1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Tài sản thuộc sở hữu nhà nước là của chùa” ?!

(Dân trí) - Tư tưởng “tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước là của chùa” vẫn có trong một số không ít những người được giao quản lý tài sản đó.

Đó là một trong những nhận định được nêu ra trong báo cáo kết quả nghiên cứu “Thu hồi tài sản tham nhũng- Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế” do Ban Nội chính Trung ương thực hiện, vừa mới được công bố.

S
Số tài sản phải thu hồi trong vụ án xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Việt Nam (Vinalines) rất lớn (Ảnh: TTXVN).

Nghiên cứu cho thấy tình hình thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam đang đạt tỷ lệ rất thấp, trong khi các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ phát hiện, điều tra, thu hồi tài sản tham nhũng đều gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tham nhũng rất lớn, thu hồi rất nhỏ

Theo nghiên cứu, Kiểm toán Nhà nước chỉ có chức năng kiểm tra, xác định tính trung thực của số liệu, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán của các đơn vị được kiểm toán mà không có chức năng xử lý, thu hồi tài sản trong các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật sự hiệu quả, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo.

Trong khi đó, việc phát hiện và xử lý tài sản tham nhũng qua hoạt động của các cơ quan thanh tra (Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành - cơ quan ngang bộ, thanh tra tỉnh/thành phố, thanh tra sở/huyện/thị xã thuộc tỉnh) còn những hạn chế, vướng mắc; số vụ việc phải chuyển cơ quan điều tra để tiếp tục điều tra, xử lý hình sự còn ít; kết quả phát hiện, thu hồi tài sản tham nhũng chiếm tỷ lệ rất thấp so với kết quả phát hiện, thu hồi tài sản qua công tác thanh tra nói chung. Thu hồi tiền liên quan đến tham nhũng chỉ có 826 tỷ đồng trong tổng số tiền, tài sản thu hồi qua hoạt động thanh tra là 60.208 tỷ đồng; thu hồi đất liên quan đến tham nhũng chỉ có 9,4 ha trong khi tổng số đất đã thu hồi qua hoạt động thanh tra là 17.031 ha (giai đoạn 2011-2013).

Nhóm nghiên cứu cũng trích dẫn báo cáo của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) cho thấy: Năm 2011, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng toàn quốc đã khởi tố điều tra 306 vụ, 715 bị can, gây thiệt hại gần 10.433 tỷ đồng, đã thu hồi gần 397 tỷ đồng (đạt 3,8%). Năm 2012 khởi tố điều tra 376 vụ, 908 bị can, gây thiệt hại 6.122 tỷ đồng, đã thu hồi 383 tỷ đồng (đạt 6,25%). Năm 2013 khởi tố điều tra 404 vụ, 1.030 bị can, gây thiệt hại trên 2.023 tỷ đồng và 97.588 m2 đất, đã thu hồi gần 536 tỷ đồng và 13.440m2 đất (đạt 13,8%) và tiếp tục thu hồi được 1.614,6 tỷ đồng thiệt hại trong các vụ án đã xảy ra năm trước. Năm 2014 đã khởi tố điều tra 442 vụ, 935 bị can, gây thiệt hại 542,6 tỷ đồng và 47.308 m2 đất, đã thu hồi 89,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 16,5%).

Tiến hành nghiên cứu hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát, nhóm nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương cho rằng còn có sự nhầm lẫn trong nhận thức của một số cán bộ tiến hành tố tụng giữa tài sản tham nhũng và thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra. Việc phát hiện hành vi tham nhũng cũng như tài sản tham nhũng thường diễn ra muộn, thậm chí chậm hơn rất nhiều so với hành vi tham nhũng đã xảy ra trên thực tế. Do đó khi phát hiện được hành vi tham nhũng thì người phạm tội cũng đã thực hiện nhiều hành vi để tẩu tán, tiêu dùng tài sản tham nhũng...

Điều này đã dẫn tới thực tế tài sản bị thiệt hại do tham nhũng rất lớn nhưng số phát hiện, xác định được chưa tương xứng với thiệt hại thực tế. Kết quả thu hồi tài sản trên thực tế đạt tỷ lệ rất thấp: năm 2013 chỉ đạt dưới 10%, năm 2014 đạt 22,3%.

Theo số liệu thống kê của Vụ Thống kê - Tổng hợp (TAND Tối cao), việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua xét xử của TAND chỉ mới được thực hiện trong lĩnh vực xét xử các vụ án hình sự.

