Tại sao Tuần Châu phải cho thuê lại?

(Dân Trí) - Ngày 22/11/2006, một số báo đưa tin khu du lịch Tuần Châu vừa được cho Công ty Topvina Corporation của Hàn Quốc thuê lại. Với những gì ông Tuyển đã từng tuyên bố về tâm huyết “Ngọc Châu” với việc giờ đây gần như toàn bộ khu đảo Tuần Châu được cho thuê lại hẳn cũng làm nhiều người phải đặt câu hỏi?

Tâm huyết “Ngọc châu”

 

Thực ra thông tin về việc Tuần Châu sẽ được chuyển nhượng cho một đối tác Hàn Quốc đã râm ran trong dư luận cả mấy tháng nay, nhưng việc liên lạc với ông Đào Hồng Tuyển để biết chi tiết gần như không thể thực hiện được. 

 

Khu du lịch Tuần Châu trước đây do doanh nhân Đào Hồng Tuyển làm chủ đầu tư. Theo như những gì ông Tuyển đã từng tuyên bố thì tâm huyết của ông là biến Tuần Châu thành “ngọc châu” do chính người Việt Nam gây dựng. Nhưng nay thì đã khác.

 

Báo chí đã từng cảnh báo về tình trạng quản lý cũng như những dấu hiệu yếu kém của khu du lịch này, nhưng có lẽ mọi việc không được cải thiện là mấy. Trước lễ ký kết hợp đồng ít ngày, phóng viên Dân trí đã có mặt ở Tuần Châu để ghi nhận các hoạt động tại khu du lịch được coi là đạt tiêu chuẩn 5 sao này để một lần nữa khẳng định: Để đạt được đẳng cấp 5 sao, còn phải có rất nhiều thứ khác.

 

Lần giở lại hồ sơ về khu đảo Tuần Châu có thể nói có rất nhiều thông tin hấp dẫn. Trong một chuyến tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang Mỹ, ông Đào Hồng Tuyển đã ký được 1 hợp đồng trị giá tới 200 triệu USD để đầu tư vào Tuần Châu. Trong một bài trả lời phỏng vấn 1 tờ báo điện tử ông Tuyển khẳng định thêm: Ông đã ký 1 hợp đồng mời gọi đối tác đầu tư với số tiền 1,5 tỉ USD đầu tư vào sân golf 18 lỗ trên biển Tuần Châu và dự án này đang được triển khai.

 

Cũng cần phải ghi nhận tâm huyết của ông Tuyển, người vẫn được gọi vui là “chúa đảo” Tuần Châu. Ông đã mạnh dạn đầu tư làm cả một con đường nối liền đất liền với đảo Tuần Châu dài gần 2 cây số. Ông biến một hòn đảo trước đây hoang vu, với một xóm chài nhỏ chẳng ai biết đến thành một hòn đảo thực sự đẹp, có đẳng cấp. Nhất là ông mạnh dạn đầu tư xây dựng khu Resort Âu Lạc có lẽ lớn nhất miền Bắc, có khu vui chơi trên biển, khu nhạc nước hiện đại chứng tỏ khi quyết định đầu tư vào Tuần Châu, ông Tuyển có rất nhiều dự định lớn lao và táo bạo.

 

Với tâm huyết và số tiền đầu tư ấy, và với việc Tuần Châu phải cho đối tác nước ngoài thuê lại hiện nay, giá trị bản hợp đồng lại được giữ rất kín, chắc không ít người đang băn khoăn tự hỏi thực sự điều gì đang xảy ra với Tuần Châu?

 

Vì sao Tuần Châu vắng khách?

 

Rất nhiều người như chúng tôi vào những dịp nghỉ ngơi cuối tuần cũng đã từng băn khoăn với câu hỏi: Hạ Long chỉ cách Hà Nội khoảng 200km, chỉ hơn 2 giờ xe ôtô chạy, là sự lựa chọn thực sự tốt cho các khách du lịch hạng sang muốn nghỉ dưỡng thực sự. Vậy tại sao Tuần Châu vẫn không trở thành một điểm đến hấp dẫn?

