1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tăng lương tối thiểu trước lộ trình: Đã tính đến “sức khỏe” của doanh nghiệp

(Dân trí)- “Không chỉ DN mà nhà đầu tư nước ngoài cũng căng thẳng kêu khó khi áp dụng tăng lương tối thiểu trước lộ trình. Tuy nhiên DN phải chia sẻ khó khăn với NLĐ trước áp lực giá tăng. Khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển, Chính phủ sẽ quay lại đúng lộ trình”.

Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, tại thời điểm đề án tăng lương trước lộ trình (dự kiến áp dụng từ 1/10/2011) được trình lên Chính phủ, vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn. Như quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng mức 2 triệu đồng áp dụng cho vùng 1 vẫn quá thấp so tốc độ tăng giá hàng hóa mức chóng mặt ở khu vực này. Tuy nhiên, khi đưa ra các phương án về lương, Ban soạn thảo phải tính toán đến những yếu tố tác động đến “sức khỏe” của doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nội địa.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH  Phạm Minh Huân đã có buổi trao đổi  với PV Dân trí xung quanh vấn đề này:

Tăng lương tối thiểu trước lộ trình: Đã tính đến “sức khỏe” của doanh nghiệp - 1

Mức điều chỉnh lương tối thiểu đã được tính đến sức chịu đựng của DN. (Ảnh minh họa)

Cùng với những ý kiến bày tỏ sự đồng tình với Bộ LĐ-TB&XH về Đề án tăng lương sớm trước lộ trình nhằm hỗ trợ người lao động đang chịu tác động tăng giá quá nhanh của thị trường, cũng có không ít chuyên gia lo ngại, động thái điều chỉnh lương sẽ làm ảnh hưởng tới việc làm, thất nghiệp tăng, cùng đó là tình trạng “té nước theo mưa” càng khiến giá cả tăng mạnh hơn?

Đúng là nếu mức lương tối thiểu tăng cao quá sẽ ảnh hưởng đến việc làm. Khi đó, DN bắt buộc phải tính toán lại, nếu quỹ lương không thể chịu đựng được họ sẽ phải xem lại khả năng việc làm của người lao động (NLĐ), cân nhắc kế hoạch có tuyển mới vào. Như thế, cơ hội tìm việc làm mới của NLĐ sẽ thêm khó khăn.

Tuy nhiên, trước tình trạng lạm phát như hiện nay, bắt buộc phải tăng lương tối thiểu sớm, để lương thực tế của NLĐ được hỗ trợ. Ở những nơi chỉ trả theo sàn lương tối thiểu thì thực tế chỉ là bù đắp phần trượt giá hiện nay.

Nhưng cũng có nhiều nơi, chính sách tăng lương tối thiểu sẽ chẳng ảnh hưởng gì tới họ. Như ở khu công nghiệp Nam Thăng Long, hiện tại mức lương mà các DN phải trả cho NLĐ tối thiểu là 3 triệu mới có người đi làm; nên sau khi có quyết định nâng lương tối thiểu, DN cho biết vẫn chỉ trả thế thôi. Chỉ có điều phần chi trả bảo hiểm xã hội có tăng thêm một chút.

Còn để khắc phục tình trạng “té nước theo mưa” vẫn thường xảy ra mỗi khi có thông tin về tăng lương, cần sự phối hợp từ mỗi địa phương để bình ổn thị trường. Như: làm sao để người lao động các khu tập trung được hưởng tiền điện không phải lũy kế. Bán hàng bình ổn giá là những vấn đề mà các địa phương cũng phải tính toán. Chính phủ cũng phải xây dựng cơ chế để thu hút các nhà đầu tư xây nhà cho người lao động ở. Do đó, không đơn thuần chỉ mỗi vấn đề tiền lương. Chính phủ cũng đang chỉ đạo các địa phương tích cực các biện pháp bình ổn giá, kiểm soát giá.


