1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

25 năm hải chiến Trường Sa (14/3/1988-14/3/2013):

Suốt 25 năm mẹ mặc tấm áo của con trai đã hy sinh

(Dân trí) - Con trai anh dũng hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, kỷ vật gửi về quê mẹ là tấm quân phục hải quân. Tấm áo ấy, mẹ đã lần từng đường chỉ tháo ra, may lại. Tấm áo của đứa con trai anh dũng kiên cường, mẹ mặc suốt 25 năm...

Ngày 14/3 sắp tới, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra chương trình giao lưu “Hướng về Trường Sa thân yêu”. Chương trình có sự tham gia của các cựu chiến binh Trường Sa và thân nhân các liệt sĩ ở Đà Nẵng đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa) ngày 14/3/1988.

PV Dân trí đã tìm gặp thân nhâncác liệt sĩ và các cựu binh Trường Sa ở Đà Nẵng. Sau tròn 25 năm, trang sử bi hùng của dân tộc trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo quê hương vẫn vang vọng lòng người.

Trong 64 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa ngày 14/3/1988, có 9 liệt sĩ quê quán ở Đà Nẵng. Sau 25 năm, tên gọi Trường Sa thiêng liêng luôn ở trong tim những người mẹ, người cha của những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Chúng tôi đến thăm nhà mẹ Lê Thị Muộn, mẹ của liệt sĩ Phan Văn Sự ở đường Hưng Hóa 3 (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Mẹ Muộn năm nay đã 81 tuổi. Tóc mẹ bạc trắng. Mẹ nói: “Có đận mẹ đau ốm luôn nên phải về bên nhà con gái ở bên đường Hàn Thuyên. Khỏe lại, mẹ lại về bên nhà con trai ở đường Hưng Hóa 3 đây. Nhà có bàn thờ con trai mẹ đã hy sinh ở Trường Sa”.

Kỳ 1: Trường Sa thiêng liêng trong tim mẹ, tim cha
Mẹ Lê Thị Muộn thắp nhang cho con trai thứ bảy của mẹ là liệt sĩ Phan Văn Sự đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc ma, quần đảo Trường Sa năm 1988

Mẹ nhớ: “Hồi đó, thằng Sự mới có hai mươi tuổi…”. Câu chuyện về đứa con trai thứ bảy trong tám người con của mẹ có nước mắt thương con, có nụ cười tự hào. Mẹ kể: “Năm 1987, Sự đang còn đi học, lại đăng ký đi bộ đội. Đăng ký xong rồi mới về thưa với ba mẹ, rồi lên đường nhập ngũ luôn. Chồng tôi lúc đó đang đau nặng, vẫn đồng ý cho con đi. Trước đó, anh trai của Sự cũng đã nhập ngũ. Chồng tôi dặn con: “Đã đi bộ đội thì phải đàng hoàng, quyết ý, quyết chí một lòng”.

Tết Nguyên Đán năm 1988, Sự về thăm nhà, nói là sẽ đi xây dựng ở ngoài đảo. Đơn vị phân công cho Sự ở lại coi chừng đồ đạc, nhưng Sự xin đi. Nó nói: “Anh em đều đi cả, sao con có thể ở lại một mình?””.

Mẹ Muộn chặm nước mắt, ngày 14/3/1988 vẫn như in trong lòng mẹ. Mẹ kể: “Ngay trong ngày, đài phát thanh đã có thông tin. Buổi sáng, nghe thấy tên con trong danh sách các chiến sĩ hy sinh và mất tích sau trận chiến. Buổi chiều, ba thằng Sự đang nằm viện điều trị bệnh cũng ra đi…”. Trong cùng một ngày, mẹ nhận một lúc hai tin dữ mất con, mất chồng. Nỗi đau của mẹ khiến câu chuyện phút chốc như nghẹn lại. Căn phòng khách nhà mẹ lặng im.

