1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tăng cường thanh tra đột xuất giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với cơ quan chức năng xử lý nghiêm 12.000 vụ vi phạm môi trường. Năm 2021 sẽ tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân.

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngày 30/12, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định không chỉ năm 2020 mà ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020, ngành tài nguyên đã phải đối mặt phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn.

Nhiều vấn đề tồn tại tích tụ từ giai đoạn trước đây như cơ chế chính sách, mô hình tăng trưởng thiếu bền vững dựa nhiều vào tài nguyên, nhân lực giá rẻ; suy thoái, lãng phí trong sử dụng tài nguyên; khiếu kiện liên quan đến đất đai diễn biến phức tạp.

Tình trạng hạn hán diễn ra gay gắt tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, xâm nhập mặn nghiêm trọng chưa từng có xảy ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, sự cố môi trường biển gây hậu quả nghiêm trong tại 4 tỉnh miền Trung, đặt ra những thách thức to lớn về an ninh môi trường.

Tăng cường thanh tra đột xuất giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân - 1

Hội nghị diễn ra sáng 30/12 (Ảnh: K.T).

Xử lý nghiêm 12.000 vụ vi phạm môi trường

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và những lo lắng của Nhân dân về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đa dạng sinh học, toàn ngành đã tập trung rà soát, đánh giá, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế xây dựng trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) - quyết sách tổng thể, toàn diện, đột phá để đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trụ cột của quá trình phát triển bền vững.

Công tác bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, đổi mới tư duy quản lý, chuyển trọng tâm từ bị động ứng phó sang chủ động kiểm soát, giám sát nguồn thải lớn để đảm bảo an toàn cho môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện việc công bố thông tin chất lượng môi trường, trong đó có môi trường không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang thông tin điện tử. Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom xử lý tại khu vực nội thành, nội thị đạt khoảng 92%, tại khu vực ngoại thành của các đô thị đạt khoảng 66%.

Nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai 12 dự án với công suất gần 15 nghìn tấn/ngày.

Tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung đạt 90% (tăng 12,7% so với năm 2016), trong đó số lượng khu công nghiệp đã đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục đạt 78,2%. Tỷ lệ tro xỉ được tái sử dụng đạt trên 50%. Hoàn thành xử lý triệt để 340/435 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tăng 30,2% so với năm 2016.

"Toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cảnh sát môi trường, Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân phát hiện, xử lý nghiêm 12.000 vụ vi phạm môi trường (giảm 4,26% so với cùng kỳ năm 2019). Tỷ lệ người dân ủng hộ không dùng túi nilong ở các địa phương theo khảo sát của PAPI ở mức 74-94%"- báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Tăng cường thanh tra đột xuất giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân - 2

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại Công ty Formosa Hà Tĩnh mới đây.

Tập trung thanh tra nhiều điểm nóng trong năm 2021

Trong công tác thanh tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn như tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các dự án đầu tư, khai thác trái phép khoáng sản.

Năm 2020, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19, ngành đã chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch thanh tra theo hướng giảm bớt số lượng đối tượng thanh tra định kỳ; tập trung thanh tra đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, chủ động chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để tạo sự răn đe, phòng ngừa, đồng thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, kẽ hở của chính sách để sửa đổi, hoàn thiện.

Toàn ngành đã tiến hành 816 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị thu hồi 4.483 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 76,28 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2016- 2020, toàn ngành đã kiến nghị thu hồi gần 22,55 nghìn ha đất, truy thu hơn 444 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính 344 tỷ đồng.

Tập trung lực lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai phức tạp, đông người; quan tâm giải quyết đối với các vụ việc mới phát sinh, đảm bảo ổn định trật tự, chính trị, xã hội ở các địa phương. Qua đó, số lượng đơn thư giảm trung bình 9,0%/năm; khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai đã giảm 38% so với giai đoạn trước.

Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chuyển hoạt động thanh tra kiểm tra từ tiền kiểm sang hậu kiểm; tăng cường thanh tra đột xuất để giải quyết tình trạng nhũng nhiễu, hành dân gây bức xúc trong dư luận, các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đặc biệt sẽ tập trung triển khai công tác thanh tra đối với dự án được giao đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; tổ chức được giao đất, cho thuê đất có nguồn gốc đất công; việc bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng; các cơ sở chăn nuôi, các nguồn xả thải lớn; hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; việc xả nước thải vào nguồn nước…