Tái định cư... tái nghèo!
(Dân trí) - Thu hồi đất làm sân golf khiến hàng nghìn người ở Hòa Bình mất kế sinh nhai.
Hàng nghìn người thất nghiệp đổi lấy 70 người có việc làm
Nằm ngay “sát nách” của thủ đô Hà Nội, xã Lâm Sơn (Lương Sơn - Hòa Bình) gồm nhiều dân tộc anh em, với hơn 1 nghìn hộ dân và trên 4 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc Mường.
Nghề nông từ ngàn đời nay đã trở thành chỗ dựa cho cuộc sống miếng cơm manh áo của họ. Không giầu như những thương gia nhưng ít nhất họ cũng có cuộc sống no đủ và cuộc sống của họ chỉ thực sự “bất ổn” khi mà dự án sân golf được thực hiện tại đây theo quyết định thu hồi đất số 1752/QĐ-UB ngày 9/9/2004 của UBND tỉnh Hòa Bình.
Số diện tích đất mà UBND tỉnh Hòa Bình cho thu hồi là trên 300 ha đất các loại, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp để giao cho Cty TNHH Thể thao giải trí sân golf Long Sơn thuê đất 50 năm thực hiện dự án xây dựng sân golf.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết, có trên 370 hộ dân liên quan đến dự án sân golf trong đó có hơn khoảng 300 hộ dân phải di dời toàn bộ ra khỏi khu vực. Cũng theo quyết định thu hồi đất này toàn bộ cánh đồng lúa của bà con 2 xóm Rổng Cấn và Rổng Vòng bị mất sạch sẽ, riêng xóm Rổng Tằm số đất còn lại không đáng kể.
Trong những ngôi nhà khang trang, người nông dân không biết làm gì để kiếm sống.
Hơn 1.000 nhân khẩu của 3 xóm Rổng Cấn, Rổng Tằm, Rổng Vòng bị thất nghiệp và chỉ hơn 70 người trong xã được nhận vào sân golf làm các công việc như cắt cỏ, tưới nước sân golf hoặc làm bảo vệ, trong số đó giờ đã có không ít người lại phải nghỉ việc.
Tái nghèo!
Theo kiểu điều tra xã hội học của chúng tôi thì hàng trăm hộ dân sinh sống xã Lâm Sơn (Lương Sơn, Hòa Bình), sau khi bị mất hết đất nông nghiệp, tổng thu nhập của gia đình họ hiện nay không quá 300 nghìn đồng/tháng và con số lao động bị thất nghiệp thì ngày càng được nối dài.
Ông Bùi Văn Năm, xóm Rổng Vòng vừa mới khánh thành nhà mới than: “Bị thu hồi hơn 6.000m2 đất được đền bù trên 400 triệu đồng nhưng xây nhà xong cũng vừa hết. Cả nhà có bốn miệng ăn giờ không biết làm gì để sống. Thu nhập chính của gia đình vẫn là trông vào mấy sào nương rẫy trong rừng chủ yếu là chuối, sắn, ngô, củ sả... chỉ đủ đong gạo ăn cầm chừng, chúng tôi khổ hết nỗi”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi những hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất thì đều được đền bù một khoản tiền tương ứng từ vài chục triệu cho đến vài trăm triệu đồng và được mua một suất đất tái tịnh cư khoảng 60 triệu đồng.
Sau khi tái định cư nhiều người rơi vào cảnh không có việc làm. Số thanh niên khỏe mạnh thì bươn trải đi làm thuê nơi đất khách quê người, số thanh niên ở lại thì chỉ còn biết “ngáp ruồi!”.
Nước sạch dùng trong sinh hoạt cũng không đảm bảo.
Nước sạch để bà con dùng sinh hoạt hàng ngày cũng rất hiếm. Hàng chục hộ dân thì vẫn đang phải dùng nước ở trên khe núi, số hộ dân còn lại được Cty THHH Thể thao giải trí sân golf Long Sơn cung cấp, nhưng từ nhiều tháng nay bà con ở đây luôn phản ánh chất lượng nước cũng không đảm bảo.
Dậy nghề kiểu đánh đố nông dân!
Theo tìm hiểu của chúng tôi để tạo công ăn việc làm cho số lao động bị thất nghiệp sau khi không còn ruộng, tỉnh Hòa Bình cũng đưa ra giải pháp là dạy nghề ngắn hạn về mây tre đan cho người nông dân. Lớp học chỉ diễn ra có 15 ngày thì kết thúc.
Anh Bùi Văn Năm phải bổ củi để mang ra chợ bán kiếm tiền đong gạo.
Anh Nguyễn Quang Trừng, xóm Rổng Vòng nói: “Người nông dân chúng tôi quanh năm chân lấm tay bùn, đan lát thi không ai biết thế mà họ dạy trong vòng có 15 ngày khác nào đánh đố chúng tôi”.
“Như Hà Tây kia được xem như là đất tổ của làng nghề đan lát, với đầy tay thợ lão luyện, nhưng một ngày họ cũng chỉ thu nhập được 35 - 40 nghìn, huống chi người dân chúng tôi chưa biết thế nào là đan lát. Hơn nữa cả xã có hàng nghìn người thất nghiệp nhưng họ chỉ dậy cho có 90 người”, anh Trừng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi hiện tại 90 học sinh này sau khi tốt nghiệp khóa học mây tre đan giờ tiếp tục “tái thất nghiệp”.
Người dân vẫn chưa thoát cảnh chân lấm tay bùn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhinh cho biết, học nghề mây tre đan xong bà con cũng chẳng biết làm ở đâu, mà ở khu vực huyện không có nhu cầu lao động làm việc ấy. Thế rồi, học xong cũng thất nghiệp, không học cũng thất nghiệp.
Bài và ảnh: Hồng Ngân