1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tâm lý người dân “níu” cho vay tiêu dùng

(Dân trí) - Hàng loạt ngân hàng đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng, với hạn mức từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng chưa tăng đáng kể, một phần do người dân ngại đi vay, mặt khác không dễ gì tiếp cận được với hạn mức ngân hàng công bố.

Tâm lý người dân “níu” cho vay tiêu dùng - 1
Vay tín chấp không đơn giản (ảnh Việt Hưng).
 
Khó bởi tâm lý tiêu dùng
 
Từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp mở cửa cho vay tiêu dùng bằng việc không áp dụng lãi suất trần mà để các ngân hàng thương mại tự tính toán.
 
Được cho vay với lãi suất thỏa thuận, các ngân hàng đã đồng loạt đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiêu dùng, song song với việc giải ngân hỗ trợ lãi suất 4%/năm cho doanh nghiệp vay vốn.
 
“Đỉnh” nhất trong các hạn mức tín dụng cho vay tiêu dùng phải kể đến con số 1 tỷ của SeABank, hay 500 triệu đồng của LienVietBank và Eximbank…
 
Mới đây nhất, OceanBank cũng tung ra chương trình cho vay tiêu dùng tín chấp với hạn mức cao nhất lên tới 300 triệu đồng. Và hạn mức từ 200 triệu đồng - 300 triệu đồng cũng được một loạt ngân hàng như SHB, ACB, VIB áp dụng đối với cho vay tiêu dùng.
 
Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng tại các ngân hàng vẫn chưa tăng đáng kể, một phần do tâm lý không muốn đi vay vốn để mua sắm, tiêu dùng của người dân.
 
Anh Dũng, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho biết: “Mình chưa quan tâm nhiều đến dịch vụ cho vay tiêu dùng của các ngân hàng, bởi hai vợ chồng vừa cưới nhau, chưa có nguồn vốn tích luỹ ban đầu. Khi nào có nhu cầu mua nhà, mình sẽ đi vay ngân hàng, còn những đồ dùng trong nhà vẫn có thể trích từ lương hàng tháng ra mua được”.
 
Vợ chồng chị Hải từ quê ra lập nghiệp tại Hà Nội dự tính vay tiền ngân hàng mua nhà lại vấp phải các điều khoản mà dân tỉnh lẻ khó đáp ứng được.
 
“Vợ chồng tôi vừa tìm được một căn nhà rất hợp lý, nhưng khi đến ngân hàng vay vốn họ lại không chấp nhận vì phải có sổ đỏ thế chấp. Căn nhà mơ ước tuột khỏi tay, chúng tôi lại đi thuê nhà và tích cóp khi nào đủ tiền sẽ mua nhà”, chị Hải than.
 
Theo ý kiến của một số chuyên gia xã hội, đặc điểm của dân tộc Việt Nam khác với đặc điểm của nhiều nước trên thế giới.
 
Ví dụ như người dân Mỹ sẵn sàng trả chậm, thậm chí mua món đồ nào cũng là trả góp hoặc vay vốn ngân hàng thì người dân Việt Nam quen lường thu mà chi, chỉ mua sắm, tiêu dùng trong thu nhập của mình và tích trữ để mua những tài sản có giá trị bằng tiền của mình.
 
Do đó, thay đổi một thói quen, đặc biệt trong lĩnh vực đi vay tiêu dùng cần một thời gian dài để người dân thích nghi. “Không thể sử dụng sự thuận lợi quá mức cho vay để thay đổi một thói quen”, một chuyên gia nói.
 
Có thể vay tới 500 triệu - 1 tỷ đồng?
 
Bên cạnh tâm lý ngại đi vay của người dân, điều khoản vay vốn được các ngân hàng đưa ra cũng là nguyên nhân khiến cho vay tiêu dùng chưa phát triển mạnh thời gian này.
 
Trở lại với các hạn mức cho vay tiêu dùng mà một số ngân hàng đưa ra như 300 triệu đồng, 500 triệu đồng, 1 tỷ đồng, trên thực tế, không phải đối tượng khách hàng nào cũng có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay khổng lồ này.
 
Và sự nghi ngại của một số chuyên gia về hạn mức cho vay tiêu dùng từ vài trăm đến 1 tỷ đồng của ngân hàng công bố có thể trở thành loại tín dụng “quá trớn” là khó xảy ra. Bởi làn sóng đua nhau cho vay tiêu dùng với các hạn mức cao nhất từ trước tới nay không làm lỏng các điều khoản vay mà còn thắt chặt hơn.
 
Thông tin từ SeABank cho biết, ngân hàng này đang sửa lại hạn mức cho vay tiêu dùng 1 tỷ đồng vừa công bố ngày 28/2. Còn hạn mức cho vay tín chấp tối đa từ 300 - 500 triệu đồng hiện cũng chỉ dành cho các đối tượng khách hàng là nhân viên trực thuộc Mobifone theo hợp đồng mà 2 bên đã ký kết.
 
“Cửa vay vẫn còn rất hẹp”, một nhân viên của ngân hàng này cho biết.
 
Với những hạn mức cho vay tiêu dùng tín chấp lên tới 500 triệu đồng, thực tế các ngân hàng cho vay với số tiền tương đương 18 tháng lương và với mức lương từ 5 triệu đồng trở lên.
 
Một độc giả của Dân trí cho hay, anh đã điện thoại đến một số ngân hàng có hạn mức tín dụng lên tới 500 triệu đồng, nhưng để được vay với con số trên, khách hàng vay vốn phải chứng minh thu nhập được khoảng 25 triệu đồng/tháng và phải có mức sống cao như có nhà Hà Nội, có ô tô.
 
“Dù là cho vay tín chấp, nhưng điều kiện mà các ngân hàng đưa ra cũng vào dạng thách đố người đi vay. So với các điều khoản này, với mức lương trên 6 triệu/tháng hiện nay mà công ty trả, tôi chỉ vay chưa được 50 triệu đồng”, anh tâm sự.
 
Một số người dân cũng cho rằng, ngân hàng cẩn trọng trong cho vay là đúng, nhằm hạn chế rủi ro tín dụng và nợ xấu khó đòi; nhưng cũng không nên đưa các hạn mức “trên trời” mà chỉ có một số ít người chạm tay tới.
 
Nguyễn Hiền