1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Yên Bái:

Tang thương phủ trắng vùng sơn cước La Pán Tẩn

(Dân trí) - Vụ lở núi kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của gần 20 người dân La Pán Tẩn - Mù Cang Chải (Yên Bái). Khắp vùng sơn cước, không khí tang thương bao trùm trong tiếng khóc hờ văng vẳng của những người ở lại.

Để đến được điểm sạt lở, từ trung tâm xã La Pán Tẩn, chúng tôi phải cuốc bộ gần 10km với những con dốc đứng cheo leo, chỉ có lên không có xuống. Để đến đó, không chỉ ô tô bất lực mà ngay cả những chiếc xe Win hoặc Minks cũng không thể vượt được những cung đường nhầy nhụa trong trời mưa rả rích.

20 người dân gặp nạn vào trưa ngày 7/9 là bà con người Mông thuộc 3 thôn La Pán Tẩn, Trống Páo Sang và Trống Tông thuộc xã La Pán Tẩn - Mù Cang Chải - Yên Bái. Thôn La Pán Tẩn nơi có tới 9 nạn nhân thiệt mạng. Từ đầu thôn, không khí tang tóc bao trùm khắp những nếp nhà sàn. Những tiếng gào khóc nhiều khi đứt đoạn thê lương đến tê tái.
 
Nỗi đau tận cùng của người ở lại ngóng tin thân nhân bị vùi lấp dưới ngọn núi.
Nỗi đau tận cùng của người ở lại ngóng tin thân nhân bị vùi lấp dưới ngọn núi.

Bên vệ đường mưa nhầy nhụa, hàng chục người dân đứng lặng người ngóng về ngọn núi “tử thần”. Đàn ông lấy cơm ăn tạm, đàn bà đứng che dù trong mưa khóc lóc. Bà con cho biết đứng ở đây để đợi người nhà bị nạn đưa từ bãi sạt lở về và chuẩn bị tổ chức lễ khâm liệm cho các thi thể đã tìm được. 

Cho đến tận bây giờ, vẫn không ai có thể tin được cả ngọn núi vốn cao sừng sững trong chốc lát sụt lở cướp đi sinh mạng của hàng chục con người như vậy. Công tác tìm kiếm các nạn nhân vô cùng khó khăn. Hàng trăm người phải dùng xẻng và tay tìm kiếm thủ công bởi nếu như đưa máy xúc vào thì sẽ có thể chạm vào những thi thể vốn đã không còn nguyên vẹn.
 
Vẫn còn thi thể nạn nhân đang bị vùi lấp.
Vẫn còn thi thể nạn nhân đang bị vùi lấp.

Cùng trong cảnh tang tóc đó, Thôn Trống Páo Sang có 7 nạn nhân thiệt mạng trong vụ sạt lở. 4 nhà cha mất con, vợ mất chồng, con mất cha và mất cả mẹ; ở đây có những gia đình mất tới ba người thân; bao gồm vợ, chồng, con; anh em ruột và cha con. Họ đều là những lao động chính trong gia đình.

Thẫn thờ ôm con nhỏ ngồi dưới chân núi, chị Giàng Thị Dở có chồng là anh Lý A Xinh đã thiệt mạng dưới đống đất đá khóc nấc đã không còn thành tiếng. Thứ tiếng Mông chị khóc chồng bi thương đến tột cùng.

Những hộ dân tại xã La Pán Tẩn phần lớn đều thuộc diện nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào những thửa ruộng bậc thang nhỏ bé. Bởi vậy, để có thu nhập duy trì cuộc sống, những người dân nghèo đã bất chấp sự nguy hiểm của thời tiết để mưu sinh.

Người vợ ôm con thẫn thờ đợi tin chồng.
Người vợ ôm con thẫn thờ đợi tin chồng.

Ngọn núi tang thương là mỏ chì quặng. Thế nhưng, nhiều năm về trước, người dân không biết những cục chì nằm lăn lóc bên khe suối, vạt núi là mỏ quặng. Chỉ đến khi Công ty TNHH Thịnh Đạt đầu tư dự án khai thác quặng chì ở ngay mỏ 1 của La Pán Tẩn thì bà con mới biết đi đào mót quặng bán lại cho công ty.

Ông Lý A Sung, ở bản Trống Páo Sang cho biết quặng được bán với giá 25.000 - 40.000 đồng/kg. Mỗi ngày,  một người có thể mót được 7 - 8kg bán được  hơn 200.000 đồng. Nhất là vào những ngày mưa lũ, quặng trôi từ các vỉa ra càng nhiều thì càng đông người đổ lên mót quặng. Có ngày mót được cả triệu đồng. Họ đâu có ngờ, khi miếng cơm mưu sinh dần khấm khá hơn một chút nhờ quặng thì thảm họa thương tâm xảy ra: cả trái núi đổ ập, vùi chôn nhiều sinh mạng. 

Trường hợp 2 anh em Hàng A Dinh và Hàng A Sú thật đau lòng. Hàng A Sú đang học Cao đẳng Nông nghiệp tại Sơn La. A Sú và người anh của mình là A Dinh tranh thủ đi nhặt quặng kiếm tiền để chuẩn bị nhập trường nhưng cả 2 anh em họ đều đã bị ngọn núi vùi lấp. A Dinh chết đi còn bỏ lại người vợ cùng một đứa con gái mới chỉ hơn 1 tuổi.
 
Người vợ ôm con thẫn thờ đợi tin chồng.
Ông Tạ Quang Long - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định tập trung tối đa cho công tác cựu hộ cứu nạn.

Ông Tạ Quang Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đang dồn toàn bộ nhân lực vào công tác tìm kiếm những nạn nhân còn đang bị vùi lấp. Với những nạn nhân được tìm thấy, UBND tỉnh Yên Bái đã tiến hành hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình 4,5 triệu đồng/nạn nhân thiệt mạng; 1,5 triệu đồng cho gia đình người bị thương. Huyện cũng xuất kho dự trữ hỗ trợ mỗi gia đình 100 kg gạo nhằm khắc phục những khó khăn trước mắt. Đồng thời, Công ty TNHH Thịnh Đạt cũng hỗ trợ cho mỗi gia đình nạn nhân chết số tiền 10 triệu đồng, nạn nhân bị thương là 3 triệu”.

Ông Long cũng khẳng định sau khi công tác cứu hộ, cứu nạn kết thúc, UBND tỉnh Yên Bái sẽ giao các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ nguyên nhân vụ lở núi này. Nếu có sai phạm sẽ xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân liên quan.
 
 
Thế Cường