Đề xuất giảm giờ làm: Người Việt lẽ ra lúc này phải lao động hăng say hơn!
(Dân trí) - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phân tích, những nước có nền kinh tế ở trình độ phát triển tương tự Việt Nam đều quy định làm việc 48 giờ/tuần. Chỉ một số nước phát triển cao thực hiện quy định làm việc 44 giờ/tuần, như khu vực ASEAN mới chỉ có 2 nước áp dụng. Đáng ra mỗi người Việt lúc này càng phải lao động hăng say hơn.
Thảo luận về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau xung quanh Bộ luật Lao động (sửa đổi) sáng 14/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận xét thẳng thừng: “không lý gì tăng giờ làm”. Theo ông, nhu cầu tăng giờ làm thêm cũng cần thiết nhưng không phải là phổ biến, thường xuyên mà chỉ xuất hiện trong 1 thời gian ngắn, khi thực hiện phong trào thi đua được phát động hay trong mùa vụ, đơn hàng gấp của doanh nghiệp chứ không thể tạo cớ để lúc nào cũng tăng giờ làm với người lao động.
Ông Tỵ nhấn mạnh, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm vì liên quan đến con người, nguyện vọng của đa số người lao động là được giảm chứ không phải tăng giờ làm nên cần đánh giá tác động của đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa đến tâm tư, nguyện vọng người lao động.
Đồng tình, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phân tích, thực tế cả người lao động và sử dụng lao động đều có nhu cầu làm thêm giờ nhưng việc đó sẽ làm lợi cho giới chủ nhiều hơn. Tăng giờ làm thêm sẽ giúp giảm chi phí cho giới chủ vì không phải tuyển lao động mới, không phải tăng chi phí mua bảo hiểm xã hội…
Dẫn cảnh báo của UB Các vấn đề xã hội về tình trạng không thanh, kiểm tra thường xuyên dễ dẫn đến hiện tượng lợi dụng, vi phạm quy định về tăng giờ làm thêm phổ biến như hiện nay, bà Hải lo ngại, hệ quả của việc đó sẽ làm kiệt quệ sức khoẻ người lao động.
“Vậy nên mở rộng khung giờ làm thêm, tôi không đồng tình. Nới trần làm thêm giờ, dự luật chỉ quy định trần tối đa theo tháng nhưng tôi thấy cần thiết phải quy định thêm cả trần tối đa theo ngày, theo tuần” – bà Hải nói.
Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc nêu quan điểm ngược lại, ủng hộ đề xuất của Chính phủ là nới khung thời gian làm thêm giờ tối đa lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm) vì việc này quan trọng với những ngành lao động sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho xuất khẩu của Việt Nam. Ông Lộc cũng muốn giữ nguyên quy định về tiền lương làm thêm giờ như hiện nay vì tăng tiền lương luỹ tiến theo giờ là tăng thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, trong bối cảnh rất khó khăn, cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Ông Lộc thông tin thêm, kinh nghiệm các nước hiện cũng phổ biến quy định như đề xuất. Trên thế giới chỉ có 2 nước thực hiện việc tính tiền lương lũy tiến theo giờ mà đó cũng không phải là điển hình về phát triển kinh tế.
Về vấn đề giờ làm việc bình thường, Chủ tịch VCCI cũng so sánh, xu hướng thế giới, với những nền kinh tế ở trình độ phát triển tương tự như Việt Nam, tuyệt đại đa số vẫn đều quy định mức làm việc 48 giờ/tuần (tức 6 ngày/tuần, 8 giờ/ngày). Chỉ một số nước phát triển cao thực hiện quy định làm việc 44 giờ/tuần, như khu vực ASEAN mới chỉ có 2 nước áp dụng.
Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam hiện thấp nhất trong ASEAN, chỉ hơn Campuchia mà còn giảm thời gian làm việc thì sẽ không phù hợp với điều kiện phát triển, cũng không phù hợp với người lao động vì sẽ bị cũng giảm tiền lương. Theo ông Lộc, trong bối cảnh hiện nay, đáng ra mỗi người càng phải lao động hăng say hơn để xây dựng đất nước.
Phản bác những phân tích về sự bất công bằng trong giờ làm việc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp lâu nay khi cán bộ công chức đã được áp dụng mức làm việc 40 giờ/tuần từ lâu, ông Lộc cho rằng, so sánh như vậy thì cũng phải đặt trong bối cảnh là tiền lương cơ sở trong khu vực nhà nước thấp hơn khu vực doanh nghiệp.
“Làm với mức lương tối thiểu 4 triệu đồng/tháng thì phải làm 48 giờ/tuần, còn người hưởng cơ sở chỉ 1,5 triệu đồng/tháng thì chỉ làm 40 giờ/tuần là đúng rồi” – ông Lộc bình luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định xu hướng tiến bộ hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm, trong điều kiện áp dụng công nghệ, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động. Giảm giờ làm cũng để bảo vệ sức khoẻ người lao động, bảo vệ sự phát triển bền vững của mỗi gia đình và cả xã hội vì nếu cứ quần quật làm việc, mỗi người lấy đâu thời gian đâu chăm sóc gia đình, con cái…
Ông Lưu không đồng tình với quan điểm cho rằng cần lao động hăng say hơn trước những dấu hiệu không tích cực, đầy khó khăn của nền kinh tế đất nước 6 tháng qua. Phó Chủ tịch Quốc hội phân tích, Bộ luật lao động xây dựng không phải chỉ cho năm 2019 hay cho 6 tháng tới mà là hoạch định cho cả giai đoạn dài. Vấn đề tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm có xu hướng chậm lại có nhiều yếu tố khác chứ phải do vấn đề giờ thời gian làm thêm không đủ.
Ông Lưu nêu quan điểm: “Tôi không ủng hộ việc tăng giờ, nếu có thì chỉ tăng có lựa chọn, có kiểm soát. Còn vấn đề làm 48 giờ hay 44 giờ/tuần thì tôi thiên về hướng chỉ 44 giờ/tuần thôi”.
Chủ tịch Quốc hội: "Tôi vẫn làm việc khi đã quá tuổi nghỉ hưu"
Về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây không phải chuyện đến giờ mới đặt ra. Xu hướng chung của thế giới, các nước đều phải tăng dần tuổi nghỉ hưu lên. Thực tế, tại Việt Nan, nhiều ngành như Viện kiểm sát, tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên hiện đã là 65 tuổi. Tuổi nghỉ hưu của nữ tại một số địa bàn, khu vực, vị trí cũng đã tới 60. Luật cán bộ viên chức quy định tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo cao cấp đã tới mốc 60-67 từ lâu.
Ủng hộ chính sách này, ông Lưu chỉ rõ, Nghị quyết 28 của Trung ương đã xác định, tăng tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn, có tính đến yếu tố già hoá dân số trong tương lai gần, tính tới thị trường lao động, ổn định phát triển. Đó là những định hướng lớn được xác định, cần phải thể chế hoá pháp luật cho phù hợp.
Đồng tình, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, bản thân bà cũng như Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng vẫn làm việc khi quá tuổi nghỉ hưu rồi.
P.Thảo