1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tại sao nhiều người xì xụp khấn “miếu vỉa hè” góc tường Văn Miếu?

Bên ngoài góc tường rào Văn Miếu - Nguyễn Thái Học (Hà Nội) mỗi tối thường có hàng trăm người tới xì xụp khấn vái một ban thờ, bát hương đặt trên vỉa hè… Hình ảnh này gây khó hiểu cho người qua lại và điểm thờ cúng này cũng tồn tại một cách khó hiểu không kém.

Hết văn hóa vỉa hè, tin vỉa hè, quán ăn vỉa hè… lại có kiểu miếu cúng lễ… vỉa hè! Điều này tưởng như nghịch lý nhưng lại đang tồn tại và tồn tại khá lâu ở giữa lòng Hà Nội, ngay bên cạnh Văn Miếu - Quốc tử giám - biểu tượng cho sự hiếu học của người Việt Nam.

 

Nơi hành lễ vỉa hè ngoài tường rào Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Nơi hành lễ vỉa hè ngoài tường rào Văn Miếu - Quốc Tử Giám

 

Thâu đêm “xì xụp” khấn vái “miếu vỉa hè”

 

Như thường lệ, ngày nào đi qua đây, chúng tôi cũng đều bắt gặp cảnh khói hương nghi ngút. Vào buổi tối, mật độ người chờ lễ, người lễ ở đây khiến người ta phải ngỡ ngàng. Sự việc diễn ra khá lâu, như câu chuyện thường ngày, nhưng lại kích thích sự tò mò của nhiều người qua lại vì không hiểu "đối tượng" được thờ cúng ở đây là ai? Và tại sao lại có nhiều người tập trung cúng miếu vỉa hè này đến vậy?

 

Để tìm hiểu rõ sự việc, PV đã tới thăm hiện trường thờ cúng vào đúng hôm Hà Nội mưa to. Rất nhiều con phố bị ngập nước. Người dân hối hả tìm cách trú ẩn hoặc vội vã về nhà, nhưng lạ thay tại ngã tư có điểm thờ cúng này, người ta vẫn thi nhau dừng đỗ xe, người đứng, người ngồi xì xụp khấn vái trong những bộ áo mưa lụng thụng, quỳ trên vỉa hè cúi đầu bái lạy bát hương trơ trọi đặt ở góc vỉa hè.

 

Hòa vào đám người cúng lễ, ngay lập tức, có phụ nữ trung tuổi mời chào PV mua đồ lễ. Giá thấp nhất là 80 ngàn đồng một lễ gồm một ít tiền vàng, xuyến, một thẻ hương… Khá chuyên nghiệp, chị bán vàng mã chỉ cho PV đủ thủ tục lễ bái, ngay cả việc nếu không tự tay đốt vàng mã có thể chi bao nhiêu để nhờ người “giúp đỡ”… Hỏi ở đây cầu gì thiêng nhất? Bà chủ bán lễ nhanh nhảu: “Cầu gì cũng thiêng, cầu mua may bán đắt, cầu duyên, cầu tài, cầu đánh số đề, cầu học hành…”. Một chị phụ nữ đứng cạnh chêm vào: “Cầu buôn bán là thiêng nhất, hôm rồi chị cầu đánh quả hàng, thông đồng bén giọt hết, tuần rằm mùng một nào chị cũng phải đến, hôm nào không đến được chị cảm thấy không an tâm”.

 

“Cầu lô đề cũng chuẩn, có cậu đến lễ thường xuyên ở đây kể, hôm qua vừa trúng “con lô xiên” được 5 triệu đến trả lễ”- một chị khác chen vào. Câu chuyện dường như rôm rả khi xoay quanh chuyện thiêng của miếu, tôi đưa mắt nhìn quanh thấy rất nhiều xe đỗ dưới lòng đường chờ lễ, có cả các tay “anh chị” xăm trổ đầy mình hay những cô gái son phấn lòe loẹt. Nhiều nhất vẫn là các chị tầm tuổi trung niên. Vỉa hè chật, mỗi lần lễ chỉ được vài ba người, ai cũng sốt ruột chờ đến lượt mình “trình diện” bát hương.

