1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Sự “lệch nhịp nghiệp chướng”

(Dân trí) - Cháu ngoại của danh nhân Cao Xuân Dục, con trai cố Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám. Từ thuở ấu thơ luôn là học sinh xuất sắc, đã từng du học Trung Quốc, Liên Xô nhiều năm... Cứ theo cái lẽ thông thường của cuộc đời, Hoàng Vĩnh Giang không là chính khách thì cũng sẽ đi theo con đường văn chương, nghệ thuật hay khoa học...

Nhưng như một sự “lệch nhịp”, ông lại trở thành một vận động viên, một chuyên gia hàng đầu, một nhà quản lý thể thao nổi tiếng không chỉ ở trong nước.

 

Vào dịp Quốc hội khóa XII vừa thông qua nội các mới, trong đó có việc sáp nhập Uỷ ban Thể dục thể thao với Bộ Văn hoá - Thông tin và Tổng cục Du lịch, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về cuộc đời, sự nghiệp và cả những trăn trở của thể thao nước nhà. 

 

Thể thao là “văn hóa thể chất”

 

Sinh ra trong một gia đình có nền tảng văn hóa lâu đời nhưng ông lại đi theo nghiệp thể thao. Vì sao vậy?

 

Cứ theo tôi, con ngươi ta luôn có hai sự lựa chọn. Nghề để sống và nghiệp để theo. Người ta có thể chọn được nghề chứ không chọn được nghiệp. Hay nói cách khác, ta chọn nghề nhưng nghiệp chọn ta. Tôi đến với thể thao, ngoại trừ một chi tiết nho nhỏ là thuở bé, có thời gian nhà tôi gần một sân vận động lớn, thì trước hết là niềm đam mê và sau đó là sự động viên của gia đình.

 

Sự động viên từ gia đình? Nghĩa là các cụ không phản đối việc trở thành vận động viên?

 

Sao lại phản đối? Trong tất cả các cuộc thi đấu của tôi, cả gia đình bố mẹ và anh chị em tôi đều đến xem cả. Thực ra thì cũng có người hỏi các cụ đại để là sao lại cho tôi theo nghiệp này nhưng ông cụ bảo thể thao cũng là một nét của văn hóa.

 

Thể thao tức là văn hóa. Điều này có vẻ như khiên cưỡng?

 

Nói nó khiên cưỡng là một quan niệm sai lầm hay ít nhất là chưa đủ. Ở nhiều nước phương Tây, người ta gọi thể thao là văn hóa thể chất. Một nghệ sĩ múa với một võ sĩ thì có khác nhau chẳng qua là một người thì biểu diễn còn người kia thì thi đấu. Hay một trận bóng đá chẳng hạn, có những đường bóng ngẫu hứng như thơ, có những thời điểm đẹp như một tác phẩm hội hoạ và luôn luôn bất ngờ, đầy tính kịch. Cũng xin nói thêm, tôi là người ham đọc sách văn chương, hay hát và hát... ít nhất là không tồi.

 

Thu “học phí” bằng... dao kiếm!

 

Trở lại với con đường học hành. Ông bắt đầu bước vào lĩnh vực thể thao như thế nào?

 

Ngay khi còn là học sinh Trường cấp III Lương Yên, tôi đã vượt qua mức xà 1,85m, phá kỷ lục nhảy cao của quốc gia khi đó nên TP Hà Nội đã đưa tôi vào Trường Thể dục thể thao Hà Nội. Từ năm 1964 - 1967, tôi cùng một số vận động viên khác được cử đi thi đấu ở một số nước như Triều Tiên, Trung Quốc... Năm 1966 thì tập huấn 3 tháng ở Thượng Hải. Năm 1968, sau khi lập kỷ lục ở mức xà 1,9m, tôi được cử đi du học ở Đại học Thể thao Kiép (Ukraina) và tốt nghiệp bằng đỏ.

 

Khi ở Liên Xô, ông đã mở lò dạy võ. Chuyện đó thế nào?

