1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tai nạn giao thông: Mất 885 triệu USD/năm!

Đó là chi phí tổn thất về người và vật chất do tai nạn giao thông xảy ra ở Việt Nam vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á công bố. Đó là chưa kể nguồn nhân lực lớn của ngành y tế dành cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng cho nạn nhân.

Thử so sánh cho thấy tổn thất này còn cao hơn cả tổng giá trị tiền thuốc sử dụng cho cả 84 triệu dân Việt Nam trong năm 2005: 817 triệu USD!

 

Nếu so sánh với con số tổng thu ngân sách cả nước vừa được báo cáo tại kỳ họp Quốc hội (xấp xỉ 16 tỉ USD/năm) thì con số 885 triệu USD này chiếm hơn 5,5% tổng thu ngân sách cả nước/năm.

 

Tai nạn giao thông (TNGT) đã trở thành thảm họa ở nước ta trong nhiều năm qua và mức độ các vụ tai nạn thảm khốc gần đây dường như càng nhặt hơn.

 

Mỗi năm có gần 12.000 trường hợp tử vong, bình quân mỗi ngày có 33 người chết và hàng trăm người bị thương. Chỉ riêng tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2005 đã cấp cứu 26.083 trường hợp TNGT, 1.331 ca tử vong.

 

Tiến sĩ, bác sĩ Trương Văn Việt - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - phân tích: một máy bay rơi làm hàng trăm người chết khiến cả thế giới náo loạn và coi đó là thảm họa máy bay. Còn ở Chợ Rẫy mỗi tháng trên 100 người chết, 2.000 người bị thương do TNGT - coi như mỗi tháng có “một thảm họa về TNGT”.

 

Tai nạn giao thông: Mất 885 triệu USD/năm! - 1

Chỉ vì một người băng qua đường bất cẩn, đã gây ra một vụ tai nạn nghiêm trọng.

Đằng sau những con số chết và bị thương lạnh lùng ấy là bao công sức của đội ngũ thầy thuốc, là tốn hao tiền của, có người phải bán cả tài sản, ruộng vườn để chữa chạy nhưng cũng không cứu nổi. Có những gia đình mất đi người trụ cột. Có những người mất tay, mất chân, nằm liệt... trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội... Bi kịch trong mỗi gia đình là những tổn thương day dứt không một thước đo nào tính được.

 

Từ năm 2002, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp kiên quyết nhằm giảm thiểu TNGT, nhưng xem ra gần như bất lực trước con số tử vong.

 

Nguyên nhân dẫn đến TNGT còn rất lớn. Mặt đường bị đào bới, thi công cẩu thả, ăn bớt xén, ổ gà, ổ voi... khắp các nẻo đường, từ quốc lộ cho đến con hẻm nhỏ. Người ta lập chợ buôn bán tràn xuống lòng đường, không còn lối cho bộ hành, nhưng chính quyền địa phương thì cứ “em xin bó tay”. Tình trạng say xỉn không làm chủ tốc độ, không tôn trọng luật lệ giao thông cũng như trạng thái tâm lý người điều khiển phương tiện giao thông cũng là một yếu tố dẫn đến nguy cơ gây tai nạn.

 

Ở nhiều nước, ngoài camera theo dõi, thậm chí có người giả đứng ở những vị trí khiến tài xế phải luôn tự giác tôn trọng luật. Còn ở ta thì trên nhiều tuyến quốc lộ tài xế vừa chạy vừa nơm nớp, dáo dác xem cảnh sát giao thông... núp đâu đó bắn tốc độ! Chưa kể những tiêu cực trong cấp giấy phép, mua “bùa”ưu tiên lưu hành, có “bùa” rồi thì tâm lý lái xe chạy trên đường cũng thoải mái, bất chấp hơn.

 

Nếu so với tổn thất toàn cầu do TNGT đường bộ khoảng 518 tỉ USD/năm (WHO), thì tổn thất của Việt Nam với con số 885 triệu USD/ năm là quá lớn. Đã đến lúc cần có một cái nhìn, đánh giá thật nghiêm túc cái được và chưa được trong tất cả các giải pháp phòng chống TNGT, để đường phố của cộng đồng thật sự an toàn, để nhiều người không còn bị chết oan hoặc tàn phế suốt đời do những kẻ bất chấp Luật giao thông gây ra.

 

Theo Kim Sơn
Tuổi Trẻ