Tan nát vườn tượng bên bờ sông Hương
(Dân trí) - Mục tiêu của các nhà tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế nhằm tăng thêm giá trị thẩm mỹ của cảnh quan hai bờ sông Hương, nhưng sau 10 năm, nhiều tác phẩm điêu khắc mà theo nhiều người dân cũng như du khách là nên mạnh dạn… quăng xuống sông.
Ông Nguyễn Hiền, Trưởng khoa Điêu khắc Trường đại học Nghệ thuật Huế đồng thời cũng là một điêu khắc gia tên tuổi của Việt Nam, người đã 17 lần tham dự các trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong và ngoài nước khẳng định, nhiều tác phẩm điêu khắc chỉ giống như là một sản phẩm thô kệch hơn là một tác phẩm nghệ thuật. Trong không gian thơ mộng, thoáng đãng của hai bờ sông Hương, những tác phẩm trên giống như là những “nốt ruồi vô duyên trên má người thiếu nữ”, ông Hiền ví von.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho rằng những sản phẩm của các điêu khắc gia tại mỗi kỳ sáng tác không phải khi nào cũng là những tác phẩm của vẻ đẹp “chân - thiện - mỹ” như mong muốn của ban tổ chức. Theo ông Hiền thì một trại sáng tác điêu khắc nếu có 30 tác phẩm thì chỉ cần 5 tác phẩm tốt, 10 tác phẩm khá đã được xem là thành công rồi.
Tại công viên Quốc Học, chúng tôi tận mắt thấy nhiều tác phẩm điêu khắc mà không thể hiểu được ý đồ nghệ thuật của tác giả làm ra nó là gì. Tác phẩm Vẽ trên đá của tác giả Sue Pedley đến từ Australia nhìn bằng mắt thường là 3 khối đá thô nhám cảm giác nguyên hình nguyên dạng như lúc nó được khai thác, được tác giả vẽ trên bề mặt những hình dạng mà theo nhiều người là... chẳng giống ai.
Riêng hai bờ sông Hương đã có 3 lần diễn ra trại sáng tác điêu khắc quốc tế (vào các năm 1998, 2002 và 2004) 3 công viên là công viên Quốc Học, công viên 3-2 và công viên bờ Bắc sông Hương.
Ở 3 lần sáng tác này đã có 96 tác phẩm của các tác giả có tên tuổi trong và ngoài nước thực hiện, song giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm nghệ thuật không được giới chuyên môn đánh giá cao. |
Nhiều tác phẩm điêu khắc “ít ỏi” giá trị thẩm mỹ đã đành, điều làm nhiều người lo lắng nhất là sự xâm hại một cách thô bạo của những người thiếu ý thức đối với các tác phẩm nghệ thuật này.
Các tác phẩm điêu khắc được làm bằng những chất liệu khác nhau như đá thạch, đồng, sắt, inox. Và mỗi tác phẩm bị phá hoại bằng một cách khác nhau. Những tác phẩm bằng đồng, sắt, inox thì bị cưa, cắt, đục để đem bán phế liệu.
Tại công viên 3-2 trước Trường đại học Sư phạm Huế, tác phẩm Độc diễn của tác giả Juliane Heise (người Đức), bức tượng bằng đồng đặt phía trên đỉnh đã bị kẻ gian cưa mất, chỉ còn mỗi đôi chân cụt lủn.
Tác phẩm Lá cờ điêu khắc cũng của Juliane Heise cũng chung số phận, nhìn vào tác phẩm nhiều người cứ nghĩ nó giống cái hòm thư công cộng hơn là tác phẩm nghệ thuật, bởi lá cờ đã “không cánh mà bay”.
Cũng tại công viên này, tác giả Bùi Hoàng Vân, quốc tịch Mỹ, một người gốc Việt khi về thăm lại quê hương đã cảm hứng bằng tác phẩm Nón và gió, như muốn ngợi ca vẻ đẹp của Huế bằng chiếc nón, tà áo dài, dòng sông… Nhưng, 3 cái nón gắn trên tác phẩm với chất liệu bằng đồng đã bị kẻ gian cưa đem bán đồng nát, giờ chỉ còn trơ lại những thanh sắt nhọn hoắt. Nếu có lần nào về thăm lại quê hương và chứng kiến đứa con cưng của mình bị hành xử thô bạo như thế, chắc Bùi Hoàng Vân cũng sẽ không khỏi ngậm ngùi.
Đồng, sắt, inox bị kẻ gian cưa đem bán đồng nát đã đành, những tác phẩm nghệ thuật không có “giá trị kinh tế” thì cũng bị những kẻ thiếu ý thức hành hạ không thương tiếc. Tác phẩm Chày trời đất và sinh mệnh của tác giả Hôri Yasushi người Nhật Bản đã bị biến thành cuốn nhật ký tình yêu, với vô vàn lời yêu đương được khắc lên bề mặt.
Thô bạo hơn cả là tác phẩm nghệ thuật Hoa trinh nữ của tác giả Toym De Leon Imap người Philipin bị bẻ mất tay, mà theo bảo vệ ở đây thì đây là lần thứ 5 cánh tay này bị… bẻ.
Ngoài ra, nhiều tác phẩm nghệ thuật đã trở thành địa điểm thư giãn thú vị của nhiều người. Cảnh tượng nằm, ngồi, leo treo trên các tác phẩm nghệ thuật thường xuyên diễn ra trong các công viên.
Vườn tượng bên bờ sông Hương đang bị xâm hại nghiêm trọng, chính vì vậy mà từ năm 2006, Ban tổ chức đã quyết định tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại các “công viên kín” chứ không phải là “công viên mở” như đôi bờ sông Hương. Năm 2006 tổ chức trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần thứ 4 tại Khu du lịch nghỉ mát đồi Thiên An và tại Festival Huế 2008 là trại sáng tác điêu khắc quốc tế ở Khu du lịch nghỉ dưỡng Abaloong.
Qua 5 lần tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế, lãnh đạo Thừa Thiên Huế dự định sẽ xây dựng một vườn tượng dưới chân núi Ngự Bình để tập trung những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về một đầu mối. Song, ý tưởng xây dựng vườn tượng này dù được ấp ủ từ năm 2003 nhưng đến nay vẫn chỉ là ý tưởng bởi không có kinh phí xây dựng. Vì vậy mà các tác phẩm nghệ thuật bên bờ sông Hương vẫn đang ngày đêm kêu cứu.
Sông Lam