Tái thẩm vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn: Ông Chấn tiếp tục là bị can
Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng Tái thẩm vụ án: Kết luận ông Chấn có tội hay vô tội là vội vàng, việc hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại là vừa phải.
Chiều 6/11, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã xét tái thẩm vụ án giết người xảy ra tại tỉnh Bắc Giang 10 năm trước. Trên cơ sở kháng nghị tái thẩm của viện trưởng VKSND Tối cao và hồ sơ vụ án, Hội đồng Thẩm phán đã ra phán quyết chấp thuận kháng nghị. Theo đó, hội đồng tuyên hủy hai bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang và hai bản án phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội để điều tra, xét xử lại.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Độ, thành viên Hội đồng Tái thẩm vụ án, cho biết kháng nghị của viện trưởng VKSND Tối cao cũng chỉ đề nghị hủy án để điều tra lại. Cân nhắc các tình tiết mới xuất hiện, bao gồm việc Lý Nguyễn Chung tự thú mình là hung thủ giết người và một số tài liệu mới được xác minh, Hội đồng Tái thẩm thảo luận, thận trọng ra quyết định hủy án để điều tra lại. Kháng nghị tái thẩm chỉ đề cập tới các tình tiết mới làm căn cứ kháng nghị, vì vậy, Hội đồng Tái thẩm không bàn sâu vào các dấu hiệu vi phạm tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử ông Chấn.
“Với các tài liệu, chứng cứ thể hiện trong hồ sơ, kết luận ông Chấn có tội hay vô tội là vội vàng. Ngay cả việc Lý Nguyễn Chung tự thú thì cũng không thể chỉ dựa vào lời khai đó mà kết luận Chung có tội. Vì vậy, hủy án, trả hồ sơ để điều tra lại từ đầu là vừa phải” - ông Độ cho biết.
Với phán quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, bản án chung thân với ông Chấn đã bị hủy. Tuy nhiên, ông vẫn là bị can trong vụ án giết người. Vậy liệu ông Chấn có bị bắt tạm giam trở lại như đối với các bị can trong những vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác? Ông Độ nói: “Việc đó thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tôi cho rằng bắt tạm giam là không cần thiết. Cần hỏi gì, cần khai gì thì bị can đã làm hết rồi. Giờ đã trả tự do cho người ta, lý gì phải bắt lại!”.
Theo quy định hiện hành, nếu Hội đồng Tái thẩm quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại thì trong hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, hồ sơ vụ án phải được chuyển cho VKS có thẩm quyền để điều tra lại theo thủ tục chung.
VKS có thẩm quyền trong trường hợp này là VKSND tỉnh Bắc Giang và tương ứng với đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang có thẩm quyền điều tra lại vụ án này. (Tất nhiên, cơ quan điều tra Bộ Công an vẫn có thể lấy lên điều tra vụ án nếu thấy cần thiết.) Đây cũng là hai cơ quan tố tụng đã thụ lý điều tra vụ án giết người 10 năm trước mà đến nay bị nghi ngờ đã gây ra án oan cho ông Chấn.
Xem ra việc minh oan cho ông Chấn còn phải trải qua nhiều giai đoạn tố tụng nữa. Tuy nhiên, nếu xác định ông Chấn bị oan, khả năng sắp tới ông Chấn sẽ được cơ quan điều tra đình chỉ. Khi đó, cơ quan phải bồi thường oan vẫn là Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao.
Trách nhiệm của điều tra viên nặng nhất Với những thông tin báo chí đăng tải, tôi cho rằng quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án này đã vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng. Hành vi của những cán bộ làm oan đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Nếu xem xét tận cùng trách nhiệm của những người liên quan thì phải tách bạch ra. Trước hết, rõ nhất và nặng nhất là các điều tra viên trực tiếp điều tra vụ án. Họ đã đạo diễn từ đầu đến cuối một kịch bản theo ý của họ nhằm ép buộc ông Chấn nhận tội. Đây là dấu hiệu của tội bức cung (Điều 299 BLHS) và tội dùng nhục hình (Điều 298). Theo lời kể của ông Chấn thì họ đã đánh, cầm dao, búa đe dọa khi lấy lời khai, ép ông Chấn đọc thuộc đơn tự thú, nhốt vào phòng cho phạm nhân khác đánh, bắt tập cầm dao đâm người, bê xác... Họ đã dùng các thủ đoạn trái pháp luật buộc bị can phải khai sai với sự thật khiến hồ sơ vụ án bị sai lệch, từ đó dẫn đến oan sai, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Việc làm của họ tuy không quyết định toàn bộ việc làm oan nhưng nó góp phần rất quan trọng. Tiếp đó là kiểm sát viên kiểm sát quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại tòa. Đáng ra người này phải kịp thời phát hiện những vi phạm của quá trình điều tra nhưng lại thỏa hiệp với điều tra viên bằng việc ép ông Chấn ký các giấy tờ, kết luận không có thật. Đây là dấu hiệu của tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 300). Trách nhiệm của thẩm phán và HĐXX cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng cần bàn. Nếu đúng nghĩa cải cách tư pháp thì phiên tòa là một cuộc điều tra công khai, HĐXX phải quên hồ sơ vụ án đi và tuyên án trên kết quả tranh tụng và diễn biến tại tòa. Trong khi ông Chấn kêu oan nhưng họ lại quá tin vào hồ sơ điều tra và nặng tâm lý suy diễn gán ghép bằng chứng theo hướng có tội. Việc làm này có dấu hiệu của tội ra bản án trái pháp luật (Điều 295). Hành vi thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm khi có nhiều đơn kêu oan của bị án và người nhà họ cũng cần phải xem xét. Luật sư NGUYỄN MINH TÂM, Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam T.TÙNG ghi |
Nghĩa Nhân