1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tăng cường biện pháp phòng ngừa xâm hại trẻ em

(Dân trí) - “Hiện nay bản thân bố mẹ hoặc người giám hộ đưa hình ảnh trẻ em lên internet có thể vô tình gây hại cho trẻ em... Xâm hại trẻ em không chỉ trực tiếp với trực tiếp nữa mà bây giờ còn là sử dụng hình ảnh để lạm dụng trẻ em. Chính vì thế việc bảo vệ riêng tư cho trẻ em rất cần thiết”- Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan khẳng định.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan trả lời tại cuộc họp (Ảnh: X.H)
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan trả lời tại cuộc họp (Ảnh: X.H)

Tại cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Luật Trẻ em 2016 sáng 29/4, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, Luật Trẻ em quy định cụ thể các yêu cầu, cấp độ bảo vệ trẻ em; trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, chăm sóc thay thế,...

“Các biện pháp bảo vệ trẻ em được quy định cụ thể từ phòng ngừa, hỗ trợ đến can thiệp cùng với trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân để bảo đảm trẻ em được an toàn, được hỗ trợ và can thiệp kịp thời khi có nguy cơ hoặc đang bị xâm hại”- bà Lan nói.

Do việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, Luật Trẻ em quy định về tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp, đôn đốc, điều hòa giữa các bộ ngành, phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội- nghề nghiệp... trong việc giải quyết các vấn đề về trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.

Để việc giám sát thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em khả thi và hiệu quả, Luật Trẻ em quy định rõ nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí xung quanh việc người lớn nói chung, các bậc cha mẹ nói riêng đưa hình ảnh trẻ em, đặc biệt là những bức ảnh nhạy cảm, lên mạng xã hội, Facebook có vi phạm quy định của Luật Trẻ em và chế tài xử lý thế nào, Thứ trưởng Đào Hồng Lan dẫn ra quy định tại Điều 21 về quyền bí mật đời sống riêng tư: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư”.

Đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện đề nghị Tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế.

“Thời gian qua việc xâm hại trẻ em, sử dụng hình ảnh vô tình hay cố ý đưa lên mạng xã hội dẫn tới việc lợi dụng, xâm hại trẻ em trở nên rất nghiêm trọng. Mấy tháng trước đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã họp bàn với cơ quan chức năng của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xung quanh việc phối hợp bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, bởi đây là vấn đề rất nóng. Xâm hại trẻ em không chỉ trực tiếp với trực tiếp nữa mà bây giờ còn là sử dụng hình ảnh để lạm dụng trẻ em. Chính vì thế việc bảo vệ riêng tư cho trẻ em rất cần thiết”- bà Lan trả lời PV Dân trí.

Chính vì thế, Điều 54 Luật Trẻ em đã quy định rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo đó, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

Điều 87 Luật Trẻ em giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo đảm trẻ em được tiếp cận thông tin trên các kênh thông tin, truyền thông; được bảo vệ hình ảnh, thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân về thư tín, viễn thông và các hình thức trao đổi, lưu giữ thông tin cá nhân. Quản lý, hướng dẫn quy chuẩn báo chí, xuất bản, viễn thông, Internet, phát thanh, truyền hình và các hình thức cung cấp, quảng bá thông tin khác dành riêng cho trẻ em, có trẻ em tham gia, liên quan đến trẻ em; bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử và các phương tiện thông tin khác.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam phát triển báo chí, thông tin, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em và trẻ em được tham gia; thực hiện biện pháp thông tin, truyền thông cho gia đình, xã hội về kiến thức, kỹ năng bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; quy định tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm cho trẻ em theo quy định.

“Hiện nay bản thân bố mẹ hoặc người giám hộ đưa hình ảnh trẻ em lên internet có thể vô tình gây hại cho trẻ em. Chính vì thế khi chúng tôi giúp Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn thực hiện luật sẽ có những nội dung bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, sẽ quy định cụ thể để áp dụng trong thực tiễn, trách tình trạng xâm phạm trẻ em như trong thời gian vừa qua”- bà Lan nói.

Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2017.

Bảo vệ bí mật đời sống riêng tư của trẻ em

Điều 100 Luật Trẻ em quy định về bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự, bí mật đời sống riêng tư của trẻ em như sau:

1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm sau đây:

a) Trau dồi kiến thức, kỹ năng giáo dục trẻ em về đạo đức, nhân cách, quyền và bổn phận của trẻ em; tạo môi trường an toàn, phòng ngừa tai nạn thương tích cho trẻ em; phòng ngừa trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ bị xâm hại hoặc bị xâm hại;

b) Chấp hành các quyết định, biện pháp, quy định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để bảo đảm sự an toàn, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;

c) Bảo đảm để trẻ em thực hiện được quyền bí mật đời sống riêng tư của mình, trừ trường hợp cần thiết để bảo vệ trẻ em và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình.

3. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em có trách nhiệm lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa cho trẻ em trong quá trình tố tụng theo quy định của pháp luật.

Điều 101 của Luật quy định về bảo đảm quyền dân sự của trẻ em:

1. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em; đại diện cho trẻ em trong các giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trong trường hợp để trẻ em thực hiện giao dịch dân sự trái pháp luật.

2. Cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải giữ gìn, quản lý tài sản của trẻ em và giao lại cho trẻ em theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp trẻ em gây thiệt hại cho người khác thì cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em phải bồi thường thiệt hại do hành vi của trẻ em đó gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 102. Quản lý trẻ em và giáo dục để trẻ em thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em

1. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ để trẻ em hiểu và thực hiện được quyền và bổn phận củatrẻ em theo quy định tại Chương II của Luật này.

2. Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ để trẻ em hiểu, nhận thức đầy đủ và thực hiện được quyền và bổn phận của trẻ em theo quy định tại Chương II của Luật này.

Thế Kha