1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tân Cục trưởng Cục Đường sắt: Ngồi “ghế nóng” phải dám làm dám chịu

(Dân trí) - “Tôi là con người hành động. Ngồi vào ghế Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam tôi thấy đây là “cái ghế” đòi hỏi phải đổi mới toàn diện, đổi mới lối làm cũ, tư duy cũ và hành động cũ, phải quyết liệt, phải dám làm dám chịu trách nhiệm”.

Ông Vũ Quang Khôi - tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) - đã bày tỏ với phóng viên Dân trí như vậy sau ít ngày nhận quyết định bổ nhiệm được xét duyệt từ kết quả thi tuyển của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

PV: Đầu tiên, xin được chúc mừng ông đã trúng tuyển chức danh Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam! Ông tin tưởng ở khả năng và bản lĩnh của mình khi đảm nhận cương vị Cục trưởng?

Cục trưởng Vũ Quang Khôi: Với 17 năm trong nghề tư vấn, tôi nghĩ mình đủ sức giải quyết các vấn đề về chuyên môn. Về quản lý, tôi đã có hơn 10 năm về quản lý nhà nước và trước đây cũng từng làm Giám đốc Ban Quản lý dự án. Vì vậy, tôi tin là tôi sẽ làm được.

“Bệnh” độc quyền đã khiến đường sắt tụt hậu so với các phương thức vận tải khác, yêu cầu “sống còn” đặt ra với đường sắt lúc này là phải đổi mới toàn diện để phát triển. Bởi thế, nhiều người cho rằng chiếc ghế Cục trưởng Cục đường sắt đang là chiếc ghế “nóng” nhất của ngành GTVT?

Tôi ý thức được việc Cục ĐSVN là Cục ra đời sau 5 Cục khác của ngành GTVT (năm 2003) và cho đến nay cũng chưa có kết quả thành công nào đáng kể. Vì vậy, khi bước vào đổi mới đột phá quyết liệt nhiều người sẽ e ngại, nhưng tôi là con người hành động nên tôi sẵn sàng khi được giao nhiệm vụ.

Tôi thấy được rằng đây là cái ghế đòi hỏi phải đổi mới toàn diện lối làm cũ, tư duy cũ và hành động cũng phải quyết liệt, phải dám làm dám chịu trách nhiệm.

Ông Vũ Quang Khôi - tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam

Ông Vũ Quang Khôi - tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam

Ngành đường sắt có quá nhiều công việc cấp bách phải làm, vậy khi ở vị trí Cục trưởng ĐSVN, đâu sẽ là những công việc được ông ưu tiên?

Việc đầu tiên, tôi sẽ tiếp tục thực hiện việc đổi mới toàn diện về quản lý nhà nước của Cục ĐSVN theo Đề án đã được Bộ trưởng phê duyệt (từ tháng 7/2014) và theo chiến lược phát triển đường sắt đã được Chính phủ phê duyệt. Việc thứ 2, tập trung nhanh chóng phát triển kết cấu hạ tầng. Tiếp theo đó, Cục ĐSVN sẽ chủ động, phối hợp với Tổng Cty ĐSVN để làm sao nhanh chóng hoàn thiện tái cơ cấu ngành theo phê duyệt của Thủ tướng.

Ngoài xã hội hóa đầu tư sẽ phải xã hội hóa cả các đơn vị vận tải. Hiện nay, chỉ có Tổng Cty ĐSVN là đơn vị duy nhất kinh doanh khai thác hạ tầng, sắp tới theo chủ trương phải xã hội hóa tất cả các doanh nghiệp đường sắt.

Chúng tôi phải đổi mới, tái cơ cấu để nhanh chóng loại bỏ sự độc quyền. Nói ví von, nhà con một thì rất khó, phải có sự cạnh tranh mới phát triển được.

Nhắc đến Tổng công ty ĐSVN, lâu nay người ta vẫn nói rằng Cục Đường sắt sinh ra chỉ để quản lý mỗi tổng công ty này nhưng cũng… không quản được! Với “quyền lực” của một Cục trưởng, ông sẽ làm gì để điều hành và tổ chức lại bộ máy, hệ thống, cũng như hoạt động kinh doanh vận tải đường sắt?

Đúng là như vậy. Hiện ngành đường sắt chỉ có một đơn vị quản lý nhà nước là Cục ĐSVN và 1 đơn vị được giao kinh doanh khai thác là Tổng công ty ĐSVN. Đầu tiên phải xét đến gốc là Luật đường sắt ban hành năm 2006, chưa mang tính chất tách bạch giữa vai trò của đơn vị quản lý Nhà nước là Cục ĐSVN và vai trò của đơn vị kinh doanh khai thác là Tổng công ty ĐSVN. Vì vậy, từ năm 2006 đến 2014, vai trò của các đơn vị bị chồng chéo lên nhau và lẫn lộn, có việc của cơ quan quản lý nhà nước nhưng doanh nghiệp lại làm.

