TPHCM:
Tăng thuế vẫn có thể thất thu vì... đồng tiền có chân!
(Dân trí) - Theo các chuyên gia kinh tế, việc TPHCM triển khai cơ chế đặc thù như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, tăng phí, lệ phí, cho ra loại phí mới... là vấn đề hóc búa chứ không hề đơn giản. Thu thuế, phí, lệ phí... phải đảm bảo hiệu quả, công bằng, khả năng “hành thu” cao. Nếu làm không khéo thì thành phố mất nguồn thu vì “đồng tiền có chân”.
Bài toán hóc búa khi tăng thuế, tăng phí
Chiều 11/12, UBND TPHCM đã họp triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Trong 19 nội dung công việc để triển khai cơ chế, chính sách đặc thù thì có 10 nội dung các sở, ngành trực tiếp thực hiện theo kế hoạch hàng năm của đơn vị, còn 9 nội dung công việc cần sự phối hợp, liên kết giữa các sở, ngành, ý kiến của các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực. Tất cả các đề án phải hoàn thành trước tháng 6/2018 đề trình HĐND TPHCM.
Tại đây, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho biết đơn vị sẽ phối hợp với Cục Thuế TP để xây dựng nội dung về thu thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường.
“Việc tăng phí, lệ phí có trong danh mục và xây dựng phí, lệ phí mới thì sở tính toán được nhưng để đánh giá tác động thì đòi hỏi phải có sự tham gia hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, chuyên gia kinh tế. Có những mức phí có thể giảm đi chứ không phải là phải tăng hết. Khi tăng thì cơ quan thuế phải xác định cách thu, tác động đến kinh tế, xã hội”, bà Thắng nói.
Đồng quan điểm, Cục trưởng Cục Thuế TP Trần Ngọc Tân cho rằng khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia, rượu hay thuế môi trường đối với xăng dầu phải nghiên cứu kỹ và đánh giá tác động.
“Mặt hàng sản xuất ở thành phố nhưng đi tiêu thụ ở khắp nơi, vậy cách thu thuế như thế nào cho tốt? Điều này ảnh hưởng đến việc thu thuế, nếu làm không khéo thì bị tản ra. Có khi hàng hóa chạy lòng vòng rồi về thành phố tiêu thụ. Nhờ các chuyên gia nghiên cứu kỹ, cái nào phức tạp thì xin phép trình đề án sau”, ông Tâm nói.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch nhận xét: “TP kêu cho cơ chế đặc thù mà giờ làm không được thì sẽ sinh chuyện, trong khi bị áp lực thời gian. Đây là vấn đề hóc búa chứ không hề đơn giản”.
TS Lịch cho rằng khi đặt ra một phí mới thì phải nghiên cứu kỹ vì có tác động tích cực lẫn tiêu cực. Ông cũng lo ngại khi tăng thuế đối với mặt hàng như bia, rượu phải cân nhắc vì không khéo thì doanh nghiệp sẽ nhập hàng về nơi khác.
“Tăng thuế chưa chắc tăng thu, giảm thuế chưa chắc giảm thu. Phải nhìn tổng thể khu rừng để xem tác động ngân sách ra sao”, ông Lịch nói.
Khẩn trương nhưng không hối tiếc!
Còn TS Trần Hoàng Ngân – Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM thì cho rằng, xét cho cùng việc Quốc hội cho TPHCM cơ chế đặc thù là để giải quyết các thách thức mà thành phố đang đối mặt như ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, quá tải bệnh viện... Ông đề nghị TPHCM phải mạnh dạn làm.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu chính sách công, TS Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM) cho rằng các đề án triển khai cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM phải giúp thành phố tăng năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư; đảm bảo thu ngân sách hiệu quả, công bằng; có cơ chế khai thác giá trị từ đất để triển khai cơ sở hạ tầng; tạo động lực cho cán bộ để làm việc tốt cho thành phố.
“Thu thuế, phí phải đảm bảo hiệu quả, công bằng, khả năng hành thu cao. Nếu làm không khéo thì thành phố sẽ mất nguồn thu vì thành phố trở thành “vùng cao” và các hoạt động kinh tế sẽ chạy sang địa phương khác. Phải tránh tình trạng tăng thuế mà thất thu vì đồng tiền có chân”, TS Du cảnh báo.
TS Vũ Thành Tự Anh (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM) cho rằng trước khi triển khai thu thuế, tăng phí... thì ngoài tác động đến nguồn thu phải đánh giá tác động liên quan đến doanh nghiệp người dân.
“Cần có bức tranh đầy đủ về thu, chi ngân sách để khi bấm nút thực hiện dự án nào đó thì thấy được bức tranh thay đổi như thế nào? Mặc dù rất khó nhưng đây là điều rất cần thiết. Phải làm theo nguyên tắc “khẩn trương nhưng không hối tiếc”. Đưa ra thuế, phí đã khó nên rút lại không dễ, ảnh hưởng đến uy tín chính quyền địa phương. Chúng ta khẩn trương nhưng không nên thực hiện một biện pháp gì khi chưa yên tâm”, TS Tự Anh chia sẻ.
Theo ông, khi thực hiện cơ chế đặc thù thì phải tăng được “sinh khí mới” cho nền kinh tế địa phương. Giá trị gia tăng lớn nhất của nền kinh tế là từ doanh nghiệp. Phải cân nhắc cẩn thận nếu không đẩy mặt bằng chi phí tăng lên. Lúc đó có khi nền kinh tế thành phố không còn sức sống nữa.
“Đây là con dao 2 lưỡi. Nếu làm tốt thì tăng thu và đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhưng nếu làm không tốt thì xảy ra hiệu ứng ngược mà chúng ta không mong muốn”, TS Tự Anh chia sẻ dưới góc độ nhà nghiên cứu kinh tế.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc được triển khai cơ chế, chính sách đặc thù là cơ hội, thách thức và cũng là trách nhiệm của thành phố.
Ông Phong cho biết khi lập các nhóm xây dựng đền án sẽ mời nhóm các chuyên gia cùng giúp thành phố. Lãnh đạo thành phố sẽ trực tiếp chỉ đạo các nhóm đề án để có cái nhìn tổng thể khi đánh giá tác động.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao cho Sở Nội vụ xây dựng nội dung về cơ chế tài chính và quản lý các đơn vị sự nghiệp, sắp xếp lại bộ máy hành chính, gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân để trình HĐND TP tại kỳ họp bất thường cuối giữa quý I/2018.
Đối với các nhóm đề án liên quan đến phân cấp, ủy quyền; kêu gọi đầu tư; đất đai, tài chính ngân sách, ông Phong đề nghị đến 15/1 phải hoàn thành đề cương để triển khai các bước tiếp theo cho kịp tiến độ.
Quốc Anh