Tận diệt đàn gia cầm: Nên hay không?
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch cúm gia cầm chiều 26/11, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã lưu ý cần xem xét đến khả năng tiêu huỷ tổng đàn gia cầm cả nước (khoảng trên 220 triệu con), nếu tình hình tiếp tục diễn biến xấu và nguy cơ đại dịch ở người đang cận kề.
Phải khẳng định ngay, đây là một cách đặt vấn đề hết sức nghiêm túc của Chính phủ, với trách nhiệm bảo vệ tính mạng của người dân lên trên hết. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi: "Nên hay không nên tận diệt toàn bộ đàn gia cầm?" lại không hề là vấn đề đơn giản, càng không thể là những suy nghĩ nhất thời, cảm tính mà chính là bài toán cân não đối với ít nhất là 4 đối tượng: Các nhà quản lý - nhà kinh tế - nhà khoa học và cuối cùng chính là người chăn nuôi gia cầm. Sở dĩ nói nó là bài toán cân não là bởi một loạt lý do sau:
Thứ nhất, mục tiêu cao nhất của cuộc chiến chống lại đại dịch này là không để virus lây lan sang người và chặn đứng không để nó trở thành đại dịch. Vậy thì việc tận diệt toàn bộ hơn 220 triệu con gia cầm của cả nước có đạt được mục tiêu này? Ngoài gia cầm, còn hàng tỉ con chim, muông thú... - vốn cũng là nguồn gây bệnh rất nguy hiểm sẽ xử lý ra sao khi chúng luôn di cư từ châu lục này sang châu lục khác?
Thứ hai, trong thời điểm hiện nay, bài toán kinh tế giữa việc tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm với việc khoanh vùng chỉ tiêu diệt các ổ dịch bệnh và các vùng phụ cận cũng là vấn đề phải suy tính?
Thứ ba, việc tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm có tạo ra sự thay đổi sinh thái, môi trường khi mà với trên 220 triệu con gia cầm, hằng ngày chúng vẫn săn mồi cả các loại côn trùng, sinh thực vật... tạo thành thế cân bằng sinh thái và môi trường tự nhiên? Việc tiêu huỷ (chôn, đốt...) hơn 220 triệu con gia cầm có làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước và những di hoạ của chúng ra sao?
Thứ tư, nếu tiêu huỷ toàn bộ đàn gia cầm sẽ thay thế bằng các loại vật nuôi mới nào, nguồn giống lấy ở đâu, vốn liếng cho người nuôi mới thế nào, giải quyết công ăn việc làm cho số lao động dôi dư (dự tính lên tới hàng trăm ngàn người) ra sao...?
Thứ năm, tận diệt không có nghĩa là không giữ lại nguồn gene và đàn giống gốc. Nếu hết dịch ta khôi phục, rồi khi có dịch lại tận diệt có phải là cách làm khoa học và khôn ngoan? Bởi thực tế nước ta trong vài năm qua đã xảy ra liên tiếp 3- 4 trận dịch lớn và được WHO coi là một trung tâm phát dịch gia cầm của khu vực và thế giới. Vì vậy, khả năng tái dịch trong thời gian ngắn rất cần phải tính đến.
Cuối cùng, trong lịch sử các trận dịch cúm gia cầm của VN và thế giới đã có nước nào thực hiện chính sách tận diệt chưa? Nếu đã làm thì hiệu quả ra sao? Còn không làm thì có cách nào hay mà vẫn tránh được đại dịch?
Tất cả những khả năng trên cần phải được phân tích tính toán và chọn hướng đi thật xác đáng, chuẩn xác và cũng cần dứt khoát. Bởi khi chúng ta vẫn chần chừ trước bài toán này, thì trong thực tế lại đang tồn tại vô số nghịch lý gây rất nhiều tốn kém: Hằng ngày, Chính phủ vẫn phải bỏ ra hàng tỉ đồng để tiêm vaccine cho gia cầm, mỗi ngày người chăn nuôi không bán được sản phẩm cũng thiệt hại cả tỉ đồng. Và nguy hại hơn, tình trạng "để mặc gà vịt chết đói, hoặc đi hoang vô chủ" rất khó kiểm soát đang diễn ra khi người dân "lực bất tòng tâm".
Theo Đình Chúc
Báo Lao Động