DNews

Tai nạn gây thương vong ở tuổi học trò và trăn trở về bằng lái A0

Ngọc Tân

(Dân trí) - Sau đêm kinh hoàng, một gia đình đã mất đi cô con gái học giỏi. Một tài xế ô tô cũng suy sụp vì vướng vào vụ tai nạn chết người. Câu chuyện dẫn tới thảo luận về bằng lái xe cho trẻ vị thành niên.

Tai nạn gây thương vong ở tuổi học trò và trăn trở về bằng lái A0

Một đêm hè tháng 6, vụ tai nạn tại ngã tư ven TP Thái Bình trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân địa phương.

Chiếc xe đầu kéo băng cắt qua ngã tư khi đèn xanh. Khi xe tới giữa giao lộ, một bóng xe máy điện từ bên đường trờ tới. Nữ sinh loạng choạng tay lái, trượt ngã vào gầm xe đầu kéo. Cô bé qua đời mới 15 tuổi, khi vừa nhận tin đỗ vào lớp 10 THPT chuyên Thái Bình.

Tai nạn gây thương vong ở tuổi học trò và trăn trở về bằng lái A0 - 1

Hiện trường vụ tai nạn tại Thái Bình (Ảnh: N.M.Đ).

Vụ tai nạn nhắc người ta nhớ đến một chính sách đang được bàn thảo tại Quốc hội. Đó là dự luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ với những thảo luận về việc nên hay không nên bắt buộc có bằng lái xe với thiếu niên sử dụng xe gắn máy, xe máy điện.

Trăn trở với bằng lái A0

Vừa qua, trong kiến nghị gửi Quốc hội, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cho rằng cần bổ sung quy định về bằng lái xe gắn máy, xe điện với lứa tuổi học sinh THPT.

Theo VAMM, Luật Giao thông đường bộ 2008 và dự thảo Luật TTATGT đường bộ đang trình Quốc hội chưa yêu cầu giấy phép lái xe với người điều khiển xe gắn máy. Điều này có thể dẫn đến lỗ hổng về chính sách, tiềm ẩn những rủi ro về mất an toàn đối với người tham gia giao thông.

Tai nạn gây thương vong ở tuổi học trò và trăn trở về bằng lái A0 - 2

Lãnh đạo VAMM trong buổi trao đổi với Bộ trưởng GTVT (Ảnh: Báo Giao thông).

 "Dựa trên kinh nghiệm học hỏi từ các quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Anh, Pháp, Phần Lan,... thì các quốc gia lớn trên đều có quy định về giấy phép lái xe với bài thi lý thuyết bắt buộc cho người điều khiển xe gắn máy", đại diện VAMM chia sẻ.

VAMM đã kiến nghị Quốc hội bổ sung quy định người điều khiển xe gắn máy phải có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ và phải làm bài thi lý thuyết bắt buộc dành cho người lái xe gắn máy.

Trước đó, góp ý vào dự thảo luật, Ủy ban ATGT quốc gia cũng khẳng định việc yêu cầu bằng lái hạng A0 với người lái xe gắn máy dưới 50cc (hoặc xe máy điện đến 4kw) là cần thiết. Lý do là hầu hết nhóm đối tượng này đang ở độ tuổi học sinh THPT (16-18 tuổi). Do không có kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, nguy cơ tai nạn giao thông trong nhóm này là rất cao.

Theo số liệu thống kê về tai nạn giao thông của Bộ Công an trong năm 2023, cả nước có khoảng 2.100 trẻ em thương vong do tai nạn giao thông, trong đó riêng số trẻ trong độ tuổi THPT chiếm khoảng 1.470 em.

"Vì vậy, cần quy định bắt buộc phải học và sát hạch cấp giấy phép lái xe gắn máy (hạng A0) nhằm giúp trang bị cho các em các kiến thức và kỹ năng cần thiết để điều khiển phương tiện một cách độc lập và an toàn. Đây là đòi hỏi đang đặt ra từ thực tiễn tại Việt Nam", văn bản của Ủy ban ATGT quốc gia kết luận.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm phản đối việc bổ sung thêm bằng lái xe hạng A0, chủ yếu dựa trên quan ngại về việc phát sinh chi phí thủ tục và nghi ngờ về tính hiệu quả trong ngăn ngừa tai nạn.