 

Hôm chúng tôi có mặt tại Tuần Châu (giữa tháng 11/2006) cũng chỉ có khoảng hai chục phòng được khai thác, so với số lượng phòng gần 300 phòng nghỉ và villa ở đây thì tỉ lệ phòng được khai thác chỉ khoảng 7%. Nếu biết rằng số lượng buồng phòng phải đạt tỉ lệ trên 50% mới có thể được coi là kinh doanh có hiệu quả thì con số trên quả là đáng giật mình.

 

Đã đặt phòng trước từ Hà Nội, nhưng khi chúng tôi lên đến nơi, chẳng có nhân viên ra mở cửa xe ôtô hay nhấc hộ hành lý xuống. Chúng tôi tự khuân túi rồi tự đánh xe vào chỗ trống mà để.

 

Phòng mà chúng tôi nghỉ hôm đó là 1 villa nhìn ra biển. Định dùng chiếc điện thoại để bàn trong căn villa này gọi ra lễ tân nhưng nó bị tịt. Chúng tôi phải nhờ nhân viên lễ tân vào thay hộ chiếc điện thoại khác.

 

Một chú gián nằm chết bẹp gí ngay cái cửa mở ra hướng biển. Khi tắm xong chúng tôi sử dụng cái máy sấy tóc thì nó có lẽ nó là cái máy sấy kỳ quái nhất thế giới: Cứ khoảng nửa phút nó lại tự tắt. Chúng tôi mang cái máy sấy tóc ra hỏi nhân viên lễ tân thì nhận được câu trả lời: “À, nóng quá nó tự ngắt đấy”. Sấy một cái đầu phải mất vài phút, vậy mà dùng cái máy sấy tóc ở đây cứ nửa phút lại phải chờ cho nó hồi (nguội) mới sấy tiếp, theo bạn có kinh dị không?

 

Điều lạ là 1 khách sạn 5 sao thì sáng nào cũng phải thay drap cho khách, nhưng chúng tôi đi tắm và về vào buổi trưa thì chăn ga, gối đệm vẫn y nguyên như cũ.

 

Khoảng 8h30 chúng tôi dạo trên bãi biển (tất nhiên trong khu vực Âu Lạc quản lý). Có 2 nhân viên dọn rác đang dọn rác và họ khều ra 1 chú chuột đã chết trên bờ biển từ lúc nào. Thậm chí ngay tại bể bơi sát khu lễ tân, chúng tôi cũng nhìn thấy khá nhiều chuột nhởn nhơ, chạy qua, chạy lại. Một khách nước ngoài nhìn thấy vội vơ quần áo đi vội về phòng vì sợ.

 

Cách đây khoảng vài tháng, sếp của tôi cũng đi nghỉ ở Tuần Châu và khi trở về ông thề không bao giờ quay lại Tuần Châu lần nữa chỉ vì vợ ông vô tình “đánh mất” đôi dép đi trong khách sạn ngay chỗ bể bơi. Thế là nhân viên khách sạn đè vợ ông ra lập biên bản và bắt bồi thường… 20.000đ. Một khách VIP bỏ ra 139USD để thuê phòng đi nghỉ mà một đôi dép bị ai đó vô tình xỏ nhầm (chứ nghỉ ở đây chẳng ai lại đi lấy trộm đôi dép) cũng bị lập biên bản thì đâu còn gọi là thiên đường nghỉ dưỡng. Chúng tôi vừa tắm vừa phải lo canh chừng đôi dép. Không phải sợ phải đền 20.000 đồng mà sợ nhất là bị lập biên bản.

 

Những khu ẩm thực, trước đây được coi là thế mạnh của Tuần Châu, nhưng nay tất cả đều trở nên hoang tàn. Không còn khu chợ ẩm thực nữa, chỉ còn vương lại đây đó những cái bàn, những chiếc bát, hay một cái lò nướng đã bị mạng nhện phủ đầy, và nhiều nhất là những chú chuột chạy tung tăng.

 

 

Tại sao Tuần Châu phải cho thuê lại? - 1

Khu ẩm thực bây giờ chỉ còn là sự hoang tàn.

