1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sự túng quẫn của người dân mất đất

(Dân trí) - Không điện, không đất rừng, hơn 50% hộ dân đang trú ngụ trong những căn nhà tranh tre xộc xệch, dân tha phương kiếm ăn hoặc vào rừng đốt than lậu... Đó là toàn cảnh về cuộc sống bí bách, túng quẫn của người dân Bãi Kè, Đồng Hợp, Quỳ Hợp, Nghệ An, khi toàn bộ đất rừng đã về tay cán bộ.

>> Cán bộ “cướp” rừng, dân không chốn nương thân 

 

Ảm đạm Bãi Kè

 

Ông Vũ Văn Điểm, 76 tuổi, người nhiều tuổi nhất xóm, kể: “Năm 1963, hai vợ chồng tui lên đây khai hoang, lúc bấy giờ xung quanh đây hoang vu lắm. Thấm thoắt thoi đưa đến giờ cũng đã hơn 40 năm còn gì. Hiện đã có cháu nội, cháu ngoại nhưng đến cái đất ở cũng chưa có giấy chứng nhận. Bảo chính quyền họ làm cho thì họ cứ chần chừ mãi...”.

 

Hầu hết các hộ dân ở Bãi Kè đều đang chịu tình cảnh giống ông Điểm. Chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên khi cần vốn làm ăn không biết vay ở đâu. Đất mình canh tác bao nhiêu năm, giờ như đi ở nhờ, chẳng có quyền hành gì.

 

Bà Vũ Thị Bình rầu rầu: “Nhà tui sinh được 6 cháu, 3 đứa đã ra riêng còn chưa có đất ở, nói chi đất sản xuất. Hàng ngày vợ chồng chúng phải đi bộ hàng chục cây số vào rừng đốt than kiếm sống. Mà cả cái xóm này nhà nào cũng có người đi đốt than...”.

 

Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết: Việc giải quyết chính sách hưởng lợi từ sản phẩm khai thác rừng trồng giữa Lâm trường Đồng Hợp với các hộ dân giao khoán ở Bãi Kè là chưa thỏa đáng với chính sách hiện hành.

 

Lâm trường Đồng Hợp phải thanh toán cho các hộ dân nhận khoán hơn 94ha số tiền gần 730 triệu đồng. Trước đó lâm trường mới thanh toán hơn 370 triệu đồng cho dân nên phải thanh toán tiếp gần 360 triệu đồng nữa. Sở kết luận: Thông qua khai thác, tiêu thụ sản phẩm rừng trồng, Công ty Sông Hiếu không thực hiện nghiêm túc việc giao nộp để hoàn vốn đầu tư rừng trồng của nhà nước...

Cảnh tan đàn xẻ nghé của các gia đình, nguyên nhân bắt nguồn từ việc mất đất sản xuất vào tay cán bộ. “Chồng và con tui phải vào Nam kiếm ăn, một năm về một hai lần thôi. Mà ở cái xóm này nếu kéo dài tình trạng này thì chẳng có mống nào ở nhà đâu. Xóm thành xóm của người già và trẻ con thôi...”, chị Nguyễn Thị Kim, 44 tuổi than thở.

 

Trưởng xóm Hồ Văn Hiền thừa nhận: “Bi đát hơn, Bãi Kè chúng tôi cách UBND xã Đồng Hợp chưa đến 10 cây số nhưng hiện giờ vẫn chưa có điện. Xóm có 119 hộ thì có đến 39 hộ nghèo và 60 hộ ở nhà tranh tre dột nát. Chúng tôi không hiểu, Quỳ Hợp được đánh giá là đơn vị làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo và xóa nhà tranh ở đâu? Chứ dân chúng tôi sống chẳng khác nào chết”.

 

Lãnh đạo nhập nhằng

 

Biết chúng tôi lên UBND xã Đồng Hợp để tìm hiểu vấn đề Bãi Kè, một cán bộ xã đã từ chối với lý do: Không có giấy giới thiệu “con” của UBND huyện Quỳ Hợp thì lãnh đạo xã không tiếp. Anh này cho biết đây là “lệ” của huyện nên giấy giới thiệu và chứng minh nhân dân cũng không được! 

 

Được biết ngay khi có đơn kêu cứu của các hộ dân Bãi Kè, Sở NN&PTNT Nghệ An đã thành lập đoàn thanh tra. Ngày 4/5/2007, ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở - đã ký quyết định yêu cầu thu hồi lại một số khu đất, trao trả lại và làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân.

 

Nhưng quyết định này trên thực tế không được thực thi. Sự nhập nhằng về đất đai không biết đến bao giờ mới được giải quyết. Chỉ biết hiện, hàng trăm hộ dân nơi đây đã tính chuyện bỏ xóm làng đi tha phương cầu thực vì “sống khổ quá”!

Đặng Nguyên Nghĩa