 

Do tác nghiệp trong trời tối và sự cảnh giác của những “tín đồ”, nên chúng tôi phải đến nhiều lần mới chụp được hình và tìm hiểu đầy đủ thông tin về hoạt động lễ bái ở đây. Tại nhiều thời điểm theo dõi, PV nhận thấy ngày nào cũng như ngày nào, số lượng người đến đây lễ rất lớn và tăng đột biến vào ngày rằm, mùng 1 âm lịch. Ngày bình thường nếu gặp trời mưa số lượng người đến lễ có giảm đi chút ít, nhưng và ngày rằm hoặc mùng 1 thì dù mưa lớn, các tín đồ sẵn sàng đội mưa để lễ.

 

Thời điểm rằm, lễ bày hết vỉa hè không có chỗ cho người đi bộ
Thời điểm rằm, lễ bày hết vỉa hè không có chỗ cho người đi bộ

 

Nhiều người cho rằng thời điểm linh thiêng nhất của “miếu” này đúng lúc 12 giờ đêm. Họ sẵn sàng thức thâu đêm để được lễ đúng giờ cho linh nghiệm. Cánh lô đề, cờ bạc là đối tượng kiên trì canh đêm để lễ nhất.

 

Đốt vàng mã xém tường Văn Miếu, dừng đỗ xe tắc cả đường

 

Sau mỗi lượt lễ là đến màn hóa vàng. Vàng được hóa ngay sát chân tường rào Văn Miếu, ngọn lửa bùng bùng tỉ lệ thuận với số người đến lễ. Để hóa vàng nhanh hơn, nhiều người tư vấn cho tôi đưa tiền cho một người đàn ông ở đó, chỉ cần bồi dưỡng 20 nghìn đồng, lễ của PV sẽ được mang đi hóa. Vào thời điểm ban ngày, PV quan sát, trên bức tường, xung quanh khu vực có bát hương, có rất nhiều điểm xám đen vì ám khói, hoặc bị những vết lửa hóa vàng “liếm” phải…

 

Đốt vàng mã vô tội vạ ngay tường rào Văn Miếu
Đốt vàng mã vô tội vạ ngay tường rào Văn Miếu

 

Nhiều người đi đường mỗi lần đi qua những đám lửa đùng đùng đều cảm thấy bất an, chỉ sợ lửa bén vào xe máy hoặc những tàn tro bay theo gây ô nhiễm môi trường…

 

Ngoài hiện tượng đốt vàng mã vô tội vạ, việc tồn tại một điểm cúng lễ trên vỉa hè gần nút giao cắt đông đúc, những người cúng lễ đỗ xe la liệt ngay dưới lòng đường Nguyễn Thái Học cũng khiến cho tình hình giao thông và trật tự xã hội bị ảnh hưởng. Không chỉ ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây ảnh hưởng đến di tích quốc gia hạng đặc biệt Văn Miếu, hiện tượng này đang làm méo mó hình ảnh Hà Nội trong mắt du khách nước ngoài và người dân tỉnh xa.

 

Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 việc đốt vàng mã tại di tích lịch sử sẽ bị phạt từ 500.000 đ đến 1.000.000 đồng, tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã sẽ bị phạt đến 3 triệu đồng.
 
Nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12/07/2010 của Chính phủ quy định: Điều 18. Vi phạm các quy định về nếp sống văn hoá
 
Điểm c, Khoản 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
 
Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hoá, nơi công cộng khác.
 
Điểm b Khoản 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Tuyên truyền mê tín dị đoan để tiêu thụ hàng mã;
 
(Còn nữa)

 

Theo Ngọc Trang - Hồng Chuyên
 Infonet