 

Năm 1978, tôi tiếp tục sang Liên xô để làm nghiên cứu sinh. Thời gian này ở Liên Xô và có lẽ cả thế giới, người ta rất quan tâm đến võ thuật phương Đông. Công lao là do khi đó, võ sư Lý Tiểu Long, một diễn viên điện ảnh nổi tiếng ở Hollywood đã đưa võ thuật lên màn ảnh và đã tạo thành cơn sốt. Khi đó, cũng nhiều người mở lò dạy võ lấy tiền nhưng tôi thì chỉ dạy cho vui thôi. Thật tình, nếu tôi mà có tư tưởng “làm kinh tế” thì giàu to rồi.

 

Không lấy tiền nhưng được biết khi về nước, ông chở về gần ba container hàng hoá?

 

Hoàng Vĩnh Giang thông thạo ba ngoại ngữ (Anh, Nga, Trung Quốc).

 

Luận văn tiến sĩ có tiêu đề “Ứng dụng những biện pháp hạn chế hô hấp để nâng cao sức bền chuyên môn cho vận động viên chạy cự li trung bình và dài” được đánh giá là xuất sắc vì "phương pháp đơn giản nhưng hết sức hiệu quả".

Đúng là có mấy container thật nhưng không phải hàng hóa mà là lưỡi kiếm, mặt nạ, hình nộm, trang phục chuyên dụng cho kiếm và judo... Nghĩa là các dụng cụ dành cho luyện tập võ thuật. Khi dạy võ cho người nước ngoài, tôi bảo không lấy tiền, nếu các bạn có lòng, mua cho tôi ít thiết bị để các vận động viên ở nhà có dụng cụ luyện tập. Nếu số dụng cụ đó mà quy ra bàn là, tủ lạnh hay quạt tai voi thì cũng mua được dăm ba cái nhà chứ không ít đâu.

 

Ông thầy học võ... chui!

 

Nhưng ông “nguyên bản” là vận động viên nhảy cao, làm sao biết võ để dạy cho họ?

 

Do mê võ từ nhỏ nên ngoài thời gian công tác ở cơ quan, tôi thường đi học võ chui thầy Trần Sinh, con trai võ sư Trần Thúc Tiền. Cụ Tiền người bé nhỏ nhưng rất giỏi võ Vịnh Xuân. Cụ có thể chịu được những cú đấm đá cật lực của những người cao lớn hơn mình nhiều. Ngoài ra, tôi còn được sự hướng dẫn thêm về kỹ thuật của võ sư Xuân Thi.

 

Học võ chui…?

 

Đúng là học chui bởi khi đó, ai học võ là dứt khoát bị đặt câu hỏi: Học võ để làm gì? Nổi loạn, phản nghịch hay gây gổ, đánh đấm nhau. Thế là nằm trong sổ đen của công an. Thật ra đây là quan niệm ấu trĩ mang nặng lối suy diễn thời chiến. Những võ sư chân chính thường ứng xử điềm tĩnh và rất nhân văn. Sau này do thay đổi nhận thức nên khi tôi đưa môn đấu kiếm về Việt Nam, bên công an lại hết sức ủng hộ.

 

Nghe nói khi đó, đấu kiếm là môn “phá rào”, mở đường cho nhiều bộ môn khác?

 

Đúng là như vậy. Từ việc “phá rào” này, nhiều môn thể thao mới được du nhập như Wushu, Pencatsilat, Karatedo... và nhiều môn võ đã từng xuất hiện nhưng hồi đó bị cấm, như quyền Anh chẳng hạn, có điều kiện phục hồi. Nếu những năm 1980 - 1981, chúng ta mới chỉ có chưa đầy 20 môn có thể tham gia thi đấu thì đến nay, chúng ta có gần 40 môn. SEAGAMES 22 năm 2003 đã khẳng định chúng ta là một cường quốc thể thao ở khu vực.

 

Bến đỗ là Olympic

 

“Cường quốc thể thao trong khu vực”. Cái cụm từ này nghe có vẻ hấp dẫn nên rất dễ ru ngủ người ta. Tại sao không đặt vấn đề cao hơn là cường quốc thể thao châu lục?

 

Đấy, vấn đề là ở chỗ ấy. Chúng ta đang từng bước xóa dần sự tự ti nói chung và trong lĩnh vực thể thao nói riêng. Mà không chỉ khu vực hay châu lục là bến đỗ mà con thuyển thể thao Việt Nam phải cập bến Olympic. Có thể chúng ta có những thiệt thòi về hình thể thấp bé nhưng nên nhớ rằng không phải môn thể thao nào và lúc nào cũng cần hình thể. Ví dụ như thể dục dụng cụ, các môn võ thuật hay cả quyền Anh cũng có nhiều hạng cân khác nhau. Bây giờ không phải là lúc dứng lại để ngắm nhìn mà phải tiến nhanh, rất nhanh.