Ông Vũ Quang Khôi - tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam

Ngành đường sắt đang đứng trước yêu cầu "sống còn" là phải đổi mới toàn diện mới có thể phát triển được

Bắt đầu từ 1/6 khi tôi nhậm chức Cục trưởng và điều hành Cục ĐSVN, việc đầu tiên của tôi là làm việc với Tổng công ty ĐSVN. Các mối quan hệ cũ, công việc cũ chưa đạt hiệu quả thì bỏ qua, kể từ nay sang trang mới, 2 anh em đường sắt chung một nhà. Nhiệm vụ quản lý nhà nước và kinh doanh phải phối hợp với nhau. Trách nhiệm của quản lý nhà nước là phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, cùng vì mục tiêu chung là phát triển ngành đường sắt.

Chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất, hàng quý khi họp giao ban của 2 đơn vị sẽ có sự tham dự của 2 bên. Hai anh em đường sắt phải chung một hướng chứ không thể nhìn về 2 hướng - có 2 thanh ray mà mỗi ông đứng lên một thanh và không làm gì, sao tàu chạy được.

Quan điểm của tôi là việc của quản lý nhà nước thì nhà nước làm, việc của doanh nghiệp doanh nghiệp làm, nhưng phải có sự phối hợp với nhau để tác động hữu cơ, thúc đẩy ngành phát triển.

Khi nói đến ngành đường sắt nhiều người hay liên tưởng tới con tàu Bắc - Nam chậm trễ, thái độ phục vụ thua xa so với các ngành vận tải khác. Vậy đâu sẽ là hình ảnh mới của những chuyến tàu Bắc - Nam trong thời gian tới, thưa ông?

Đúng là hình ảnh về đường sắt là hình ảnh con tàu kẽo kẹt đi trên đường với chất lượng dịch vụ kém đã đi vào suy nghĩ của người dân từ lâu rồi. Sau thời kỳ đổi mới năm 1986-1989, đường sắt đã có một bước đột phá là rút ngắn thời gian chạy tàu, nhưng do chất lượng phục vụ kém, kinh phí bảo trì hạn chế, đặc biệt là sự độc quyền nên ngành đường sắt không có sự phát triển.

Với chất lượng kết cấu hạ tầng và trang thiết bị đường sắt hiện tại chúng tôi phải tập trung vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, trong đó có chất lượng phục vụ ở trên tàu dưới ga, thái độ của nhân viên; giờ chạy tàu; mở rộng thị trường; cởi mở của đường sắt với các phương thức vận tải khác.

Ông Vũ Quang Khôi - tân Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam
Tân Cục trưởng đường sắt: "Sẽ có những tuyến tàu tàu nhanh chất lượng cao, tàu "5 sao" chạy suốt Bắc - Nam"

Lâu nay chỉ một mình ngành đường sắt đi-về, không kết nối với đường bộ, đường biển về hành khách và hàng hóa vì thế càng ngày càng tụt hậu… Phải tái cơ cấu thị trường vận tải đường sắt, tập trung vào tuyến vận tải hành lang Bắc - Nam và nâng cao chất lượng tuyến này với những tiêu chuẩn và tiêu chí bằng quy định để phục vụ trong nội địa và liên thông với quốc tế sau này. Cải thiện mối quan hệ liên quan với các phương thức vận tải khác để khai thác các nguồn hàng cho ngành.

Tuyến Bắc - Nam từng có rất nhiều phương án được đề cập như đường sắt cao tốc (đã bị Quốc hội “bác”), đường sắt tốc độ cao khổ đôi… Vậy phương án nào khả thi cho đường sắt Bắc - Nam tương lai, thưa ông?

Theo quy hoạch được duyệt, tuyến hiện nay sẽ tập trung vào cải tạo nâng cấp, xóa một số điểm bán kính nhỏ, quá tải trọng, để nâng cao tốc độ và chất lượng. Mặt khác, từ nay đến năm 2020 sẽ nghiên cứu đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc - Nam, trong đó sẽ ưu tiên cho những khu đoạn có năng lực vận tải lớn và nhu cầu lớn, như tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang.

Hiện thị phần vận tải đường sắt so với các loại hình vận tải khác đang ở vùng "trũng", tỷ lệ cả hành khách và hàng hóa đạt chưa tới 1%. Trong đề án tái cơ cấu Thủ tướng phê duyệt từ nay đến năm 2020 ngành đường sắt phải bứt phá, đầu máy và toa xe đã 30-40 năm sử dụng nên rất cũ kỹ cũng phải nâng cao chất lượng. Muốn nâng cao chất lượng cũng phải đảm bảo an toàn chạy tàu, hiện nay có 4.300 đường ngang dân sinh trái phép nên phải giải quyết vấn đề hành lang an toàn và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Xin cảm ơn ông!

Cấn Cường - Như Quỳnh (thực hiện)