1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tập đoàn Y dược Bảo Long phá sản hay phát triển?

(Dân trí) - Thời gian qua có dư luận cho rằng Tập đoàn Y dược Bảo Long, đơn vị hàng đầu về Y dược cổ truyền bị “phá sản”. Chúng tôi đã tìm gặp thầy thuốc ưu tú, Lương y, TS. Nguyễn Hữu Khai, TGĐ Tập đoàn Y dược Bảo Long để tìm hiểu thực chất vấn đề.

Thưa Lương y, Ts Nguyễn Hữu Khai thương hiệu Y dược Bảo Long và danh tiếng của ông đã được nhiều người biết đến. Nhưng thật bất ngờ có những dư luận cho rằng“Bảo Long” đang “bị phá sản”, ông có thể chia sẻ thực tế của vấn đề này?

Người ta hiểu thế nào là “phá sản” mà lại có dư luận như vậy? Theo tôi thì phá sản là tan vỡ tài sản và sự nghiệp, không còn cơ sở, không còn thương hiệu và lâm vào hoàn cảnh vỡ nợ, không đủ khả năng thanh toán nợ nần… Nhưng với “Bảo Long” hiện nay, chúng tôi vẫn làm ăn và phát triển.

Các đơn vị Bệnh viện, xưởng sản xuất, trường học… trực thuộc Tập đoàn Y dược Bảo Long từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Hà Nội và Lai Châu đều đang hoạt động bình thường. Sản phẩm Bảo Long vẫn đang có uy tín và tiêu thụ mạnh trên thương trường. Thương hiệu “Đông dược Bảo Long” vừa được công nhận là thương hiệu mạnh Việt Nam và thương hiệu Việt Nam hàng đầu tốp 100.

Đặc biệt là ngày 07/4/2011, Bộ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện tới thăm động viên CBCNV và học sinh, sinh viên Tập đoàn Y dược Bảo Long đều có những đánh giá rất tốt và tuần qua chúng tôi vừa đón nhận Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội.

Thưa ông, có nguồn tin về việc “Bảo Long” đã bán hết tài sản cho Tập đoàn Đầu tư Xây dựng và Du lịch Bảo Sơn để trang trải công nợ?

Nào ai biết được “Bảo Long” tài sản có bao nhiêu mà nói là bán hết! Một doanh nghiệp kinh doanh mua đi bán lại là chuyện thường tình.

Hiện chúng tôi xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh gieo trồng thuốc y học cổ truyền, khám chữa bệnh và giáo dục đào tạo tại 3 địa bàn chính là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Lai Châu. Cả ba cơ sở này đều được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất thuốc y học cổ truyền và đều được xây dựng với quy mô bề thế, với vốn đầu tư đáng kể.

Riêng cơ sở tại TX Sơn Tây - TP. Hà Nội vốn xây dựng theo thời điểm hiện tại khoảng trên 300 tỷ VNĐ (trong đó giá trị đất trên 100 tỷ, giá trị công trình xây dựng trên 100 tỷ, giá trị máy móc, y cụ, phương tiện, nguyên liệu, hàng hóa và vốn lưu động trên 100 tỷ).

Đầu năm 2011 ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư xây dựng và Du lịch Bảo Sơn là chỗ anh em, có mối quan hệ thân tình, có ý tưởng xây dựng một bệnh viện đa khoa Quốc tế với quy mô lớn, đồng thời xây dựng một trường Phổ thông Quốc tế và một nhà máy sản xuất thuốc.

Chúng tôi đồng quan điểm và thống nhất hợp tác với nhau xây dựng nâng cấp theo quy mô hiện đại, tiên tiến một số đơn vị thành viên của Tập đoàn Y dược Bảo Long tại Hà Nội, đó là: Bệnh viện đa khoa tư nhân Bảo Long, trường Phổ thông Võ thuật Bảo Long và Công ty Cổ phần Y dược Bảo Long.
 
Tập đoàn Y dược Bảo Long phá sản hay phát triển? - 1
Ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hữu Khai - TGĐ Tập đoàn Y dược Bảo Long
 
“Bảo Sơn” có ý muốn tham gia số vốn quá bán vào cơ sở tại Hà Nội của “Bảo Long” để chủ động đầu tư xây dựng và phát triển theo chiến lược của “Bảo Sơn”. Cụ thể là trả cho “Bảo Long” trên 200 tỷ VNĐ và đề nghị “Bảo Long” thanh toán tất cả các khoản nợ kể cả các khoản vay với lãi suất ưu đãi của ngân hàng để ông Nguyễn Trường Sơn khi giữ cương vị Chủ tịch HĐQT không còn mang nợ.

