1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tăng thời hạn tại ngũ để đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu

(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa cho biết, thống nhất thời hạn tại ngũ 24 tháng, nâng tuổi nhập ngũ lên 27 để bảo đảm bình đẳng quyền, nghĩa vụ của công dân và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Ngày 4/11, bên lề buổi họp tổ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trao đổi với báo chí những vấn đề liên quan đến việc tăng thời hạn tại ngũ và nâng độ tuổi nhập ngũ trong dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh trình Quốc hội.

Tăng thời hạn tại ngũ để đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, tăng thời hạn tại ngũ là để đáp ứng nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu

Trong thời bình như hiện nay có nhất thiết phải tăng thời hạn tại ngũ lên 24 tháng và nâng độ tuổi nhập ngũ lên 27 tuổi không, thưa ông?

Thực tế nội dung của luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của đất nước, trong đó có quy định mới nhất của Hiến pháp năm 2013 về quyền và nghĩa vụ công dân. Việc sửa đổi luật này ngoài việc để phù hợp với điều kiện, tình hình mới còn để đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân theo quy định của Hiến pháp. Do vậy, sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành chính là để đáp ứng yêu cầu điều kiện thời bình.

Theo quan điểm của Ủy ban Quốc phòng An ninh việc thống nhất 24 tháng tất cả đối tượng khi thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ là để đảm bảo mục tiêu bình đẳng với mọi công dân. Vấn đề nữa là để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, từng bước tiến tới hiện đại. Cũng có một số lực lượng phải tiến thẳng lên hiện đại đang được trang bị các phương tiện kỹ thuật như không quân, hải quân, tác chiến điện tử. Đó là những yêu cầu phải tăng thời hạn lên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang.

Điều đó có thể hiểu là thời hạn tại ngũ, độ tuổi nhập ngũ của thanh niên hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo, rèn luyện để thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong thời kỳ hiện nay?

Hiện nay, chúng ta thực hiện thời hạn tại ngũ 18 tháng và 2 đợt tuyển quân một năm gây khó khăn cho chuẩn bị của các đơn vị thường trực sẵn sàng chiến đấu. Khác với quận đội các nước, quân đội ta với ba chức năng là đội quân công tác, đội quân chiến đấu và đội quân lao động sản xuất. Vì vậy, hàng năm quân đội thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, không chỉ huấn luyện để tác chiến mà còn phải làm công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, tham gia phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn, lao động sản xuất… để đáp ứng nhu cầu xây dựng lực lượng vũ trang và xây dựng đất nước.

Vì tâm lý nhập ngũ sẽ lỡ mất cơ hội học tập, làm việc nên lớp thanh niên hiện nay nhiều người còn có tư tưởng khác nhau trong việc nhập ngũ bảo vệ tổ quốc. Vậy có cách nào khắc phục tình trạng này không, thưa ông?

Chủ trương bảo đảm công bằng xã hội trong nghĩa vụ quân sự tại ngũ là hết sức quan trọng. Thực tế hiện nay nhập ngũ đa phần là thanh niên nông thôn, còn thanh niên thành thị ít hơn, bậc tốt nghiệp đại học và cao đẳng có tỉ lệ rất ít so với số lượng hiện có. Nếu chúng ta đưa số lượng đó đi nhập ngũ và sử dụng ngay vào các vị trí chuyên môn mà quân đội đang cần thì sẽ giảm bớt đào tạo trong quân đội.

Như vậy việc nâng độ tuổi nhập ngũ lên 27 tuổi là kỳ vọng vào việc có nguồn nhân lực chất lượng cao hơn để phục vụ trong quân đội?

Muốn để độ tuổi đó là vì trong dự thảo Chính phủ trình có quy định tạm hoãn đối với sinh viên đang học ở bậc đại học chính quy. Vì vậy, mới phải kéo dài đến hết tuổi 27 để công dân học xong đại học có thời gian phục vụ quân đội.

Với các nước thì thời hạn tại ngũ và độ tuổi nhập ngũ, thường được quy định như thế nào?

Quân đội các nước là quân đội nhà nghề, còn ở ta hoàn toàn khác họ đó là vừa kết hợp nghĩa vụ với chuyên nghiệp. Nghĩa vụ của chúng ta không phải chỉ để xây dựng lực lượng thường trực mà còn tạo ra nguồn nhân lực cho một nền quốc phòng toàn dân. Ở một số nước thực hiện nghĩa vụ quân sự thời gian tại ngũ khoảng từ 18 đến 36 tháng. Giới hạn tuổi của nước ngoài cũng thường cao hơn ta. Còn nhiều nước bắt buộc 100% thanh niên phải qua nhập ngũ như Hàn Quốc, Israel.

Xin cảm ơn ông!

Quang Phong (ghi)