1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tất cả giám đốc Sở GD-ĐT sẽ ra nước ngoài học kinh nghiệm

"Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ đưa tất cả các giám đốc Sở GD-ĐT đi tham quan nước ngoài, để có dịp tận mắt quan sát, học hỏi nội dung giáo dục của nước bạn. Ngoài ra, Bộ đang nghiên cứu chương trình đào tạo bổ sung cho hiệu trưởng, cán bộ quản lý và giáo viên các cấp", Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết.

Sáng 23/7, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với lãnh đạo thành phố và cán bộ quản lý giáo dục các quận, huyện, trường phổ thông tại Hà Nội.

Diễn ra trong 4 giờ đồng hồ, buổi làm việc đã bàn luận một cách khá chi tiết, cụ thể nhiều vấn đề. Các đại biểu đã nghe hơn 10 ý kiến đóng góp, phân tích rất cụ thể tình hình giáo dục ở các cấp, đặc biệt là nhiều góc nhìn xung quanh các vấn đề xã hội hoá giáo dục, giảm tải chương trình, dạy thêm, học thêm, tổ chức thi cử, chống tiêu cực...

Đa số đại biểu cho rằng, giáo dục nước ta có những thành tựu đáng kể nhưng nhược điểm của ngành là chưa làm cho xã hội hiểu đúng về ngành. Chẳng hạn, bên cạnh những phân tích, nhận định hay góp ý, mổ xẻ chính xác, đôi khi xã hội còn bị nhiễu bởi những thông tin sai lệch, ảnh hưởng đến uy tín của ngành. 

Nhận định, giáo dục là tiền đề phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xác định "chọn Hà Nội là nơi thí điểm cho các kế hoạch của Bộ GD-ĐT trong giai đoạn tới" và đã gửi gắm 3 mục tiêu, 3 đề nghị và 3 cam kết. 

Đó là, 3 mục tiêu đi đầu trong các lĩnh vực: chất lượng giáo dục, xã hội hoá giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên. "Không tiêu cực, không bệnh hình thức và không hiện tượng đọc chép" là 3 cam kết được Bộ trưởng đặt ra.

Bộ trưởng cũng đề nghị Hà Nội phối hợp với Bộ thực hiện cơ chế mới trong 3 nội dung: quản lý cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài và quản lý du học sinh; huy động các trường đại học gắn bó với địa phương và quản lý sinh viên ngoại trú trên địa bàn. 

Bộ trưởng cũng thông báo sẽ đi dự giờ đột xuất ở các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố.

Theo Hoàng Lê
VietNamNet