Các bạn thấy đấy, có doanh nghiệp nào là không vay nợ. Tuy nhiên trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, “Bảo Long” không hệ có nợ xấu và luôn là khách hàng loại A của Ngân hàng. Thế nhưng để hợp tác phát triển và để sạch nợ thì đó là việc đáng làm (chuyện đời được cái này mất cái khác là thường, chẳng thể cầu toàn, vấn đề là ở sự phát triển tốt đẹp trong tương lai).

Bản  chất của vấn đề trên, những người có thiện cảm thì coi đó là hình ảnh “Bảo Sơn” “bơm thêm tài chính” vào cho “Bảo Long” phát triển. Nhưng khi không có thiện cảm thì có thể người ta tìm những góc cạnh  tiêu cực khác để nhìn nhận!

Khi hợp tác với “Bảo Sơn” tại Hà Nội, “Bảo Long” vẫn còn riêng công ty Mỹ phẩm thảo dược Bảo Long và Công ty Đông Nam dược Bảo Long. Cả hai công ty  này đều được Bộ Y tế cấp giấy phép sản xuất và sản phẩm rất có uy tín trên thương trường.

Ngoài ra,chúng tôi vẫn còn cơ sở tại TP. Hồ Chí Minh là nơi khởi nghiệp, là cả cuộc đời, là sự nghiệp của tôi và là niềm tin và danh dự của cả gia tộc tôi… Cơ sở không rộng như ở Thị xã Sơn Tây - Hà Nội nhưng giá trị tài chính lớn hơn bởi vị thế và địa lợi. “Bảo Long” còn cơ sở nữa tại Lai Châu chuyên gieo trồng kiếm hái dược liệu, cũng được đầu tư xây dựng rất quy mô và đã được Bộ Y tế cấp giấy phép đủ điều kiện sản xuất thuốc.

Tới nay ông còn khó khăn gì không và có cảm nhận thế nào về thân thế, sự nghiệp của mình?

Ông bà mình vẫn dạy: “biết đủ chẳng nhục! Biết dừng chẳng nguy”. “Nhìn lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì thấy nhiều người kém mình”. Khó khăn thuận lợi, thất vọng hay hài lòng là ở quan điểm.

Với tôi sinh ra và lớn lên trong miền quê nghèo khó. Lận đận học hành, tha phương lập nghiệp với hành trang vẻn vẹn có ý chí của mình. Từ hai bàn tay trắng tới nay nếu chẳng có gì là hiện vật, chỉ có uy tín thương hiệu “Bảo Long” và sự tin tưởng mến  mộ của phần lớn anh em bạn bè và bệnh nhân là tôi đã mãn nguyện và từ đấy sẽ có tất cả khi tôi muốn có.

Ông có thể chia sẻ về tiềm năng của thương hiệu “Bảo Long” và danh tiếng cá nhân của ông trong việc phát triển kinh tế?

Thời buổi bây giờ sản xuất hàng ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Khách hàng lớn nhỏ ngày ngày tìm ký hợp đồng mua hàng đặt tiền trước. Nhiều khi không đáp ứng đủ, đó chẳng phải là lợi thế độc đáo sao?

Có nhiều anh em đề nghị tôi cho họ mang thương hiệu “Bảo Long”, không cần phải đầu tư, không cần phải làm gì hàng tháng, hàng năm họ nộp tài định cho tôi theo thỏa thuận. Bệnh viện đa khoa Bảo Long hiện bệnh nhân cả nước tìm tới chữa bệnh. Cả bà con Việt Kiều cũng tìm về chữa bệnh. Có người phải thuê khách sạn ở hàng tuần để chờ. Người ta gửi số điện thoại cho các tổng đài tư vấn của “Bảo Long”. Khi tôi sắp xếp được thời gian chẩn trị, nhân viên tổng đài thông báo lần lượt cho khách tới khám bệnh.

Mỗi ngày tôi chẩn trị trong 10 tiếng đồng hồ cùng với sự hỗ trợ của 3 trợ lý chuyên môn được khoảng 40 - 50 bệnh nhân. Phí khám bệnh và tiền bán thuốc mỗi buổi hàng chục triệu đồng. Tôi cho rằng đó là những lợi thế hiếm có…

Bệnh nhân đông thế sao ông không tập trung thời gian để hàng ngày chẩn trị?

Nếu tôi tập trung thời gian cho khám chữa bệnh thì hàng ngàn CBCNV và học sinh “Bảo Long” sẽ ra sao…! Tôi cũng đã tính rồi và không thể làm khác được…

Xin cảm ơn sự chia sẻ của ông!

Đức Thịnh(thực hiện)