“Tác hại của game bạo lực là không thể phủ nhận”
(Dân trí) - Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đào Trọng Thi lên tiếng sau khi có ý kiến cho rằng, game bạo lực đã được "chạy tội" trong một khảo sát mới đây.
Thưa ông, kết quả khảo sát xã hội học về trò chơi trực tuyến do Viên Xã hội học, thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam vừa công bố có là căn cứ cho UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng thông tin cho đại biểu Quốc hội?
Viện Xã hội học gửi cho chúng tôi kết quả đó với mong muốn xem xét để giới thiệu với các vị đại biểu, nhưng tôi cho rằng kết quả khảo sát như vậy không đáp ứng được mong muốn của Uỷ ban, không đáp ứng được mong muốn mà dư luận xã hội đòi hỏi phải tìm hiểu.
Với một “tình trạng” như vậy thì chưa thể giới thiệu với các vị đại biểu, còn đương nhiên, một công trình mang tính chất khảo sát khoa học, các anh ấy có thể công bố trong dư luận.
Nhưng đây là khảo sát xuất phát từ đề nghị của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội?
Tôi có hỏi lại đồng chí Nguyễn Minh Thuyết (Phó Chủ nhiệm UB - PV), đồng chí Thuyết cho biết, đồng chí có một công văn gửi cho Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị có ý kiến về vấn đề game online chứ không hề đặt hàng phải khảo sát hoặc có sự phối hợp nào. Như vậy, về phía UB, đây chỉ là một đề nghị xin ý kiến của cơ quan khoa học.
Đương nhiên tôi hiểu đồng chí Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, muốn trả lời được UB anh ấy phải tổ chức một công trình khảo sát. Họ làm như vậy cũng đúng thôi, nhưng không có nghĩa UB phối hợp với Viện để làm ra cái đó và càng không có nghĩa UB đặt hàng để tổ chức cuộc khảo sát đó.
Tất cả những kết quả thu được từ khảo sát trên nằm ngoài mối quan tâm của Uỷ ban?
Chúng tôi là UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và chúng tôi quan tâm những ảnh hưởng xấu của trò chơi điện tử bạo lực và không lành mạnh đối với trẻ em, còn phạm vi của khảo sát trên rộng hơn nhiều.
Các anh ấy khảo sát trò chơi điện tử nói chung, cả tốt cả xấu, khảo sát cả trẻ em, cả người lớn thì đương nhiên đi đến kết luận không nhằm vào yêu cầu của chúng tôi.
Ông Đào Trọng Thi: có nhiều thanh niên đưa cuộc sống ảo ra cuộc sống thật
Tôi nghĩ chẳng ai phản đối người lớn chơi game online mà chơi game online tạo thêm năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực sáng tạo, sự linh hoạt trong hoạt động và tạo ra sự giải trí lành mạnh để người ta thoải mái…
Tôi nghĩ dư luận xã hội và đại biểu quan tâm một chuyện hoàn toàn khác, đó là game online bạo lực, game online không lành mạnh và đối tượng trẻ em chưa hình thành được bản lĩnh, chưa tự bảo vệ được mình bởi tác động tiêu cực của những trò chơi đó.
Theo kết quả khảo sát trên, tỷ lệ học sinh, sinh viên chơi game online hàng ngày gần như là thấp nhất trong các loại đối tượng được nghiên cứu, chỉ đứng trên lực lượng vũ trang? Ông có ý kiến gì về việc này?
Tôi không tin lắm, bởi lẽ mình tập trung hỏi đối tượng chơi game online thì làm sao họ nói thật được.
Điều tra xã hội học là một phương pháp rất sâu sắc, không đơn giản. Mình phải hỏi ai để tìm được câu trả lời đúng và biết cách hỏi để nhận được thông tin đúng.
Chẳng hạn, bây giờ gặp một tội phạm mà hỏi vấn đề đánh giá tội phạm thì tôi chắc là không thể nhận được câu trả lời mang tính chất phê phán tội phạm được. Người ta sẽ nói thế nào đó để người ta bào chữa cho hành vi của người ta…
Không tán thành phương pháp và kết quả khảo sát nói trên, vậy các ông có dự định tiến hành một khảo sát, nghiên cứu khác?
Tôi sợ rằng, một công trình chưa được thẩm định một cách chắc chắn mà mình đã công bố, quảng bá rộng rãi như vậy thì có thể không tạo được niềm tin trong người dân và bây giờ mình có tổ chức làm nghiêm túc cũng không thuyết phục được người dân. Bởi vậy tôi cũng chưa nghĩ đến chuyện làm một nghiên cứu khác.
Có ý kiến cho rằng, kết quả khảo sát vừa công bố đã “làm mờ” tác hại của game bạo lực. Vậy cá nhân ông đánh giá như thế nào về mức độ ảnh hưởng của game bạo lực, game không lành mạnh với trẻ em?
Tôi cho rằng trò trơi bạo lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến nhân cách của giới trẻ hiện nay. Phải nói thật, bây giờ có nhiều thanh niên đưa cuộc sống ảo ra cuộc sống thật. Chuyện đó là không thể phủ nhận còn tỉ lệ bao nhiêu phải nghiên cứu, điều tra.
Đó là điều đáng quan tâm của xã hội, là vấn đề lớn của giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh và đó cũng là vấn đề của quản lý thanh thiếu niên hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường