Sự tích ngọn núi có chiếc “chum vàng” hóa đá
(Dân trí) - Trên ngọn núi cao có một chiếc chum, sự tích lưu truyền trong dân gian bao đời nay rằng, gia đình nào sinh được 10 người con trai thì lên đỉnh núi khiêng chiếc chum vàng đó về nhà…
Dãy núi giáp danh giữa xã Hà Ngọc và xã Hà Sơn, huyện Hà Trung (Thanh Hóa) nằm sát bên con sông Lèn (nhánh chính của sông Mã đổ ra biển) được người dân quen gọi là núi chum vàng. Trên đỉnh núi cao nhất của dãy núi này có một khối đá lớn, nhìn từ dưới chân núi lên, khối đá này rất giống hình một chiếc chum.
Bao đời nay, người dân sống gần ngọn núi này không ai biết rõ cái tên núi chum vàng có từ bao giờ và khối đá hình chiếc chum trên đỉnh núi cao kia từ đâu mà có. Nhiều người chỉ được nghe kể lại, chiếc chum đá trên đỉnh núi xưa kia là một chiếc chum bằng vàng. Sau một biến cố, chiếc chum vàng này đã hóa đá nên ngọn núi đó được gọi là núi chum vàng.
Sự tích về chiếc chum vàng hóa đá trên đỉnh núi được người dân lưu truyền lại: Chiếc chum đá trên đỉnh núi cao xưa kia là một chiếc chum bằng vàng nguyên khối. Bên trong chiếc chum này chứa đầy vàng, từ dưới chân núi có thể nhìn thấy màu vàng sáng bóng tỏa ra từ chiếc chum nằm trên đỉnh núi cao. Thời xa xưa, gia phả của các dòng họ, các gia đình trong khắp vùng sống gần ngọn núi có chiếc chum vàng này để lại, hễ gia đình nào sinh được mười người con trai thì lên núi khiêng chum vàng đó về nhà.
Bà Lê Thị Tại (70 tuổi) thôn Ngọc Sơn, xã Hà Sơn kể: “Gia phả để lại như vậy nên thời xưa, gia đình nào cũng cố gắng để sinh được mười người con trai. Gia đình nào cũng hi vọng được lên núi khiêng chiếc chum vàng đó về nhà. Có một gia đình sống trong vùng rất nghèo, vì muốn có được chiếc chum vàng đã cố gắng sinh được mười người con. Tuy nhiên, họ chỉ sinh được chín người con trai, thiếu một người nữa mới đủ nên hai ông bà này đã đi xin một người con trai về làm con nuôi cho đủ mười người.
Có một điều kỳ lạ, nơi mà chín người con trai của gia đình này đặt tay khiêng, ai cũng nhấc lên được. Còn góc của người con nuôi không sao mà nâng nổi lên được. Giữa các người anh em này đã có mâu thuẫn và xảy ra cãi nhau với người em con nuôi. Trong lúc cãi nhau, mấy người mới đặt chiếc chum nằm trở lại thì bỗng nhiên chiếc chum vàng này đã hóa đá”, bà Tại chỉ tay về ngọn núi có chum vàng kể về sự tích.
Khi được nghe kể về sự tích chiếc chum vàng hóa đá, nhiều người tò mò muốn được leo lên đỉnh núi chiêm ngưỡng khối đá đặc biệt. Anh Trần Xuân Thành, người dân bản địa cho hay: “Nghe chuyện rồi liên tưởng, nhìn từ dưới chân núi lên, khối đá đó có hình giống chiếc chum thật”.
Còn chị Cao Thị Sáu, người xã Hà Sơn đã từng lên đỉnh núi cho biết: “Khi còn nhỏ được nghe bố mẹ ông bà kể lại tôi cứ ao ước được lên đỉnh núi để xem chiếc chum vàng hóa đá này. Lớn lên, nhiều lần tôi cũng đã lên đến đỉnh núi này để xem chiếc chum đó. Nhìn từ phía dưới lên, thì khối đá đó rất giống một chiếc chum nhỏ, khi lên đỉnh núi tiếp cận với khối đá thấy nó lớn hơn gấp nhiều lần”.
Ông Nguyễn Văn Lợi (57 tuổi), thông Ngọc Sơn, xã Hà Sơn mô tả: “Khối đá có hình chiếc chum này có bán kính rộng hơn 2m, cao hơn 1m. Bên trên chiếc chum đá có một khối đá nhỏ giống như nắp chum rộng gần 1m, rất dày và nặng. Chiếc chum đá này nằm trên một khối đất rộng và bằng phẳng trên đỉnh núi. Không hiểu sao, chưa ai có thể nâng được cái nắp đá trên cái miệng chum này ra. Chúng tôi nhiều lần cùng nhau để khiêng ra nhưng không sao có thể khiêng được”.
Theo ông Lợi, chính vì chưa ai có thể khiêng được nắp đá lớn đậy chum đó ra nên sự tích về chiếc chum vàng hóa đá vẫn còn là một bí ẩn. “Bên trong chum đá bị bịt chặt nên không ai có thể biết bên trong chiếc chum này có những gì”, ông Lợi nói.
“Sự tích về chum vàng hóa đá được truyền tụng bao đời nay. Có thể do người xưa thấy khối đá đặc biệt thì tạo ra câu chuyện "chum vàng" để cho con cháu đời sau phấn đấu sinh đông con, nhiều cháu làm ăn. Bởi người xưa quan niệm đông con là nhiều phúc lộc...”, bà Tại phỏng đoán.
Được biết, ngoài ngọn núi có chiếc "chum vàng" hóa đá thì trên địa bàn xã Hà Sơn còn có nhiều di tích và danh thắng gắn liền với nhiều sự tích như đền Cô Bông, đền Hàn Sơn, đền Cây thị... Những sự tích liên quan đến các di tích, danh thắng trên đều thể hiện ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu nam nữ son sắt thủy chung và để lại cho thế hệ mai sau những bài học quý giá…
Thái Bá