Hà Nam:
Sức xuân tràn ngập ở trại phong Ba Sao
(Dân trí) - Từng là nơi bị cô lập, xa lánh, bị người đời kỳ thị vì căn bệnh phong (hủi), trại phong Ba Sao ngày nay tràn ngập sắc xuân và tình người. Nhiều tấm lòng nhân ái đã tìm đến Ba Sao giúp đỡ những bệnh nhân từng bị hắt hủi đón một cái Tết ấm cúng, sum vầy…
Trại phong Ba Sao (Kim Bảng – Hà Nam) được đặt ở nơi “thâm sơn cùng cốc” cách xa mọi “ánh nhìn” của xã hội từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước. Thời kỳ bấy giờ, những ai mắc phải căn bệnh này đều phải đối mặt với sự kỳ thị, xa lánh của những người xung quanh, thậm chí của chính người thân trong gia đình.
Để tồn tại, những người mắc bệnh phải bỏ đi biệt tích, sống cảnh không người thân, không quê hương. Họ tìm đến những trại phong tập trung nằm rải rác cả nước, ở đó dù không có người thân nhưng họ tìm được sự đồng cảm, có những người đến với nhau xây dựng gia đình… dần dần họ cũng quên cả lối về và xem những trại phong tập trung này là nhà.
Theo quốc lộ 21B, hướng Chi Nê - Hòa Bình, trại phong Ba Sao nằm cách thành phố Phủ Lý (Hà Nam) gần 20km, được thành lập vào năm 1968, nơi đây được chính những bệnh nhân lúc đầu vào xây dựng cơ sở. Chủ yếu họ là những bệnh nhân từ các tỉnh: Hà Nam Ninh cũ (Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam ngày nay); Nghệ An, Ninh Bắc Ninh, Thanh Hóa… tập trung về.
Những bệnh nhân bị căn bệnh phong "ăn" mất cơ thể
Lúc mới vào trại phong Ba Sao, nơi đây chỉ là chốn hoang vu, hiu hắt, xung quanh là núi bao bọc. Chính vì vậy nơi đây được xem như là “thâm sơn cùng cốc”, cũng chính những người bệnh bị căn bệnh quái ác ăn mòn thể xác từng ngày, với lòng khát khao được sống, họ đã xây dựng nên cơ sở vật chất ban đầu của trại phong này.
Đào Ba Sao đua nở chào mùa xuân đang về
Trại phong Ba Sao hiện có khoảng hơn 60 người sinh sống, đa phần đều là những người già, người ít tuổi nhất cũng hơn 60 tuổi, người nhiều tuổi nhất đã gần 100, hầu hết đều không nơi nương tựa. Có người gắn bó với trại phong ngay từ những ngày đầu, người ít nhất cũng gần 20 năm.
Những đoàn từ thiện vào trại phong Ba Sao gói bánh chưng tổ chức chương trình Tết ấm đoàn viên, Tết sum vầy
Các cụ sống ở đây, mỗi người một hoàn cảnh. Ai may mắn thì còn có con cháu gia đình thi thoảng đến thăm nom và đón về ăn Tết. Nhưng không ít người không hề có người nhà thăm hỏi, nhiều cụ thân cô thế cô đến đây gặp người cùng cảnh ngộ mà nên duyên vợ chồng.
Chuyện tình của bà Vũ Thị Hiu (SN 1944), quê ở Tiên Lãng, Hải Phòng và ông Bùi Văn Kiều (SN 1942), quê ở Vụ Bản, Nam Định là một trong những câu chuyện tình yêu cảm động ở trại phong Ba Sao. Hai con người ở hai nơi khác nhau, cùng nhau vào điều trị lúc trại phong mới được thành lập. Bà Hiu vào trại phong Ba Sao từ năm 24 tuổi, ông Kiều vào từ năm 26 tuồi. Từ quan tâm, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, họ nảy sinh tình cảm với nhau.
Sau nhiều năm gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài, nhiều năm nay, trại phong Ba Sao đã được quan tâm nhiều hơn, những đoàn từ thiện từ khắp mọi nơi kéo về trại phong Ba Sao
Ban đầu họ cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện sẽ kết hôn, sinh con đẻ cái, vì căn bệnh quái ác còn hành hạ. Đến năm 30 tuổi, căn bệnh phong của 2 người được điều trị khỏi. Thế rồi, một đám cưới “tự túc” ngay trong trại phong được tiến hành. Khách mời chủ yếu là tập thể y bác sỹ cùng các bệnh nhân. Không cỗ, không bánh kẹo, chỉ có những chén nước chè mà vui…
Cũng từ đấy, hai ông bà xin ra ở riêng, do trại phong rộng đến 86 ha, nên ban giám đốc cũng tạo điều kiện cho hai ông bà dựng một mái nhà tạm bợ để sinh hoạt. Sau hơn 30 năm kết hôn, hai ông bà cũng đã có cháu, từ lúc bỏ quê ra đi, hai người cũng không dám nghĩ mình sẽ có ngày hôm nay.
Tết đến họ biết là mình đang già đi, nhưng sao họ mong thế, vì ở đó họ được “yêu thương, đùm bọc” họ được đón cái Tết đúng nghĩa.
Sau nhiều năm gần như đóng cửa với thế giới bên ngoài, nhiều năm nay, trại phong Ba Sao đã được quan tâm nhiều hơn, những đoàn từ thiện từ khắp mọi nơi kéo về trại phong Ba Sao gói bánh chưng, tổ chức những chương trình Tết ấm đoàn viên, Tết sum vầy… khiến nhiều cụ trong trại phong có cảm giác ấm lòng khi đang ở nhà.
Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, tuổi già sức khỏe mỗi ngày một kém đi nhưng các cụ đã tìm thấy tình thương, tìm thấy niềm lạc quan trong cuộc sống qua những tình thương của người đời dành cho họ ở cái tuổi xế chiều. Tết đến họ biết là mình đang già đi, nhưng sao họ mong thế, vì mỗi mùa xuân giờ đây là một mùa vui!
Đức Văn