"Nguyên nhân xảy ra tai nạn không nằm ở tấm bằng lái, vấn đề là ý thức tham gia giao thông", luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) nêu quan điểm. Từng có 6 năm làm hội trưởng hội phụ huynh cho 2 đứa con học cấp 3 của mình, ông Ứng cho rằng việc bắt học sinh lớp 10 thi bằng lái A0, rồi 2-3 năm nữa lại thi bằng lái A1 là rắc rối về mặt thủ tục và lãng phí thời gian.

Từ năm 2020, khi xây dựng dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung bằng lái xe hạng A0 cho nhóm thiếu niên sử dụng xe gắn máy (50cc) và xe máy điện. Tuy nhiên, ý kiến trái chiều khiến Bộ phải loại bỏ điều khoản này.

Hướng đi tiếp theo của dự luật

Vụ tai nạn mới đây tại Thái Bình tiếp tục làm dày thêm số liệu thương vong khi sử dụng xe gắn máy, xe đạp/máy điện ở lứa tuổi học sinh.

Hiện quá trình xây dựng Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đi đến giai đoạn cuối và đơn vị soạn thảo luật vẫn nhất quán không bổ sung quy định về bằng lái A0 vào luật.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho biết quan điểm của Ủy ban là nếu không quy định rõ bằng lái A0 trong luật thì tối thiểu cần xác định nguyên tắc để trong tương lai có thể bổ sung ở nghị định, thông tư.

"Trong buổi họp cuối cùng, Ủy ban đã đề nghị ít nhất phải có quy định về kiến thức và kỹ năng lái xe gắn máy để sau này cụ thể hóa. Ban soạn thảo cơ bản đã nhất trí và đưa vào dự thảo", ông Minh chia sẻ.

Tiếp thu đề xuất, trong dự thảo mới nhất, Ban soạn thảo đã thêm nội dung: Người lái xe gắn máy tham gia giao thông đường bộ phải hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ, có kỹ năng điều khiển phương tiện; đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe theo quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 59 của Luật này.

Như vậy, điều khoản trong luật sẽ mở đường cho các đòi hỏi cụ thể về kiến thức, kỹ năng của người lái trước khi ngồi lên một chiếc xe gắn máy, xe máy điện.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, luật pháp từng quy định người lái xe gắn máy dưới 50cc phải có chứng chỉ học Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, quy định này không được áp dụng và đã bị lãng quên.

Hiện dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ được Bộ Công an phụ trách soạn thảo, đã trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 6 và dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 7 (đang diễn ra).

Theo nghiên cứu vào năm 2016 của Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, tỷ lệ tử vong do TNGT của học sinh THPT tại TPHCM là khoảng 32,5 em/100.000 học sinh, cao gấp 2 lần tỷ lệ trung bình do Tổ chức Y tế thế giới tính toán cho người Việt Nam (17.7 người/100.000 dân) và cao hơn 8 lần so với tỷ lệ tử vong do TNGT của học sinh trung học phổ thông ở các quốc gia thuộc nhóm OECD (Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế).

Nghiên cứu cũng chỉ ra khoảng 80% số vụ TNGT của trẻ em trong lứa tuổi từ 13 đến 18 xảy ra do các em tự điều khiển xe đạp điện, xe gắn máy và cả xe mô tô (khi chưa có Giấy phép lái xe theo quy định).

Các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông khi các em tự điều khiển phương tiện gây ra là do thiếu kiến thức và kỹ năng lái xe an toàn, cụ thể là (1) Đi trái phần đường/làn đường; (2) Chuyển hướng không an toàn; (3) Lái xe quá tốc độ cho phép; (4) Vượt ẩu; (5) sang đường không an toàn.