Nghệ An:
Tan hoang di chỉ khảo cổ Làng Vạc
Từ đầu tháng 3 đến nay, khu di chỉ khảo cổ Làng Vạc (xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An - đã được Bộ VH-TT cấp bằng và xếp hạng di tích quốc gia năm 1999) bị đào bới tan hoang để tìm cổ vật. Đây được coi là khu mộ táng lớn nhất thuộc văn hóa Đông Sơn trên đất nước ta.
Từ một tin đồn
Sáng 30/7, anh Hồ Văn Minh dẫn chúng tôi đến quả đồi có rừng cao su của anh. Nhiều cây cao su 10 năm tuổi bị đào bật cả gốc, ngã chỏng chơ. Khu vực này chính là nơi vào tháng 10 năm ngoái người dân địa phương loan tin rằng một người dân đã tình cờ đào được cặp tượng (voi) cổ. Cặp tượng này được đem ra Hà Nội bán với giá hàng trăm triệu đồng.
Tin này lập tức như vết dầu loang. Chỉ mấy hôm sau, nhiều người vác cuốc, xẻng vào đào bới để tìm vận may. Một công an viên xã Nghĩa Hòa cho chúng tôi biết có ngày có trên 400 người kéo vào để “khai quật” cổ vật. Khu rừng cao su của anh Minh và 2 hộ dân thầu khoán chẳng bao lâu đã bị đào bới lên nham nhở.
Chúng tôi đi vòng xuống con đường chạy quanh chân đồi. Khu đồi tưởng chừng vắng vẻ. Nhưng đi quanh được một đoạn chúng tôi bắt gặp một nhóm đàn ông đang đào khoét tại một khu đất. Một người đàn ông trong nhóm giải thích: “Mấy bữa ni công an làm mạnh quá, bọn tui không dám vô”.
Tưởng chúng tôi là người tìm mua cổ vật, một người tên Hải tỏ ra tiếc nuối: “Mấy chú đến muộn quá, cách đây tuần lễ, bọn tui mới bán cặp hươu bằng đồng rất đẹp. Ban đầu người ta trả 70 triệu đồng, tưởng bị hớ, ba anh em tui mang ra Hà Nội lại bán được có 52 triệu đồng”. Rồi anh này mách nước: “Bây giờ xuống dưới làng hỏi nhà anh Đồng, đang có một cặp vòng đá. Nghe nói bữa trước Đồng còn đào được cái mặt quỷ, không còn đẹp lắm nhưng nó chưa bán. Thử xuống đó coi”.
Chúng tôi tìm đến nhà anh Đồng. Nghe chúng tôi đặt vấn đề xem món đồ cổ vừa đào được để mua, người vợ đưa mắt dò xét rồi xuống gọi chồng lên tiếp khách. Một lát sau, anh Đồng lên lắc đầu quầy quậy: “Tui có đào mô mà có đồ cổ. Cả ngày quanh quẩn với nghề thợ xây thì lấy mô ra vòng đá”. Không thuyết phục được, chúng tôi quay lại “đồi đồ cổ”.
Dưới cái nắng như nung, nhóm người ban nãy vẫn miệt mài đào bới. Ba cái lỗ đã được khoét sâu hoắm kiểu hang ếch, nhưng chỉ mới gặp mấy mảnh sành vỡ nhỏ bằng cái bật lửa. Anh Hải - người giới thiệu với chúng tôi hồi nãy, lắc đầu: “Chắc thằng Đồng nó sợ các chú là công an đóng kịch nên không dám đưa ra”. Nhóm người này cũng khẳng định, trong số hàng trăm người đi tìm vận đỏ, đã có khá nhiều người đào trúng đồ cổ, thường là đồ đồng đúc hình hươu, nai, tượng, hà mã, bò tót, mặt quỷ, rìu, trống đồng loại nhỏ; vòng đá, đồ gốm, kiếm sắt…
Cần một “tín chỉ” cho di chỉ
Ông Sơn - Công an viên xã Nghĩa Hòa - mệt mỏi lắc đầu nói: “Thời gian ni phải liên tục túc trực cả ngày lẫn đêm ở đây. Anh em mệt mỏi lắm, nhưng không dám lơ là vì hở cái là dân kéo vô ngay. Trước đây, ban ngày 12 người trực ở đây có cả công an huyện mà cũng không đuổi được họ. Mấy bữa ni chúng tôi phải mạnh tay họ mới sợ, nhưng ban đêm, từ 23 giờ họ lại lũ lượt đèn đuốc kéo đến. Chúng tôi đuổi thì họ chạy, nhưng quay lên lán là họ lại ra sau lưng đào tiếp. Thậm chí số người khác họ còn dùng đá ném trả lại. Một số người đào bới cho đến sáng. Sáng ra lại có số người khác đến thay thế”.
Năm 1999, nạn đào bới cổ vật cũng đã rộ lên tại đây. Người dân “khai quật” trên khu đồi rộng 3 ha (đất do Nông trường Đông Hiếu quản lý) và lấy đi khá nhiều hiện vật có giá trị. Trước nguy cơ khu di chỉ bị vét sạch hiện vật, chính quyền địa phương đã mất rất nhiều công sức mới chặn được. Hai năm sau, người dân lại vác cuốc, xẻng vào tiếp tục đào bới.
Thế nhưng, theo đánh giá của chính quyền sở tại, so với những lần trước, tình hình hiện phức tạp hơn rất nhiều, người dân đã đào gần 1.000 cái hố để tìm cổ vật. Huyện vừa ra chỉ thị ngăn chặn việc đào bới trái phép di chỉ và phổ biến đến tận nhà dân. Chính quyền xã cũng “nát óc” nghĩ cách để bảo vệ khu di chỉ, trong đó nhiều lần tổ chức họp dân, nhưng họp xong, về nhà họ lại vác xẻng đi đào!
Trước khi rời Làng Vạc, một người dân đề nghị với chúng tôi một cách rất táo bạo: “Các chú về đề nghị nhà nước khai quật đi, nếu không thì để cho dân đào rồi nhà nước giám sát mua lại số cổ vật đó. Còn không thì dân vẫn tiếp tục vô đào trộm thôi, có ai đào đồ cổ bị đi tù mô mà sợ!”.
Theo Duy Cường
Sài Gòn Giải Phóng