1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Qua đường dây nóng:

Tái lấn chiếm đất công vẫn được nhận đền bù?

(Dân trí) - Nhiều hộ dân sống tại tổ 67, phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phản ánh hàng hàng trăm mét vuông đất vỉa hè trên đường Đại Cồ Việt, đã bị “phù phép” biến thành đất ở để đương nhiên được nhận tiền đền bù đến 2 lần.

Đền bù cả đất lấn chiếm lần 2

Theo đơn thư phản ánh của các hộ này thì năm 1989 thành phố cắm mốc mở rộng đường Đại Cồ Việt. Đến đầu năm 1992, quận đã tổ chức giải phóng mặt bằng, toàn bộ diện tích trước mặt của các hộ này đã được đền bù và được cấp đất tái định cư tại khu Đền Lừ.

Lúc đó, diện tích vỉa hè đường Đại Cồ Việt được mở rộng đến 8m, đến cuối năm 1992, có lác đác vài hộ quay lại dựng lều, lấn chiếm. Vào thời điểm đó, nhân dân tại đây đã phản ứng khá gay gắt trước vấn đề này và phản ánh lên UBND phường. Phường Lê Đại Hành cũng nhiều lần lập biên bản, rồi hàng chục lần cưỡng chế, phá dỡ.

Nhưng từ năm 1996 trở đi, do có phần nơi lỏng quản lý, cũng như thiếu kiên quyết hơn đối với các trường hợp “nhảy dù” này, nên tình trạng lấn chiếm càng nhanh và mạnh hơn. Bằng chứng là ban đầu mới chỉ có những căn lều tạm bợ thì nay đã biến thành những căn nhà kiên cố, thậm chí có nhà còn mạnh dạn xây dựng thành hai, ba tầng.

Để minh chứng cho điều này, các hộ dân còn đưa ra danh sách một số hộ dân đã được đền bù lần trước nhưng vẫn quay lại lấn chiếm và lại tiếp tục được đền bù thêm một lần nữa.

Một người dân cho biết: “Đầu năm 2005 thực hiện dự án xây dựng trụ sở UBND quận Hai Bà Trưng, sau cuộc gặp với ban bồi thường GPMB đêm hôm đó số vi phạm đã ào ào quây rộng diện tích lấn chiếm, dùng xi măng láng trùm lên gạch vỉa hè. Toàn bộ diện tích đất lấn chiếm còn ướt, ngày hôm sau đo (29/1/2005) ban bồi thường vẫn xác nhận là có nguồn gốc trước năm 1993.

Ông Đào Đắc Hùng, Tổ trưởng tổ dân phố 27 cũ (từ 1991) cho biết, việc phản ánh của các hộ dân với báo chí là hoàn toàn đúng sự thật. Ông Hùng cũng đề nghị các cấp lãnh đạo cần phải vào cuộc kiểm tra lại vấn đề và nhanh chóng giải quyết vụ việc.

“Tôi khẳng định là có chuyện khi thực hiện dự án mở rộng đường Đại Cồ Việt có nhiều hộ gia đình sau khi đã nhận đất đền bù tại Đền Lừ đã quay lại lấn chiếm để rồi khi dự án xây dựng trụ sở UBND quận họ lại được đền bù lần thứ hai” - ông Hùng bức xúc.

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tôi mới về đây được 2 năm nên nhiều vấn đề còn chưa nắm hết. Có hay không sự quay lại lấn chiếm để được đền bù hai lần thì các anh nên làm việc với phường.

Nếu như sự phản ánh của người dân là từ năm 1992 thì không ai khác chỉ có phường là nắm rõ nhất, chứ BQL không trực tiếp quản lý địa giới hành chính nên không khẳng định được vấn đề này. Trên góc độ của BQL, tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu thật sự có điều này thì kể cả trả tiền cho dân rồi vẫn có thể truy thu”.

Trong khi đó, bà Hoàng Thanh Thuỷ, Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành cho biết: “Tôi mới về, mới tiếp quản công việc, mà trước đây có thấy ai bàn giao cái gì đâu nên bây giờ đụng đến vấn đề gì cũng phải tự tìm hiểu lại.

Tôi tiếp quản dự án từ 2005 nhưng tất cả hồ sơ về đất đai đền bù thì lại xong từ năm 2004. Thực ra, tôi cũng chưa nắm được vấn đề này vì nó có từ năm 1995 nên tôi sẽ tìm hiểu lại và trả lời sau. Nhưng tôi lại rất bận, vì thế sẽ cho cấp dưới là người nắm rõ dự án trả lời các anh”.

Nhưng thật lạ là lần sau quay lại, cũng với câu cửa miệng quen thuộc “mới về”, ông Việt, cán bộ địa chính phường, người được bà Thuỷ giới thiệu, lại trả lời với chúng tôi rằng: “Tôi mới về năm 2005, vào thời điểm đấy chúng tôi không được bàn giao cụ thể những tài liệu cũ, mà đúng hơn là cán bộ trước không bàn giao hồ sơ cho chúng tôi”. (?!)

Vậy là với điệp khúc “mới về, không được bàn giao…” các cấp chính quyền thuộc quận Hai Bà Trưng đã “đá” quả bóng trách nhiệm cho những người làm từ trước mà lờ đi trách nhiệm để xem xét và giải quyết vụ việc. Có hay không việc vỉa hè bị biến thành đất ở rồi được đền bù? Đó vẫn là câu hỏi mà rất nhiều người dân cần các cấp chính quyền làm rõ.

Thái Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm