1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Nam:

Sụt lún bất thường ở hạ nguồn sông Thu Bồn

(Dân trí) - Những ngày qua, nhiều người dân sống dọc theo tuyến bờ kè An Lương (xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) tỏ ra hoang mang khi một khúc sông thuộc hạ nguồn Thu Bồn bỗng dưng sụt lún nghiêm trọng.

Theo thông tin của người dân cung cấp, trước đó, khoảng 2h30 ngày 26/7, ông Nguyễn Tấn Thu (người dân thôn An Lương) thức giấc và ra đoạn sông chảy men theo tuyến kè An Lương để cất rớ (kéo cá).

Hạ nguồn sông Thu Bồn bị sụt lún bất thường

Khu vực nơi sông Thu Bồn bị sụt lún bất thường

Khi ông Thu bật đèn pin để tìm đường đi thì tá hỏa khi phát hiện xung quanh các giàn rớ của mình nổi bọt nước. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, ông Thu gọi cậu con trai dậy để phối hợp dùng cây kéo rớ vào bờ. Tuy nhiên, đất dưới đáy sông tụt sâu hoắm và chẳng mấy chốc cuốn phăng giàn rớ trị giá cả trăm triệu của gia đình.

Sự việc sau đó được báo cáo cho lãnh đạo xã Duy Hải. Theo kết quả đo đạc của các cán bộ UBND xã Duy Hải, vị trí sụt lún cách bờ kè An Lương khoảng 8m với độ sâu khoảng 6m, chiều dài sụt lún gần 30m và rộng hơn 10m. 

Để trục vớt giàn rớ, nhiều ngày sau đó, gia đình ông Thu bỏ tiền để thuê thợ lặn tìm kiếm giàn rớ bị lòng sông “nuốt chửng”; tuy nhiên đến chiều ngày 30/7, đội thợ lặn chỉ vớt được bộ khung của giàn rớ, trong khi mớ lưới đắt tiền đã mất tích dưới đáy sông.

Hạ nguồn sông Thu Bồn bị sụt lún bất thường

Đảo cát lớn và nhỏ đang hình thành phía cửa biển Cửa Đại

Theo ông Nguyễn Văn Chỉ - một người dân trú thôn An Lương – cho hay, cách khu vực sụt lún khoảng 200m, nhiều năm trước, xói lở cũng khiến hàng chục ngôi nhà của bà con làng An Lương bị cuốn phăng xuống sông.

Hiện nghe thông tin lòng sông ven bờ kè An Lương bị sụt lún, người dân rất bất an. Nếu xói lở tiếp tục khoét sâu vào bờ như hàng chục năm trước thì không biết tuyến kè cứng kéo dài hàng trăm mét này có trụ vững không.

Trong ngày 31/7, ông Nguyễn Bốn - Phó Chủ tịch huyện Duy Xuyên - xác nhận, huyện đã nhận được báo cáo của xã Duy Hải thông tin về tình hình sụt lún nghiêm trọng nơi hạ nguồn sông Thu Bồn.

Theo ông Bốn, trước mắt, lãnh đạo huyện yêu cầu xã Duy Hải lập tức khuyến cáo ngư dân cẩn thận khi di chuyển qua lại khu vực đang có mực nước rất sâu. Hiện lãnh đạo huyện Duy Xuyên đang tiếp tục theo dõi diễn biến và sẽ báo cáo ngay lên lãnh đạo tỉnh nếu hiện tượng sụt lún mở rộng và ảnh hưởng đến bờ kè An Lương.

Điều đáng quan tâm là cách nơi vừa bị sụt lún vài hải lý, nơi con sông Thu Bồn đổ ra cửa biển có hai đảo cát nổi đang làm xôn xao dư luận. Đầu tiên là cồn cát khổng lồ nổi lên không xa cửa hạ nguồn sông Thu Bồn từ năm 2017-2018.

Đến thời điểm sau Tết Nguyên đán 2019, cồn cát nổi giữa vùng biển Cửa Đại kéo dài tới cả cây số với bề rộng khoảng 200m. Đảo cát này cách cảng Cửa Đại khoảng 10 phút di chuyển bằng thuyền.

Ngoài ra, phía Nam Cửa Đại cũng đang hình thành một cồn cát khác có nguy cơ gây cản trở tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng Cửa Đại. UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP Hội An tổ chức cắm biển báo cấm người dân lên khu vực đảo cát.

Chính quyền địa phương cũng thông báo cho các đơn vị lữ hành, chủ các tàu thuyền và người dân địa phương không tự ý tổ chức đưa người dân, du khách ra khu vực đảo cát hoặc triển khai các hoạt động tự phát trên đảo.

Mới đây, Tổng Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN-PTNT) triển khai khảo sát lần 10 cồn cát này. Kết quả cho thấy cồn cát có xu hướng bồi về phía Bắc; phía Tây ít thay đổi; phía Đông hình thành các đụn cát và dịch chuyển, thay đổi lên phía Bắc; phía Nam diễn biến rất phức tạp và chưa có quy luật rõ ràng. Gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh khiến khu vực phía Nam bị xói mạnh, chiều dài xói khoảng 90m.

Đặc biệt, trong chuyến khảo sát lần này, Tổng Cục Phòng chống thiên tai phát hiện ngoài cồn cát cũ, khu vực trong bờ tiếp tục bồi và nổi lên cồn cát nhỏ. Tổng cục phòng chống thiên tai dự kiến trong tháng 8 sẽ đo đạc và quan trắc đảo cát này.

Như vậy, nơi hạ nguồn Thu Bồn giờ đây đang tồn tại hàng loạt hiện tượng bồi – xói, sụt lún bất thường. Hiện tượng tự nhiên này đang rất cần các nhà khoa học có đánh giá chính xác, rõ ràng để người dân được biết.

C.Bính