1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tàu biển Việt Nam nguy cơ bị xếp vào “danh sách đen”

(Dân trí) - Tổ chức chính quyền cảng biển các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Tokyo - Mou) cảnh báo đội tàu biển của Việt Nam có nguy cơ bị xếp vào “danh sách đen”, lí do là tàu không đảm bảo an toàn và tỷ lệ bị lưu giữ ở ngước ngoài tăng cao.

Tỷ lệ tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài trong quý I/2017 đang gia tăng đáng báo động, có tỷ lệ cao nhất so với trung bình trong 3 năm gần đây. Cụ thể, có 10 tàu bị lưu giữ trên tổng số 214 lượt tàu bị kiểm tra về an toàn hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, chiếm 4,6%; trong khi tỷ lệ 3 tháng đầu năm 2016 là 4%, 2015 là 2,7% và 2014 là 3,5%; riêng tháng 4/2017 có thêm 1 tàu bị giữ, tỷ lệ khoảng hơn 4%.

Giới chức ngành hàng hải Việt Nam cho hay, tàu bị lưu giữ ở nước ngoài thường bị hư hỏng về an toàn chống cháy, trang thiết bị cứu sinh, tình trạng kín nước và kín thời tiết, các hệ thống sử dụng trong trường hợp sự cố, an toàn hàng hải, hệ thống quản lý tàu, các thiết bị và hệ thống sử dụng trong trường hợp khẩn nguy.


Tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài ngày càng cao (ảnh minh họa)

Tỷ lệ tàu biển Việt Nam bị lưu giữ ở nước ngoài ngày càng cao (ảnh minh họa)

Tàu biển Việt Nam bị lưu giữ nhiều nhất ở Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hầu hết tàu bị lưu giữ là tàu chở hàng tổng hợp, có tuổi đời 5-10 tuổi, tàu được đóng trong nước và do các công ty vận tải biển quy mô nhỏ, rất nhỏ khai thác. Đáng nói, có trường hợp tàu thuộc nhóm tàu tốt, chủ tàu có quy trình kiểm soát nội bộ được đánh giá cao.

Đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện đội tàu biển Việt Nam có 462 chiếc chạy tuyến quốc tế có dung tích từ 500 GT trở lên. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng ngoài vấn đề an toàn và thiết bị tàu thì việc bị lưu giữ ở nước ngoài có nguyên nhân do công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, chủ tàu chưa chú trọng nhiều đến khả năng thực hành của thuyền viên trong các hoạt động của tàu.

Cần phải nói thêm rằng, trước năm 2014, đội tàu biển Việt Nam từng bị Tokyo - Mou xếp vào “danh sách đen”, tàu Việt Nam đi tới đâu cũng bị chính quyền các cảng biển soi kỹ, liên tục bị kiểm tra và bắt lỗi khiến khả năng bị lưu giữ cao, bị phân biệt đối xử, do đó doanh nghiệp vận tải biển gặp phiền phức, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch vận chuyển, chủ tàu đối mặt với nguy cơ bị chủ hàng phạt nặng. Không ít tàu phải xin bảo lãnh về nước để khắc phục.

Năm 2015-2016, đội tàu biển Việt Nam chạy tuyến quốc tế thoát khỏi “danh sách đen” và liên tiếp được Tổ chức Tokyo - Mou xếp vào “danh sách trắng” khi số lượng tàu của Việt Nam bị cảng biển nước ngoài lưu giữ ít, tàu có chất lượng tốt. Điều này giúp cho đội tàu của Việt Nam ít bị chính quyền cảng nước ngoài kiểm tra.

Theo quy định của Tokyo -Mou, tính trung bình 3 năm liên tiếp, đội tàu của nước thành viên có tỷ lệ tàu bị lưu giữ vượt số phần trăm thì sẽ bị đưa ra khỏi “danh sách trắng” và xếp vào “danh sách đen”.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, các công ty vận tải biển quốc tế quyết liệt thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu biển bị chính quyền cảng biển nước ngoài lưu giữ.

Bộ GTVT nhấn mạnh, trong quý II/2017, nếu tỷ lệ bị lưu giữ không giảm, Bộ này buộc phải triển tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tàu bị lưu giữ, trong đó có các biện pháp kiểm tra 100% tàu trước khi rời cảng, như thu hồi chứng nhận đối với tàu bị giữ 3 lần trong vòng 12 tháng, đây là biện pháp mạnh tay từng được Bộ GTVT áp dụng vào năm 2011.

Châu Như Quỳnh