 

Khu biểu diễn cá sấu và cá heo cũng chẳng có mấy khách vào xem. Buổi tối, chúng tôi được 3 vé miễn phí đi xem nhạc nước. Có khoảng hơn 100 khách vào xem so với số lượng chỗ ngồi ở đây khoảng 20.000 chỗ. Biểu diễn xong, tất cả khách lặng lẽ ra về.

 

Mấy năm qua nhạc nước Tuần Châu không có một cái gì thay đổi. Vẫn màn mở đầu là mấy bài hát hay múa dân tộc, rồi chú Tễu khệnh khạng đi ra. Màn gần cuối vẫn là một chú rồng nhảy lên, nhảy xuống mặt nước và reo lên: “Tuần Châu, thật tuyệt vời, đúng là ngọc châu…”. Sự đơn điệu nhàm chán khiến khu nhạc nước gần như chẳng còn hấp dẫn du khách.

 

Có những bữa ăn tối tại khu restaurant của khu Âu Lạc, ngoài bàn của chúng tôi cũng chỉ có thêm 2 bàn nữa. Chúng tôi như ngồi lọt thỏm trong cả cái nhà hàng rộng mênh mông.

 

Không phải Tuần Châu không có nhiều cố gắng. Nhân viên cũng luôn cố gắng phục vụ, nở nụ cười tươi khi đón và tiễn khách, cố gắng đáp ứng tất cả yêu cầu của khách. Không khí xung quanh đảo Tuần Châu trong lành. Các khu villa đều đẹp, lối đi trải đầy hoa, cỏ. Nhưng vẫn có một cái gì đó thực sự không thể đạt được đẳng cấp khiến du khách hài lòng.

 

Nếu đứng ở bãi biển nhìn lên trên đảo thấy những khách sạn (không phải của công ty của ông Tuyển) mọc lô nhô rất nhức mắt. Một khu được coi là biệt thự cao cấp xây dựng dang dở suốt 2 năm nay nằm sát biển và đến nay vẫn nằm trơ ra đó. Khu sân golf 18 lỗ mà ông Tuyển nói là được đầu tư đến 1,5 tỉ USD cũng vẫn chỉ là một bãi đất được lấn ra biển và nằm trơ trọi như vậy.

 

Tại sao Tuần Châu phải cho thuê lại? - 2
 

Một góc đảo Tuần Châu.

 

Cách cứu Tuần Châu

 

Trong suốt mấy năm qua, với cung cách quản lý và kinh doanh thiếu khoa học và đẳng cấp, Tuần Châu ngày càng đánh mất thương hiệu và vị thế của mình. Có lẽ đó là một trong những nguyên nhân khiến ông Đào Hồng Tuyển phải nghĩ đến phương án cho thuê lại toàn bộ đảo Tuần Châu cho phía nước ngoài. Không cho thuê lại, có lẽ rồi Tuần Châu sẽ chỉ là một hòn đảo trơ trọi.

 

Chúng tôi biết dự án mà ông Lee Cheon Suk, tổng giám đốc Topvina đầu tư vào Tuần Châu với số tiền khoảng 20 triệu USD trong vòng 3 năm (tính từ 11/2006) và sẽ đầu tư thêm khoảng 30 triệu USD nữa để xây tiếp cụm khách sạn 5 sao đang dang dở là những dự án lớn và rất mong ông thành công. Tuần Châu vẫn có cơ hội biến thành ngọc châu, nhưng với dự án thuê lại này có lẽ cái tâm huyết người Việt Nam xây dựng Tuần Châu đã không còn là hiện thực nữa.

 

Có lẽ vì vậy mà sau rất nhiều nỗ lực liên lạc với ông Tuyển (kể cả khi chúng tôi có cả 3 số điện thoại di động của ông Tuyển) cũng không thể nào bắt liên lạc được với ông. Không biết bây giờ ông đang ở đâu? Liệu phương án cứu Tuần Châu này của ông có thành công không? Chúng ta đành chờ thời gian trả lời vậy.

 

Đức Minh