“Chưa có một trường hợp nào được thực hiện trong lĩnh vực xét xử các vụ án dân sự, các vụ án hành chính. Việc thu hồi trong lĩnh vực xét xử các vụ án hình sự cũng chỉ ở một mức rất khiêm tốn”- nghiên cứu chỉ rõ.

Còn trong công tác thi hành án dân sự (thuộc Bộ Tư pháp), tài sản thu nộp ngân sách chưa cao; số lượng án và tiền, tài sản thi hành án tồn còn lớn, trong đó có nhiều tài sản phải thu từ các vụ án tham nhũng.

Số việc thi hành án và tiền phải thi hành án chuyển kỳ sau có xu hướng giảm (năm 2014 là 239.144 việc và trên 41.597 tỷ đồng; năm 2014 là 248.203 việc và trên 56.127 tỷ đồng, trong đó phần lớn là tiền phải thu cho ngân sách nhà nước và không ít tiền phải thi hành án của các vụ án liên quan đến tham nhũng).

Riêng kết quả xử lý tài sản đã kê biên để đảm bảo thi hành án thì số vụ việc đang thi hành dang dở, số vụ việc đã kê biên tài sản, định giá lại và bán đấu giá nhiều lần nhưng vẫn chưa xử lý được là 9.955 việc (chiếm 13% số việc có điều kiện thi hành, đang giải quyết), tương ứng với số tiền trên 8.628 tỷ đồng.

Nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá để thi hành án không bán được, dù đã giảm giá, bán đấu giá nhiều lần. Thậm chí có trường hợp giảm giá hơn 20 lần vẫn không có người mua.

Nh
Nhóm nghiên cứu Ban Nội chính Trung ương cho rằng đại án Huỳnh Thị Huyền Như sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong thu hồi tài sản (Ảnh: Trung Kiên).

Coi tiền của nhà nước là “của chùa”!

Nhóm nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương cho rằng những vấn đề rút ra qua hoạt động kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kể trên, có những vấn đề thuộc về những khó khăn, vướng mắc riêng của từng hoạt động nhưng cũng có nhiều vấn đề thuộc về khó khăn, vướng mắc chung. Đó là việc người phạm tội tham nhũng có trình độ học vấn và chuyên môn nhất định, am hiểu pháp luật về quản lý kinh tế; có khả năng nhận biết những kẽ hở của hệ thống pháp luật, thậm chí can thiệp để cố tình tạo nên những kẽ hở đó; có điều kiện tạo dựng được nhiều mối quan hệ có khả năng “che chắn”, “bảo vệ” cho hành vi sai phạm…

“Hành vi vi phạm là quy trình khép kín, liên quan đến nhiều người nhưng có sự liên kết, bao che, thống nhất về mặt lợi ích, có tổ chức chặt chẽ từ thủ trưởng, kế toán, thủ quỹ; có sự thống nhất cao về mục đích vụ lợi; nhiều vụ án rất khó cá thể hóa trách nhiệm hình sự khi có hiện tượng tham nhũng tập thể”- nghiên cứu nhận định.

Nhiều đối tượng phạm tội có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng tài sản tham nhũng. Do vậy các đối tượng này có thái độ kiên quyết không hợp tác với các cơ quan tố tụng, che giấu, tẩu tán tài sản tham nhũng.

Đáng chú ý, nghiên cứu đã chỉ ra rằng: nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao quản lý tài sản Nhà nước chưa chủ động, tích cực trong việc đề nghị phối hợp với cơ quan chức năng trong việc thu hồi tài sản tham nhũng. Khi tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước bị các tội phạm về tham nhũng xâm hại thì các cơ quan, tổ chức được giao tài sản này thường không chủ động chứng minh tài sản bị xâm hại như thế nào mà “phó mặc” cho cơ quan tiến hành tố tụng.

“Tư tưởng “tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước là của chùa” vẫn có trong một số không ít những người được giao quản lý tài sản thuộc hình thức sở hữu nhà nước. Không những không chứng minh tài sản bị xâm hại mà có trường hợp còn cho rằng tài sản không bị mất, không yêu cầu bồi thường”- nhóm nghiên cứu Ban Nội chính Trung ương nhận định.

Trong khi sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra với một số cơ quan chức năng chưa chặt chẽ. Kể từ khi có Luật Thanh tra năm 2010 đến thời điểm nghiên cứu, các cơ quan thanh tra nhà nước, người ra quyết định thanh tra chưa khi nào thực hiện được việc yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra để bảo đảm cho việc thi hành quyết định thu hồi tiền, tài sản. Lý do của việc này là Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chưa có thông tư liên tịch để hướng dẫn thực hiện (?!).

Thế Kha