Tăng gấp đôi mức phạt giao thông tại Hà Nội và TPHCM
(Dân trí) - Chính phủ đã chấp thuận cho Hà Nội và TPHCM được áp dụng mức phạt vi phạm giao thông tại nội thành cao hơn cả nước 40 - 200%. Theo đó, trong trường hợp vi phạm luật, người điều khiển xe máy, ô tô bị phạt cao nhất lần lượt là 500.000đ và 2.000.000đ.
Nghị định sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 3.
Giới thiệu Nghị định này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyễn Hồng Trường cho biết, tại khu vực nội thành của Hà Nội và TPHCM, những hành vi vi phạm có thể ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông sẽ phải chịu mức phạt cao hơn hiện hành từ 40 - 200%.
Cụ thể, các hành vi này gồm: dừng xe không đúng chỗ, không thực hiện theo chỉ dẫn, chạy xe quá tốc độ, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông...
Cũng theo ông Trường, việc xử phạt vi phạm giao thông cao hơn tại 2 thành phố lớn sẽ được thực hiện thí điểm trong 36 tháng và hàng năm có báo cáo kết quả với Chính phủ. Hiện thời điểm có hiệu lực của quy định mới chưa được quyết định, nhưng theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, sẽ thực hiện ngay từ quý II này.
Người đi xe đạp, xe đạp máy có thể bị phạt từ 100 - 200. 000đ trong trường hợp không đi bên phải theo chiều đi của mình, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, để xe ở lòng đường trái quy định…
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự sẽ bị phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng trong một số trường hợp không chấp hành chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường hoặc không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường bộ giao nhau…
Phạt tiền từ 1.400.000 - 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô trong trường hợp: đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi ngược chiều của đường một chiều; điều khiển xe chạy quá tốc độ từ 10km/h - 20km/h; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông…
Nói về tác động của quy định mới, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyễn Hồng Trường cho rằng: “Việc xử phạt là một trong những hình thức để người tham gia giao thông thấy được trách nhiệm của mình hơn, nhưng tôi cho rằng, nâng mức xử phạt cũng chỉ là một yếu tố tác động tới tâm lý, còn quan trọng hơn là phải nâng ý thức của người dân - đó mới là điều quan trọng để chống ùn tắc”.
Cấn Cường