1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Hà Nội:

Tạm dừng làm đường Văn Cao - Hồ Tây để thu thập hiện vật cổ

(Dân trí) - UBND TP Hà Nội đã thống nhất với kiến nghị của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc tạm dừng thi công đường Văn Cao - Hồ Tây cắt qua đê Hoàng Hoa Thám để triển khai công tác nghiên cứu thu thập hiện vật và đề xuất phương án xử lý.

Đó là những nội dung trong công văn của UBND thành phố phúc đáp tờ trình của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội xung quanh việc thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây và nút giao thông Đào Tấn - Bưởi.

UBND thành phố cũng đồng ý với đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hà Nội về việc Giao Ban quản lý dự án giao thông đô thị mời Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Viện Khảo cổ học tiến hành nghiên cứu khảo cổ, thu thập hiện vật tại hiện trường và tổ chức mời các chuyên gia chuyên ngành đánh giá tại chỗ về giá trị và tham mưu đề xuất phương án giải quyết với thành phố.

Trước đó, tờ trình của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cho biết, tháng 4/2006, Ban quản lý dự án giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông công chính Hà Nội đã hoàn thành việc phê duyệt dự án mà không có sự tham gia của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch cũng cho rằng, theo thư tịch cổ và kết quả nghiên cứu đến nay đã cho thấy tuyến đường Hoàng Hoa Thám, Đê Bưởi vốn là vòng thành ngoài cùng của kinh thành Thăng Long thời Lý - Trần và là vòng Hoàng thành Thăng Long thời Lê Sơ.

“Đây cũng là những đoạn thành còn lại duy nhất, là nguồn tư liệu vật chất quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu lịch sử về nhiều mặt của Thăng Long - Hà Nội”, tờ trình do Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Nguyễn Đức Hoà ký đã nêu rõ.
 
Tạm dừng làm đường Văn Cao - Hồ Tây để thu thập hiện vật cổ  - 1
Các nhà khảo cổ học đã không được mời vào cuộc trước khi thi công tuyến đường (Ảnh: Vnn)

Riêng đối với tuyến đường Đào Tấn - Bưởi qua đê Bưởi, Sở VH, TT & DL cho biết, Sở đã phối hợp với Viện Khảo cổ học và Ban quản lý giao thông đô thị để thống nhất các vị trí thám sát khảo cổ, phục vụ cho dự án.

Tờ trình trên của Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch được gửi tới UBND TP sau khi các nhà khoa học, dư luận có nhiều “phản hồi” xung quanh việc thi công tuyến đường Văn Cao - Hồ Tây.

Cụ thể, gần đây, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhận được thư của các cụ lão thành cách mạng, cán bộ và nhân dân phường Thụy Khuê về việc thi công đường Văn Cao - Hồ Tây cắt qua đê Hoàng Hoa Thám đã động chạm tới nhiều dấu tích của Hoàng Thành Thăng Long bên dưới.

Cuối tháng 4/2010, GS Pham Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng PGS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, và một số chuyên gia khảo cổ học, sử học, đã đến tận nơi để điều tra, xem xét thực trạng.

Trả lời báo chí, PGS Tống Trung Tín cho biết, tại hiện trường có những hố móng đào rất sâu ở giữa tim đường Hoàng Hoa Thám. Trên các vách hố đã nhận thấy rải rác các mảnh gạch và gốm cổ… Vương vãi trên mặt các hố đào là gạch vỡ thời Lê, các mảnh gốm tiền Thăng Long và Thăng Long dưới các thời Lý-Trần-Lê.

PGS Tín cho rằng, có thể khẳng định đoạn đường Hoàng Hoa Thám đã đào phá chính là một đoạn tường Hoàng thành Thăng Long thời Lê.

Kim Tân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm