1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Tài xế "ma men" và những màn ghì cổ, tát, tấn công CSGT

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Thời gian vừa qua liên tiếp xảy ra việc người vi phạm có hành động chống đối lực lượng CSGT đang thi hành công vụ khiến dư luận bức xúc. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đáng báo động này?

Tài xế ma men và những màn ghì cổ, tát, tấn công CSGT - 1

Hình ảnh ông H. (SN 1973; là quân nhân) làm việc tại trụ sở cơ quan công an sau khi có hành động ghì cổ cán bộ CSGT vào chiều 21/3 tại Hà Nội (Ảnh: Thành Trung).

Việc chống đối CSGT xảy ra ở cả "quan" lẫn dân

Ngày 22/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ ông L.M.H. (SN 1973; là tài xế xe ô tô Camry say xỉn đã dừng đỗ xe giữa đường để ngủ lại còn ghì cổ cán bộ CSGT khi bị yêu cầu kiểm tra hành chính) đến đơn vị chức năng thuộc quân đội để xử lý theo thẩm quyền.

Hồ sơ vụ việc được chuyển là do ông H. đang công tác tại một học viện của khối quân đội và vụ việc có dấu hiệu tội phạm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ". Nồng độ cồn đo được đối với quân nhân H. vào tối 21/3 là 0.15mg/l khí thở.

Đáng chú ý, vụ việc ông H. chỉ là một trong số nhiều trường hợp có hành động chống đối lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ xảy ra trong thời gian vừa qua khiến dư luận bức xúc.

Tài xế ma men và những màn ghì cổ, tát, tấn công CSGT - 2

Ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Tuyên Quang túm cổ áo CSGT tại trụ sở làm việc khi bị kiểm tra nồng độ cồn (Ảnh: Thành Trung).

Trước đó, dư luận xôn xao khi biết đến trường hợp ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Tuyên Quang, người có hành động túm cổ áo CSGT tại trụ sở làm việc khi bị kiểm tra nồng độ cồn.

Sau hơn 2 tháng xác định các vi phạm liên quan, vị Chi cục trưởng này bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật cảnh cáo cả về mặt đảng và mặt chính quyền.

Về mặt hành chính, ông Đạt bị xử phạt 3 triệu đồng về hành vi cản trở CSGT kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng ban hành quyết định xử phạt ông Đạt trên 35 triệu đồng; tước Giấy phép lái xe gần 2 năm theo quy định.

Cách đây khoảng 1 tuần, vào ngày 11/3, Công an huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Sinh (SN 2004, trú tại TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) và Nguyễn Viết Dương (SN 2004, trú tại huyện Bình Xuyên) về tội "Chống người thi hành công vụ". Hai thanh niên này bị khởi tố khi tuổi đời còn rất trẻ.

Theo cơ quan công an, trong quá trình thực hiện kế hoạch về tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, khoảng 15h35 chiều 11/3, trên đường 310 thuộc thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên, tổ tuần tra Cảnh sát giao thông Công an huyện này phát hiện xe mô tô mang BKS 88H1- 275.14 màu đen do Sinh điều khiển hướng đi Tam Đảo. Trên xe lúc này có chở Dương. Cả 2 thanh niên này đều không đội mũ bảo hiểm. 

Khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông ra hiệu dừng xe, 2 thanh niên này không chấp hành, cố tình điều khiển xe lách qua rồi tông trúng Thượng úy Lê Quang Toàn.

Sau cú tông cực mạnh, Thượng úy Toàn bị gãy chân phải, gãy tay phải, gãy xương đòn bả vai phải, gãy xương gò má… phải nhập viện cấp cứu.

Hồi tháng 2 vừa qua, một vụ án hình sự khác liên quan đến hành vi "Chống người thi hành công vụ" đối với lực lượng CSGT cũng vừa xảy ra tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ).

Cụ thể, hồi 13h30 ngày 24/2, trong quá trình tuần tra kiểm soát tại phố Gò Mun thuộc phường Vân Cơ (TP Việt Trì), tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông, Công an TP Việt Trì phát hiện Tô Trọng Hải (SN 1963; thường trú tại địa phương) đang điều khiển xe máy mang BKS 19S1 - 9999, đầu đội mũ bảo hiểm nhưng không cài quai và có biểu hiện sử dụng rượu bia.