Con trai anh dũng hy sinh ngoài đảo, kỷ vật gửi về quê mẹ là tấm quân phục hải quân. Tấm áo ấy, mẹ đã lần từng đường chỉ tháo ra, may lại thành tấm áo cánh. Tấm áo của đứa con trai anh dũng kiên cường vì chủ quyền biển đảo, mẹ đã mặc suốt 25 năm nay.

Kỳ 1: Trường Sa thiêng liêng trong tim mẹ, tim cha
Tấm áo quân phục hải quân, kỷ vật của liệt sĩ Phan Văn Sự, được mẹ Muộn may lại thành tấm áo cánh để mặc suốt 25 năm nay.

Mẹ nói: “Mẹ mặc áo để nhớ con, để con biết rằng mẹ luôn tự hào về con. Mẹ không nghĩ Sự đã mất đi rồi. Suốt 25 năm nay, mẹ vẫn tưởng nó như hồi con mới lớn, hễ đi học thì thôi, về tới nhà lại xắn tay áo phụ mặt chặt củi, phơi đồ… Hồi đi bộ đội mỗi bận về phép thăm nhà, nó cũng tháo vát việc nhà phụ mẹ như vậy đó…”.

Ngày ấy, giữa Đà thành, nghe tin đài báo, có người mẹ bần thần nghe tin con hy sinh, có người cha đứng lặng giữa đường. Ông kể: “Nghe loa phát thanh báo tin ở Trường Sa, tôi đang ở trong nhà chạy ra đường, bình tĩnh lắng nghe cho rõ. Đến gần cuối danh sách, tôi nghe thấy tên con. Tôi đứng lặng giữa đường, rồi quay về nhà báo tin cho bả (vợ ông). Có một đoạn đường mà chân đi không vững, tôi vấp mấy lần…”. Ông là ông Lê Văn Xuân, cha của liệt sĩ Lê Văn Xanh.

Trong gian phòng khách nhà số 47 đường Nguyễn Thành Ý (quận Hải Châu, Đà Nẵng), ông Xuân mang ra một chiếc yếm quân phục hải quân được xếp phẳng phiu. Chiếc yếm đã bạc màu, sờn rách qua năm tháng vì ngấm muối mặn biển đảo Trường Sa mà ông coi như báu vật.

Ông Xuân bên kỷ vật của con trai - liệt sĩ Lê Văn Xanh
Ông Xuân bên kỷ vật của con trai - liệt sĩ Lê Văn Xanh

Mân mê vạt yếm quân phục hải quân, gấp lại cho ngay ngắn, ông Xuân nhớ lại: “Ngày ấy tin báo danh sách những người đã hy sinh và mất tích. Mất tích, nghĩa là còn hy vọng sống còn. Nhưng tôi có linh cảm của người làm cha khi con gặp chuyện chẳng lành. Ai mất con mà chẳng đau. Tôi vẫn kiềm lòng để trấn an cả nhà, bình tĩnh lập bàn thờ con mình”.

Liệt sĩ Lê Văn Xanh, trong ký ức của cha, “là đứa hoạt bát. Ở nhà, nó là anh cả của bảy anh em. Ra ngoài, anh em, bạn bè làm chi cũng xung phong đi đầu. Hồi em nó đau bệnh, cả nhà dồn sức lo chữa bệnh cho con bé, nó xin nghỉ học ở trường, về nhà đi giã cào (nghề đò) với cha để phụ lo với gia đình.

Rồi đến năm 1987, năm nó 23 tuổi, nó đăng ký đi bộ đội. Tết năm 1988, nó về phép thăm nhà, mùng 4 Tết đã quay về đơn vị đóng quân bên Sơn Trà (Đà Nẵng). Khi ra đến đảo, con tôi có lần viết thư về nhà nói qua tình hình ngoài ấy… Sau ngày con tôi hy sinh, gia đình nhận lại kỷ vật của Xanh, chỉ còn tấm yếm quân phục hải quân ni đây thôi”. Ông Xuân thắp nén nhang cho con trai, trải lòng: “Ai mất con mà chẳng đau. Nhưng gia đình tự hào vì con đã hy sinh anh dũng khi bảo vệ biển đảo của Tổ quốc”

 Đình Hòa - Khánh Hiền