Sụt lún tại Nghệ An: Kinh phí khảo sát lớn, nguyên nhân chưa thuyết phục
(Dân trí) - Lần thứ 2 Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo Chủ tịch tỉnh Nghệ An nguyên nhân xuất hiện hàng loạt "hố tử thần" tại xã Châu Hồng. Đơn vị này xác định thêm 2 nguyên nhân.
Vẫn chưa đồng ý kết luận lần thứ 2
Sáng 18/8, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Đức Lợi, Phó chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An - cho biết, huyện đã tổ chức cuộc họp lần 2 để nghe Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ báo cáo kết quả khảo sát, xác định lại nguyên nhân gây sụt lún ở xã Châu Hồng.
Tại cuộc họp, Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ cho biết, đã xác định được 8 nguyên nhân. Như vậy, báo cáo lần thứ 2 của đơn vị này xác định thêm được 2 nguyên nhân mới.
Ngoài 6 nguyên nhân cũ, Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ ghi nhận thêm nguyên nhân rút ra từ kết quả đo địa vật lý và các nguyên nhân khác do tác động nhân sinh.
Cụ thể, các nguyên nhân do tác động nhân sinh như: Tác động của công tác vận chuyển quặng, đá xây dựng và đá hoa trên các tuyến đường giao thông; trên tỉnh lộ 532; tác động của việc khai thác đá xây dựng trên các dãy núi xung quanh thung lũng; tác động của các mỏ khai thác hầm lò, mỏ khai thác lộ thiên quá độ sâu xâm thực chuẩn địa phương.
"Các nguyên nhân mà Liên đoàn địa chất đã xác định là chưa có tính thuyết phục; chưa đảm bảo tính khách quan theo thực tế tại địa bàn xã Châu Hồng thời gian qua; chưa xác định được nguyên nhân chủ quan về tụt mạch nước ngầm, gây sụt lún, khô cạn giếng nước một cách cụ thể mà chỉ nêu nguyên nhân chung chung. Kết quả xác định nguyên nhân chưa đáp ứng được kỳ vọng của UBND huyện cũng như của người dân xã Châu Hồng", ông Trần Đức Lợi nói.
UBND huyện Quỳ Hợp tiếp tục có ý kiến và đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo dừng không thời hạn việc bơm hút, khai thác, sử dụng nước ngầm của các tổ chức, cá nhân tại khu vực xã Châu Hồng.
Giao các sở, ngành chuyên môn thẩm định báo cáo đánh giá nguyên nhân gây ra sụt lún tại các xã Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp của Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ.
Cũng theo ông Trần Đức Lợi, phía Liên đoàn địa chất Bắc Trung Bộ đang đề nghị khảo sát giai đoạn tiếp nhưng khả năng tính khả thi sẽ không cao.
"Kinh phí khảo sát thời gian vừa qua rất lớn, nhân dân thì chờ đợi, huyện mệt mỏi trong một thời gian dài, nên chúng tôi đã xin ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh", ông Trần Đức Lợi cho biết thêm.
Trụ sở nhà nước, trường học hư hỏng sau sự cố sụt lún
Từ tháng 12/2020 đến nay, trên địa bàn xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An liên tiếp xảy ra các điểm sụt lún, nứt nẻ đất gây hậu quả nghiêm trọng làm mất đất, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, nứt nẻ nhà cửa, ảnh hưởng đến tính mạng người dân; hư hỏng các công trình trường học, trụ sở chính quyền xã…
Một trong những công trình bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến là trụ sở UBND xã Châu Hồng.
Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng - cho biết, tình trạng nứt nẻ trụ sở diễn ra đã nhiều tháng nay và rất nguy hiểm.
"Hiện nay Sở Xây dựng đã lập đoàn kiểm tra, đánh dấu các công trình như nhà cửa của bà con, công trình trường học, trạm y tế và trụ sở UBND xã để làm công tác kiểm định. Sau khi có kết quả cuối cùng, xã sẽ trình UBND huyện xin ý kiến khắc phục sự cố hư hỏng này", ông Trương Văn Hóa cho biết.
Không chỉ công trình trụ sở UBND xã Châu Hồng nứt nẻ, hư hỏng, bên cạnh đó Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Hồng Tiến xuất hiện nhiều điểm sụt lún, nứt nẻ đất trong khuôn viên; cổng trường bị nứt dài hơn 1m, nhà ký túc xá, phòng công vụ giáo viên cũng bị nứt nẻ... đe dọa sự an toàn của hàng trăm học sinh và giáo viên.
Thầy Lô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Hồng Tiến cho biết: "Hiện nay gần đến năm học mới nên chúng tôi rất lo lắng trước sự cố trường học bị nứt nẻ, giếng nước bị cạn… Trong đó, có cổng trường nứt dọc rất nguy hiểm, nhiều khả năng sẽ bị sập nếu như gặp trời mưa to, gió lớn. Để bảo đảm an toàn, tôi sẽ chỉ đạo các thầy cô cho rào tre lại".
Cũng theo thầy Vinh, Trường PTDTNT THCS Hồng Tiến có hơn 400 em, 26 giáo viên. Đặc biệt, trong số 400 học sinh, thì có 160 em phải ở ký túc xá để sinh sống, học tập.
Tuy nhiên, hiện nay ký túc xá cho học sinh bị nứt nẻ, hư hỏng đang gây hoang mang cho học sinh cũng như nhà trường trước thềm năm học mới cận kề.
Như Dân trí đã thông tin, từ năm 2019 tại xã Châu Hồng đã có tình trạng sụt lún đất và giếng cạn nước. Thời gian gần đây, tình trạng này diễn ra ở mức báo động. Đến nay, toàn xã đã có gần 300 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục "hố tử thần" xuất hiện...
Việc "hố tử thần" liên tiếp xuất hiện trên địa bàn xã Châu Hồng cũng như hiện tượng cạn giếng và nứt nhà cửa khiến người dân bất an, lo sợ.
Được biết Châu Hồng là địa phương có trữ lượng đá trắng và thiếc dồi dào, có 11 doanh nghiệp khai thác mỏ hoạt động từ hàng chục năm qua, gây nên điểm nóng về môi trường tại địa phương.
Trước tình trạng sụt lún, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xã Châu Hồng, trong thời gian qua Công ty cổ phần Tân Hoàng Khang đã hỗ trợ cho địa phương gồm: Hệ thống cung cấp nước sạch dài 5km, kinh phí 5 tỷ đồng; hỗ trợ cho các hộ bị sụt lún 3,8 tỷ đồng; chuyển cho xã Châu Hồng để hỗ trợ 6 hộ trong thời gian tạm di dời 346 triệu đồng.