Khi tổ công tác ra tín hiệu dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn thì Hải không chấp hành mà có hành vi chửi bới, lăng mạ lực lượng chức năng. Tiếp đó, Hải còn dùng tay giật khẩu trang và tát vào mặt một cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Sau khi thu thập, củng cố đầy đủ chứng cứ về hành vi vi phạm nêu trên, Công an TP Việt Trì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hải để xử lý theo quy định.

Người vi phạm chống đối CSGT, nguyên nhân từ đâu?

Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng VP Luật sư Đồng Đội - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc liên tiếp xảy ra các trường hợp người vi phạm chống đối lực lượng CSGT khi đang thi hành công vụ trong thời gian vừa qua là một hiện tượng tâm lý xã hội.

Hiện tượng này gồm nhiều yếu tố tác động trong đó có 2 yếu tố chính là ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt của người vi phạm và việc xử lý vi phạm của lực lượng CSGT có phần nào đó chưa nghiêm minh.

Luật sư Tiền cho rằng, các quy định pháp luật hiện hành để xử lý vi phạm cũng như phân định thẩm quyền của lực lượng CSGT đã tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, việc chấp hành pháp luật còn phụ thuộc vào mỗi cá nhân, tổ chức tư nhân cũng như cơ quan nhà nước.

"Một hành lang pháp lý tốt, hoàn chỉnh vẫn cần thêm ý thức thượng tôn pháp luật của mọi tầng lớp trong xã hội. Vai trò của doanh nghiệp tư nhân, của mỗi công dân cũng quan trọng như vai trò của cán bộ, công chức, viên chức. Việc không tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông sẽ tác động đến hành vi của con người, tạo thói quen tùy tiện. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để từ đó làm thay đổi nhận thức, tạo ý thức luôn tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông" - ông Tiền nêu quan điểm.

Tài xế ma men và những màn ghì cổ, tát, tấn công CSGT - 3

Hình ảnh Thượng úy Lê Quang Toàn nằm gục dưới lòng đường sau cú tông cực mạnh của 2 thanh niên đi xe máy không đội mũ bảo hiểm (Ảnh: Thành Trung).

Bên cạnh đó, yếu tố thứ 2 góp phần tạo ra hiện tượng "chống đối lực lượng CSGT" là do hình ảnh lực lượng bị méo mó, không nhận được nhiều thiện chí từ người vi phạm.

"Đâu đó vẫn có việc người thi hành công vụ vòi vĩnh, mãi lộ nên khi nhìn thấy CSGT là người vi phạm có thái độ chống đối. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục xây dựng thái độ, tác phong làm việc thì lực lượng CSGT cần tăng cường phạt nguội, giảm bớt trường hợp làm việc trực tiếp giữa cán bộ, chiến sĩ với người vi phạm" - ông Tiền chia sẻ thêm.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM nhận định, nguyên nhân xảy ra hiện tượng này là do chế tài xử phạt trong lĩnh vực chống người thi hành công vụ còn thiếu tính răn đe.

Cụ thể, hành động "Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ" chỉ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ).

Theo luật sư Hậu, thực tế cho thấy hành vi chống người thi hành công vụ ngày càng manh động, liều lĩnh, thậm chí có trường hợp chống đối đến cùng. Ông Hậu so sánh ở nước ngoài, trong quá trình làm việc với lực lượng chức năng về vi phạm giao thông, nếu người tài xế có biểu hiện chống đối sẽ lập tức bị khống chế, sử dụng súng điện để trấn áp.

"Một dẫn chứng thực tế khác ở Việt Nam về việc mức phạt làm thay đổi hành vi của người dân, đó là chuyện ban hành Nghị định 100 năm 2019 về "phạt nồng độ cồn". Kể từ khi Nghị định này có hiệu lực, mức phạt nặng đã tạo tác động rất lớn đến ý thức, hành vi của người tham gia giao thông" - ông Hậu cho hay.