1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

Sự thật việc đoàn rước "kiệu bay" phá ô tô của dân

(Dân trí) - Đoạn clip ghi lại hình ảnh đoàn rước kiệu lao thẳng vào ô tô của người dân xuất hiện trên internet những ngày gần đây nhận được nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa phần là phản đối, bất bình. Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (Hà Nội) xác nhận sự việc trên là có thật, nhưng xảy ra từ năm 2012.

Những ngày gần đây, trên mạng xuất hiện đoạn clip dài gần 2 phút ghi lại hình ảnh đoàn rước kiệu nhiều lần lao thẳng vào chiếc xe ô tô KIA Morning màu trắng, mang biển kiểm sát 29A-607.65. Nhiều người chứng kiến sự việc còn reo hò trong tiếng trống khi đoàn rước kiệu lao vào xe. Đoàn rước kiệu cứ lấy đà từ xa lao vào nhiều lần cho đến khi thủng cả kính sau của xe. Trong số những người đứng xem cổ vũ, có người xui chủ xe đánh ra chỗ khác để tránh đường cho "Thánh kiệu" đi, có người xui chủ xe phải lễ Thánh mới tha cho.


 
Đoàn rước kiệu lao thẳng vào xe ô tô (nguồn internet)

Sau khi kính sau ô tô đã vỡ tung, có một người phụ nữ mặc bộ váy đen, được cho là chủ chiếc xe, quỳ gối phía sau xe khấn vái nhiều lần, đoàn rước kiệu mới rẽ sang hướng khác.

Xác minh sự việc, chúng tôi được biết, chiếc ô tô bị đoàn rước kiệu đâm vỡ ở gần cổng trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm - Hà Nội) trong lễ hội Đình Giàn. Người dân ở đây cho biết, hội chính (4 năm 1 lần) được tổ chức vào ngày 10/2 âm lịch mới có lễ rước kiệu. Trong quá trình này, đoàn rước kiệu đi như bay, dẫn đến khó làm chủ trong một số tình huống.

Hình ảnh kính sau ô tô bị kiệu đâm thủng
Hình ảnh kính sau ô tô bị kiệu đâm thủng

Khi đoạn clip ghi cảnh "kiệu bay" phá ô tô của dân xuất hiện trên internet, có nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đa phần cho rằng hành động lao thẳng kiệu vào xe ô tô của người dân là không thể chấp nhận được. Điều đó làm xấu đi nét đẹp văn hóa trong các lễ hội truyền thống.

Bà Phạm Thị Thành – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam - cho rằng, lễ hội là ngày kỷ niệm thiêng liêng của cộng đồng, làng xã, là nơi để người dân đến vui chơi, giao lưu văn hóa. “Bạo lực, đánh nhau hay đâm thẳng kiệu vào tài sản của người khác là không nên. Những hành động đó đẩy lễ hội theo chiều hướng tiêu cực, thậm chí là hành động phí văn hóa trong lễ hội”, bà Thành nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 1/3, ông Nguyễn Hữu Khiêm - Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) - xác nhận sự việc trên là có thật. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra sự việc vào năm 2012 chứ không phải năm nay.

Khu vực được cho là xảy ra vụ việc từ đầu năm 2012
Khu vực được cho là xảy ra vụ việc từ đầu năm 2012

“Hội chính ở đây mới có lễ rước kiệu, nhưng bốn năm mới tổ chức một lần (sang năm 2016 mới có). Còn năm nay, trên địa bàn chưa có lễ hội nào cả”, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh Nguyễn Hữu Khiêm nói.

Ông Khiêm cho biết, sau khi xảy ra sự việc, lãnh đạo phường Xuân Đỉnh đã triệu tập Ban di tích và đưa ra quan điểm rất rõ ràng là phải khắc phục, bồi thường cho người có ô tô bị đâm hỏng. Tuy nhiên, chủ xe ô tô khi đó không đòi hỏi, yêu cầu bồi thường. Thời điểm đó, người bị hỏng tài sản cho biết, ô tô mới mua nên có bảo hiểm chi trả.

Theo ông Khiêm, lễ hội có rước kiệu những năm trước đó không có sự việc đáng tiếc nào như vậy. Còn sau khi xảy ra sự việc trên, lãnh đạo phường Xuân Đỉnh đã liên tục quán triệt các đơn vị liên quan phải có biện pháp chấn chỉnh cho các năm tiếp theo. “Cho đến thời điểm này không có trường hợp nào như vậy nữa”, ông Khiêm khẳng định.

Quang Phong