Suýt bị phạt vì... gọi điện thoại báo cháy!
Sau khi bị lập biên bản vì đã để xảy ra cháy, ban quản lý một khu chung cư đòi “bắt phạt” người gọi điện thoại báo cháy.
Mới đây, anh Trần Vương Thuấn (ngụ tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM) rất bất ngờ khi được trao biên bản vi phạm của Trung tâm Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy khu vực 6 với lý do hết sức vô lý.
Phạt tổ chức để xảy ra cháy
Ngày 6/4, nhiều người dân ở chung cư Hiệp Bình Chánh đã xô đẩy nhau chạy ra khỏi chung cư khi thấy khói nghi ngút tràn vào nhà. Khói này xuất hiện từ một đám cháy phát ra từ bụi cỏ mọc um tùm bên hông chung cư.
Lập tức, người dân tại đây nhanh chóng dùng bình chữa cháy và nước để dập lửa... Thấy ngọn lửa vẫn còn lớn, anh Thuấn liền gọi điện thoại cho Trung tâm CSPCCC khu vực 6 để báo cháy. Sau khi tiếp nhận thông tin, trung tâm này đã điều động xe cứu hỏa đến để tham gia chữa cháy. May thay, khi xe cứu hỏa đến nơi thì người dân nơi đây đã kịp thời dập tắt được ngọn lửa.
Hai ngày sau đó, cán bộ Trung tâm CSPCCC khu vực 6 đã đến chung cư để lập biên bản về vi phạm hành chính để chuẩn bị ra quyết định xử phạt. Biên bản này ghi rõ lý do vi phạm: “vô ý để xảy ra cháy nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại đến một triệu đồng” theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 123 ngày 5/10/2005 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy). Theo đó, cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy nổ có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Người gọi điện thoại báo cháy bị vạ lây
Ông Nguyễn Văn Bình (một thành viên ban quản lý chung cư) cho biết: Cán bộ trên đã yêu cầu ông đại diện tổ chức vi phạm ký tên vào biên bản, đồng thời buộc ban quản lý phải chịu trách nhiệm nộp phạt nếu không tìm ra được người gọi điện thoại báo cháy.
Sau khi biết được anh Thuấn là người gọi điện thoại, ông Bình đã giao lại biên bản vi phạm cho anh Thuấn. Thấy lạ lùng, anh Thuấn vặn hỏi lại thì ông Bình giải thích: “Lẽ ra phạt người gây ra vụ cháy nhưng do chưa xác định là ai nên họ phạt người gọi điện thoại báo cháy. Vì lúc đầu chưa biết ai là người gọi điện thoại nên họ yêu cầu tôi ký vào biên bản...” (!?).
Điều 20 Nghị định 123 nêu trên chỉ phạt tiền từ hai triệu đồng đến năm triệu đồng đối với hành vi báo cháy giả. Trong trường hợp cụ thể này, việc cháy là có thật nhưng vì người dân chung cư đã có ý thức chấp hành tốt việc phòng cháy, chữa cháy nên không có sự cố đáng tiếc xảy ra. “Vậy tại sao Trung tâm CSPCCC khu vực 6 lại muốn phạt tôi?” - anh Thuấn ấm ức.
Chiều 2/5, làm việc với phóng viên, ông Phan Minh Quyền, Giám đốc Trung tâm CSPCCC khu vực 6, khẳng định: “Cán bộ trung tâm đến lập biên bản để xử phạt ban quản lý chung cư chứ không phải phạt người gọi điện thoại. Ấy thế mà ban quản lý chung cư lại “đùn đẩy” trách nhiệm sang anh Thuấn. Chúng tôi sẽ trao đổi lại vụ việc với ban quản lý chung cư...”.
Sáng 3/5, giữ đúng lời hứa, Trung tâm CSPCCC khu vực 6 đã đến chung cư. Sau một hồi làm việc với trung tâm, ban quản lý chung cư đồng ý không “bắt phạt” anh Thuấn.
Theo Tiến Hiếu
Pháp luật TPHCM