Tăng lương tối thiểu trước lộ trình: Đã tính đến “sức khỏe” của doanh nghiệp - 2
Giá cả trên thị trường tăng mạnh ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của NLĐ. (Ảnh minh họa)

Cũng có không ít DN đóng trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… than thở là trong 1 năm có tới 3 lần điều chỉnh lương. Cụ thể, mùng 1/1 và 1/7 là điều chỉnh vùng, sắp tới là điều chỉnh tối thiểu. Theo ông có phải do chính sách điều chỉnh liên tục khiến DN căng thẳng?

Đúng là căng thẳng, không chỉ DN mà  các nhà đầu tư nước ngoài cũng căng thẳng, chờ đợi. Chính phủ bao giờ cũng phải đứng giữa. Một bên là người lao động, một bên là doanh nghiệp kêu khó. Bộ cũng hiểu những DN sử dụng vài chục, vài trăm lao động không ảnh hưởng nhiều, nhưng những DN sử dụng trên 1.000 lao động là cả một vấn đề. Tất cả mọi động thái điều chỉnh lương đều khiến họ phải sắp xếp lại các thang, bậc lương. Tuy nhiên, khi đưa ra các phương án về lương, Ban soạn thảo phải tính toán đến những yếu tố tác động đến “sức khỏe” của DN, đặc biệt là DN nội địa

Về phía DN, cũng phải chia sẻ khó khăn với NLĐ trước áp lực gia tăng. Bộ cũng đã nói rõ, Đây là tăng lương sớm 1 quý. Theo đó, việc điều chỉnh này sẽ kéo dài cả trong năm 2012. Dần dần khi điều kiện kinh tế xã hội phát triển lên, Chính phủ sẽ quay lại đúng lộ trình điều chỉnh lương.
 
Năm nay là năm đặc thù, do áp lực chỉ số giá tăng cao. Chính phủ đã phải tiến hành hàng loạt các vấn đề: Đối với khu vực hành chính thực hiện trợ cấp. Ở khối DN nhà nước, Chính phủ cũng cho trợ cấp khó khăn, rồi vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo cũng đã tiến hành cấp gạo thiếu đói. 
 
Bộ đã tính đến khả năng để "lách" luật và đảm bảo lợi nhuận, DN có thể cắt xén những chi phí khác như tiền suất ăn ca của NLĐ không, thưa ông?

Đã tính đến khả năng đó, nên lần này Bộ đã trình Chính phủ đề nghị mức sàn cụ thể bữa ăn ca của NLĐ ít nhất là phải 15.000 đồng/người. Nhiều khả năng, mức ăn ca cũng phải chia cho các vùng. Những vùng giá cả đắt đỏ hơn thì phải cao hơn.  

Về vấn đề này DN có ý kiến, với những đơn vị nhỏ sẽ khá dễ tự tổ chức được bữa ăn ca. Nhưng với các DN lớn, lên tới hàng nghìn công nhân thì họ phải thuê nơi làm dịch vụ khác chuyên nấu bữa ăn giữa ca. Do đó, DN yêu cầu phải có phưong án hỗ trợ là giảm hoặc không đánh thuế bữa ăn giữa ca.

Ngoài ra, Bộ cũng đang đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo ngành tài chính kiểm tra các doanh nghiệp về chất lượng bữa ăn ca; làm sao để lợi nhuận của họ hợp lý, chứ DN cứ tăng lợi nhuận bằng cách giảm chất lượng bữa ăn giữa ca là không thể chấp nhận. Bởi chất lượng bữa ăn ca rất quan trọng, nó giúp NLĐ tái tạo và dưỡng sức trong quá trình làm việc.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo phương án điều chỉnh lương lương tối thiểu trước lộ trình mà Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ, mức điều chỉnh cao nhất là 2 triệu đồng/tháng, áp dụng cho vùng 1. Tại vùng 2, mức điều chỉnh sẽ là 1,78 triệu đồng/tháng. Riêng vùng 3 và vùng 4 được giữ nguyên so với đề xuất ban đầu là 1,55 triệu đồng và 1,4 triệu đồng/tháng. Được biết, phương án này đã nhận được sự đồng tình từ phía Chính phủ, nên sẽ sớm được thông qua và chính thức áp dụng từ 1/10/2011.

P. Thanh