1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tấm bản đồ hiện đại đầu tiên của Hà Nội

Đó là tấm bản đồ đầu tiên của Hà Nội được vẽ theo kích thước mét và ki lô mét. Đặc biệt, tấm bản đồ này do chính người Việt vẽ năm 1873, thời điểm trước khi đất nước rơi vào chế độ bảo hộ của chính quyền Pháp.

Tấm bản đồ độc đáo ấy hiện nằm trong bộ sưu tầm cổ vật quý hiếm được gìn giữ cẩn thận bởi ông Phan Đình Nhân, một người say mê và hiểu biết về cổ vật nổi danh đất Hà thành.

 

Tấm bản đồ hiện đại đầu tiên của Hà Nội - 1

Ông Phan Đình Nhân đang giải thích về tấm bản đồ Hà Nội xưa.

 

Hà Nội thuở 15 cửa ô…

 

Thăng Long - Hà Nội thế kỷ 19 xưa còn đủ cả 15 cửa ô: ô Yên Phụ, ô Thuỵ Dương (ô Quán Thánh), ô Vạn Bảo (ô Cầu Giấy), ô Đồng Lầm (ô Kim Liên), ô Thịnh An (ô Cầu Giền), ô Lương Yên (ô Đống Mác), ô Cựu Lâu (ô Trường Tiền), ô Thương Chánh (ô Hàng Cau), ô Nghĩa Lập (ô Hàng Bạc), ô Ưu Nghĩa (ô Hàng Mắm), ô Nghĩa Dũng (ô Hàng Đậu), ô Nguyện Khiết (ô Yên Ninh), ô Yên Tỉnh (ô Hàng Than), ô Thanh Hà, ô Thịnh Quang. Ngày ấy, Hồ Tây và hồ Bảy mẫu có chim sâm cầm được thể hiện rõ trong bản đồ.

Trong ngôi biệt thự mang dáng dấp kiến trúc Pháp cổ kính nằm nép mình dưới những rặng cây lớn trên phố Trần Phú là vô số những món cổ vật quý hiếm.

 

Chủ nhân của ngôi biệt thự - ông Phan Đình Nhân - không chỉ là người mê đồ cổ nổi tiếng Hà thành, mà còn là người sáng lập ra Hội cổ vật Thăng Long, một trong các sân chơi của giới mê đồ cổ Thủ đô. Trong số những cổ vật quý hiếm thuộc hàng "có một không hai" ấy của ông Phan Đình Nhân, có tấm bản đồ xưa vẽ Hà Nội đủ 15 cửa ô. Đó là tấm bản đồ đầu tiên được vẽ bằng kích thước mét và km, do chính người Việt vẽ trong thời kỳ chủ quyền đất nước vẫn còn thuộc triều nhà Nguyễn. Bản đồ được lập vào năm 1873 do ông Phạm Đình Bách thực hiện và in bằng 3 ngôn ngữ: tiếng Pháp, tiếng Hán và tiếng Quốc ngữ. Chỉ vào năm sau khi tấm bản đồ được lập thì vào năm 1882 Pháp đánh chiếm Hà Nội, Hoàng Diệu tuẫn tiết, Hà Nội chính thức về tay thực dân Pháp.

 

Ngày nay người ta chỉ biết đến Hà Nội với 5 cửa ô nhưng tấm bản đồ quý ấy thể hiện đủ cả Hà Nội với 15 cửa ô. Thuở ấy, hồ Tây và hồ Bảy mẫu có chim sâm cầm được thể hiện rõ trong bản đồ. Trước đó, năm 1831 (năm Minh Mệnh thứ 12) cũng từng có bản đồ được lập với tên gọi "Hoài Đức phủ toàn đồ" với Hà Nội 16 cửa ô, do hai tác giả là Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ. Vị trí các sông, các hồ, đầm, các con đường thời ấy cũng được ghi chép và xác định một cách chính xác. Đó là tấm bản đồ hành chính đầu tiên về nội thành Hà Nội ngày nay nhưng cũng chỉ được vẽ theo phương pháp họa đồ mà thôi.

 

Ở tấm bản đồ năm 1873 - tấm bản đồ đầu tiên được vẽ theo kích thước mét và kilômét, mới có sự lý giải được vì sao thành Đại La được đổi tên thành Thăng Long. Sự lý giải ấy được thể hiện trên bản đồ với cả tọa độ rồng hiện lên trên sông Hồng như một nhân chứng trường tồn với thời gian chứng tích cho cái tên Thăng Long ngàn năm văn hiến. Ngày ấy, thành Thăng Long có đủ cả 3 miếu quan trọng là Văn Miếu, Võ Miếu và Y Miếu. Nhưng sau đó, chính quyền Pháp đã phá bỏ Võ Miếu để làm sân vận động Măng Gianh. Đau đáu với nỗi đau, niềm thương tiếc về sự biến mất của Võ Miếu, ông Nhân nói: "Võ Miếu là nơi thiêng liêng thể hiện cho khí phách dân tộc, chiến thắng giặc ngoại xâm vinh danh cho đất Việt. Chùa Một Cột đã được khôi phục lại từ năm 1955, còn Võ Miếu, một trong 3 miếu thiêng của Thăng Long thành đến nay vẫn chưa được phục hồi".

 

 

Tấm bản đồ hiện đại đầu tiên của Hà Nội - 2
Các đồ dùng thuộc văn phòng tứ bảo từ thời nhà Lý.

 

Tấm bản đồ hiện đại đầu tiên của Hà Nội - 3
Bản in phụ với chú thích đầy đủ về các địa danh của Hà Nội.

 

Tấm bản đồ hiện đại đầu tiên của Hà Nội - 4
Mũ quan triều Lê, như ý ngọc của quan, sắc phong vua Quang Trung, hốt quan, triện của quan…

 

Mũ quan triều Lê và dụng cụ tứ bảo 1.000 tuổi

 

Trong bộ sưu tầm độc đáo của ông Nhân còn có cả những cổ vật quý thuộc hàng Văn phòng tứ bảo (đồ dùng học tập xưa) được ông trưng bày cẩn thận trong một chiếc tủ kính nhiều tầng.

 

Tầng thứ nhất là các dụng cụ học tập của Nho sĩ thời xưa như bàn tính, ống quyển (đựng bài thi), sách bằng lá cây buông, chữ được viết bằng nhựa cây. Trong ngăn tủ quý còn có cuốn sách cổ chép kinh Phật bằng chữ Phạn trên miếng bìa được làm từ hai thanh tre to bản và cả cuốn sách bằng tre ghi lại binh pháp Tôn Tử.

 

Kế đến, ở tầng thứ hai bày bộ văn phòng tứ bảo quý hiếm 1.000 tuổi với đủ nghiên mực, thủy trì (đựng nước rửa bút), lọ gác bút hình tam sơn, chặn giấy con cóc, ống cắm bút hình búp măng đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam. Thời nhà Lý, tôn giáo chịu ảnh hưởng chủ đạo của đạo Phật nên ngay cả họa tiết trên các đồ dùng thời đó cũng mang đậm đặc trưng của Phật giáo như nghiên mực được tạo dáng cánh sen, thủy trì cũng tạo theo dáng cánh sen. Cả thế giới nho học, tầm sư học đạo của nho sĩ Việt một thời dường như được tái hiện lại cả nơi đây.

 

Một bộ sưu tập đồ văn phòng tứ bảo thời xưa với đầy đủ các món đồ như vậy thật hiếm có, ít người có được. "Tôi phải mất hơn 20 năm mới có đủ bộ văn phòng tứ bảo này, lúc đầu chỉ có vài món đồ rồi sau săn lùng, tìm mua lại từng món đồ của những người chơi khác nhau, mới có đủ được", ông Nhân kể. Ngoài bút, nghiên mực được 16 chú tễu nâng còn có cuốn sách giáo khoa bản khắc gỗ thị do những người thợ giỏi làng Liễu Chàng, Hải Dương khắc. Ấy là những đồ dùng văn phòng xuất hiện khi Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta được xây dựng. Phía trên cùng là tượng tân quan nhận sắc phong và những đồ dùng của một người đỗ đạt như ống đựng sắc phong của Vua Quang Trung, thẻ bài ngà, con triện của quan triều Nguyễn và cái hốt mà quan cầm khi vào triều chầu Vua từ thế kỷ 19. Đặc biệt, trong bộ sưu tầm cổ vật có giá trị cao về văn hóa dân tộc này còn có cả chiếc mũ quan từ đời nhà Lê. Ấy là những món cổ vật quý hiếm hoi còn sót lại. 

 

Trong tâm tưởng lưu giữ những linh khí, cổ vật ngàn xưa của thành Thăng Long, ông Phan Đình Nhân còn lập một bàn thờ dân tộc trang trọng trong ngôi biệt thự cổ trên phố Trần Phú. Nơi ấy không chỉ có cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ mà còn có cả hoành phi, câu đối những câu nói bất hủ xuyên suốt từ Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ và cả câu thơ của Trần Quang Khải: "Thái bình tu nỗ lực, Vạn cổ thử giang san"...  Điều đặc biệt là những hoành phi, câu đối ấy đều được viết bằng chữ Nôm chứ không phải bằng chữ Hán như hoành phi, câu đối ta thường thấy. Nơi ấy còn có chiếc trống đồng trên 2.000 tuổi, dùi trống là một chiếc búa cán gỗ, đầu bọc cao su. Ông Nhân giải thích rằng, cao su lọc tạp âm rất tốt nên khi đánh vào trống đồng tiếng trống trầm hùng và vang xa như tiếng trống đồng từ ngàn xưa vọng lại. Ngày nay, người ta có thể đúc được chiếc trống có hình dáng giống hệt trống xưa nhưng khi đánh lên thì không thể nào có được cái âm vang trầm hùng của trống đồng cổ xưa.

 

Theo Lã Xưa

 Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm