1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tản Hồng những ngày đất lở

(Dân trí) - Đôi chân trần của người phụ nữ cứ di mãi xuống nền đất, nơi chỉ hôm qua thôi vẫn còn là ngôi nhà ấm cúng của chị. Vậy mà bây giờ, tất cả đã là quá khứ. Có lẽ chẳng lâu nữa, ngay cả cái nền gạch này cũng sẽ thành ký ức. Dòng sông Thao trông hiền hòa là thế mà đã khiến bao người phải lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”...

Ngửa mặt kêu trời

 

Chúng tôi có mặt tại thôn Vân Sa, xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, nơi tình trạng lở đất đang diễn ra trầm trọng khi đã gần trưa. Vậy mà ở đó, hàng chục người dân vẫn tụ tập ở bờ sông, chỉ trỏ, bàn tán. Với họ, những gì xảy ra dường như là cơn ác mộng. Ngay dưới chân họ, dưới độ sâu đến hơn chục mét, mấp mé mép sông là những bể nước bằng xi măng, những cụm chuối còn xanh lá đang dập dờn trên dòng nước, những gốc tre của bụi tre chắn sóng chỏng chơ nơi mép nước như chứng minh sự sống chỉ vừa bị cướp trước đó ít lâu…

 

Anh Hoàng Văn Thắng, người có “thâm niên” ở khu bờ sông này ngót bốn chục năm chỉ cho chúng tôi thấy những cuộn sóng đen ngòm xoáy từ đáy sông lên và đưa ra dự đoán: “Từ chiều qua những cuộn sóng đen lại xuất hiện, chỉ nay mai thôi là sẽ có lở lớn đây”. Bằng kinh nghiệm của mình, anh ước tính, mỗi một cột xoáy nước đó sẽ  “bốc” đi hàng chục khối cát theo dòng nước, tạo những lỗ sâu dưới đáy sông, và thế là đất trên bờ bị mất chân sẽ lại “ùm” xuống sông để thế chân vào những lỗ cát đó.

 

Vân Sa là  một trong bốn thôn của xã Tản Hồng, người dân nơi đây sống thuần bằng nghề nông nên kinh tế còn nhiều khó khăn, cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn khi bị “hà bá” hỏi thăm. Đứng trên nền ngôi nhà nhỏ vừa phải đập đi để chạy lở, đôi chân trần của người phụ nữ cứ di mãi xuống nền đất, nơi chỉ hôm qua thôi vẫn còn là ngôi nhà ấm cúng của chị. Vậy mà bây giờ, tất cả đã là quá khứ.

 

Ánh mắt thất thần nhìn xuống dòng sông, chị Nguyễn Thị Yến sụt sùi: “Căn nhà xóa nghèo do chính quyền và bà con xây tặng tôi vừa ở được hơn một năm, vậy mà vừa chiều qua đã phải xót xa đập đi để chạy đất lở”. Quả là “họa vô đơn chí”, chị Yến đã ngót 40, tật nguyền, sống độc thân, thấy gia cảnh chị quá khó khăn, chính quyền địa phương và bà con đã quyên góp được vài triệu, xây tặng chị căn nhà nhỏ hơn chục mét vuông. Vậy mà những giọt nước mắt vui sướng vì có nhà mới chưa khô, những giọt nước mắt đau khổ, nuối tiếc vì mất nhà, mất đất đã lăn trên đôi gò má xạm đen, hằn vết nhọc nhằn của chị.

 

Tản Hồng những ngày đất lở - 1

Chị Nguyễn Thị Yến bên ngôi nhà giờ chỉ còn là đống gạch.

 

Sau hơn chục ngày từ khi tình trạng đất lở xuất hiện, đã có 15 gia đình với 54 nhân khẩu trở thành nạn nhân của tình trạng này. Tốc độ lở đất nhanh đến nỗi gia đình anh Huy ở Cụm 18, thôn Vân Sa có ba gian nhà, thấy tình trạng lở đất đe dọa, anh quyết định chuyển nhà, vậy mà mới chỉ kịp chuyển đồ, giờ nghỉ trưa mọi người đi ăn cơm, chiều ra đã… không còn thấy nhà đâu vì đất lở, dòng sông cuốn trôi đi tất cả.

 

“Đêm đến, đất lở uỳnh uỳnh cứ như bom, rung chuyển nhà cửa, lo không ngủ được”, anh Nguyễn Văn Hùng ngước đôi mắt đỏ ngầu vì mất ngủ kể cho chúng tôi nghe. Đã nhiều đêm, những hộ dân ở ven sông không ngủ, họ phải sống trong cảnh lo lắng, hồi hộp vì không biết tính mạng và căn nhà nhỏ của họ ngày mai sẽ ra sao. Ngay tại hiện trường, chúng tôi chứng kiến những vết nứt chạy dọc theo bờ sông, có vết nứt có thể thò chân xuống được. Vậy mà nhiều gia đình vẫn bám trụ ở lại.

 

Nhà anh Nguyễn Văn Lộc, chỉ còn cách bờ lở khoảng 5m, ngay cả nền nhà, tường nhà anh cũng đã nứt nẻ, nhưng gia đình anh với 4 con người vẫn kiên trì bám trụ. “Anh không sợ sao?”, trả lời câu hỏi này của chúng tôi anh cười mếu máo: “Làm gì có ai không sợ, nhưng gia đình tôi biết đi đâu bây giờ?”.

 

“Biết đi đâu bây giờ” là nỗi lo canh cánh của những gia đình nằm trong vùng nguy hiểm, nguy cơ sạt lở cao. Và cách duy nhất để duy trì sự an toàn ở đây là… kiểm tra vết nứt vào mỗi buổi sáng và theo dõi trong ngày. Anh Nguyễn Văn Hùng kể: “Từ hôm xảy ra tình trạng lở đất, chẳng ai còn tâm trí mà làm ăn, nhà ai cũng phải cắt cử người lớn ở nhà trông nom, theo dõi tình hình để có gì còn… chạy”.

 

Tản Hồng những ngày đất lở - 2

Bờ lở cao hàng chục mét đang đe doạ thôn Vân Sa

 

Nếu không làm kè sẽ mất cả làng

 

“Diện tích của các gia đình bị lở là 3.262 m2, diện tích đất công bị lở là hơn 3.000m2, tổng thiệt hại ước tính vài tỉ đồng”, ông Chủ tịch xã Tản Hồng Lê Ngọc Cẩm thông báo cho chúng tôi con số thiệt hại của đợt lở đất này. Ông Cẩm cho biết, kể từ khi có thủy điện Hòa Bình, nhiều năm mực nước sông xuống rất thấp, khi nước xuống thấp thì nước xoáy đánh tụt lớp cát phía dưới dẫn đến tình trạng lở đất. Lở đất xảy ra trên suốt chiều dài 1.000m bờ sông và chỉ sau một thời gian ngắn (từ 20/12/2005 đến nay), lở đất đã lấn sâu vào đất liền tới gần chục mét, xóa sổ cả một tuyến đê bao và hàng tre trồng chắn sóng.

Không riêng gì Tản Hồng, năm ngoái, thôn La Thượng cũng bị tình trạng lở đất nhưng do được can thiệp kịp thời nên thiệt hại không đáng kể. Ông Cẩm cho biết, kinh nghiệm ở La Thượng cho thấy, chỉ cần thả đá rối (đá hộc, không cần rọ) xuống là đã có thể làm giảm tình trạng sạt lở. “Chúng tôi đã đề xuất làm rọ đá thả xuống để làm kè, nếu không  sẽ mất cả làng chứ chẳng chơi”, ông Cẩm suýt xoa.

 

Có lẽ nguồn cơn bắt đầu từ ngã ba Bạch Hạc, nơi hội tụ của ba con sông Đà, sông Thao, và sông Lô. Chỉ cách đây vài năm, ngã ba sông còn nằm ở khu vực thượng lưu, cách Tản Hồng đến cả cây số, giờ dòng nước thay đổi, bãi bồi giữa sông ngày một lớn đã khiến ngã ba Bạch Hạc lùi  mãi xuống hạ lưu. Dòng nước thay đổi, mực nước thấp… tất cả đã đưa xã Tản Hồng rơi vào tình cảnh khó khăn như bây  giờ. Mặc dù chính quyền địa phương đã có kế hoạch hỗ trợ như huyện có quyết định giúp mỗi nhân khẩu 30kg gạo, đề nghị tỉnh hỗ trợ mỗi gia đình 2 triệu đồng… tuy nhiên, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi mà tết Bính Tuất đã cận kề.

 

Được biết, kế hoạch tiếp theo của chính quyền địa phương là sẽ di dời khoảng 57 hộ và kế hoạch lâu dài sẽ di dời tới 200 hộ trong phạm vi vỏ sông.

 

Chúng tôi rời Vân Sa trở về mang theo hình ảnh người đàn ông tóc đã bạc, ngồi trên chính  nền nhà mình giờ đã toang hoác vì vết nứt cắt ngang. Cả mảnh đất  như chỉ chực ùm xuống sông. Vậy mà ông vẫn ngồi đó, đôi mắt vô hồn, như thách thức dòng sông, hay ông đang tự hỏi “biết đi đâu bây giờ?”.

 

Đức Hoà - Cấn Cường