lái tàu ĐNa-0016 (số hiệu đăng kiểm của Thảo Vân 2) đến làm việc, lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu chấm dứt việc đưa phương tiện ra hoạt động kinh doanh.

Gần đây nhất, ngày 2/6, Sở Giao thông vận tải do đồng chí Bùi Thanh Thuận đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy để xử lý đối với phương tiện ĐNa-0016. Cuộc họp đã thống nhất tổ chức cưỡng chế đưa phương tiện nói trên về Trạm Biên phòng Cửa khẩu Sông Hàn để quản lý.

Ngay trong chiều ngày 2/6, các lực lượng đã triển khai việc cưỡng chế. Tuy nhiên lực lượng liên ngành xử lý thiếu cương quyết và không theo dõi quản lý đối với phương tiện này dẫn đến tối ngày 4/6, tàu ĐNa-0016 tự ý hoạt động không phép và để xảy ra tai nạn.

Tại thời điểm lực lượng Cảng vụ cùng phối hợp với các đơn vị làm thủ tục trong đêm cho các phương tiện đủ điều kiện hoạt động là 68 lượt vận tải, cho 22 phương tiện với số lượng hành khách khá đông (1.204 người). Trong khoảng thời gian này, lợi dụng tình hình đông khách và các lực lượng đang tập trung xử lý thì tàu Thảo Vân 2 ĐNa-0016 tự ý bắt khách và nhanh chóng vận chuyển ra ngoài sông trong vòng 10 -15 phút thì xảy ra sự cố tai nạn đáng tiếc.

Nhận được thông báo Cảng vụ, đội quản lý bến, cảnh sát giao thông đường thủy, trạm biên phòng ngay lập tức liên lạc với lãnh đạo và các cơ quan chức năng và điều các phương tiện đang neo đậu tại cảng ra ứng cứu kịp thời.

“Đây là sự thiếu sót, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý an ninh trật tự đối với phương tiện đậu đỗ tại bến của Đội quản lý cảng, Cảng vụ thủy nội địa, cảnh sát giao thông đường thủy, Trạm Biên phòng cửa khẩu sông Hàn và sự chỉ đạo không quyết liệt của lãnh đạo các đơn vị liên quan đã để xảy ra vụ chìm tàu đáng tiếc nói trên”, báo cáo nêu.

Khánh Hồng