 

Ông cho rằng sự phát triển thể thao đỉnh cao của ta là quá chậm chạp?

 

Không. Trái lại là khác. Tôi nghĩ những năm gần đây, chúng ta có những tiến bộ vượt bậc. Bạn nhớ là những năm đầu tiên tham gia  SEAGAMES 15 năm 1989, chúng ta chỉ đạt được vài ba huy chương vàng; nhưng đến năm 2003, con số đó là 155. Năm 1993- 1994, khi đi dự các hội nghị thể thao khu vực, không ít bạn bè hỏi tôi rằng bao giờ chúng ta tổ chức  SEAGAMES. Thế nhưng chỉ 6 năm sau, chúng ta đã tổ chức thành công một  SEAGAMES  hoành tráng, để lại ấn tượng rất tốt trong lòng bè bạn.

 

Vừa là một vận động viên, vừa là  nhà khoa học nhưng đồng thời ông cũng là nhà quản lý thể thao (nguyên là Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UB Olympic Việt Nam), theo ông cần phải làm gì để chúng ta có thể cập bến đỗ Olympic?

 

Đúng là chúng ta đang cần một chiến lược lâu dài cho mục tiêu bến đỗ Olympic. Để đến được bến đỗ đỉnh cao này, chúng ta phải đi từng bước rất cụ thể: Trong nước - Khu vực - Châu lục - Thế giới.

 

Năm 2004, đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic có 11 người thì năm 2008 tại Bắc Kinh, đoàn Việt Nam sẽ phấn đấu có khoảng 20 vận động viên. Nhìn thì có tiến bộ nhưng như thế là chưa đủ vì có nước số người tham gia lên tới hàng trăm.

 

Từ việc tổ chức thành công  SEAGAMES 22, Chính phủ dã đồng ý cho thể thao Việt Nam giành quyền đăng cai tổ chức đại hội thể thao châu Á vào năm 2018 hoặc 2022 và như vậy sẽ tạo một “cú hích” mới để quảng bá cho thương hiệu Việt Nam trên đấu trường châu lục, giúp cho tốc độ của con tàu thể thao đi nhanh hơn tới bến đỗ Olympic.

 

Một câu hỏi thời sự. Quốc hội vừa thông quan việc sáp nhập UB TDTT vào với Bộ VH - TT và Tổng cục Du lịch. Theo ông, liệu đây có phải là một quyết định đúng?

 

Tôi nghĩ đúng hay không không thể nói trước mà phải chờ đợi thời gian trả lời và việc sắp xếp như thế này không mới (đã có thời kỳ ba cơ quan này sáp nhập với nhau). Tuy nhiên, để có được sự phát triển đồng bộ ngoài sự kết hợp tất yếu theo cơ cấu tổ chức thì về chuyên môn, cần có sự phân định rõ ràng. Về mặt tổ chức, đây là bước tiến nhưng thời kỳ đầu chắc sẽ có không ít những khó khăn.

 

Tôi chưa bao giờ làm hại bất cứ ai

 

Trở lại với truyền thống gia đình. Hoàng Minh Giám là một tên tuổi lớn trong làng trí thức Việt Nam thế kỷ XX. Ông kế thừa ở cụ điều gì?

 

Quả thật học ông cụ quá khó. Cụ là tấm gương về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự mẫn tuệ và đạo đức thanh liêm. Những năm làm Bộ trưởng, cụ không bao giờ to tiếng chứ đừng nói đến chuyện quát nạt nhân viên. Khi gặp những việc làm không đúng, ông cụ chỉ bảo “Cô (chú) không nên làm thế mà ảnh hưởng...”

 

Nhưng ông cũng là nhà đàm phán có hạng...?

 

Thực tình thì “tài sản” cụ để lại cho chúng tôi tuy so với cụ thì không thấm vào đâu nhưng không phải không có. Ví dụ như tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, rồi sự ham học hỏi, khả năng đàm phán thuyết phục đối tác... Đặc biệt là tôi học ở cụ tư tưởng nhân văn. Cái gì chứ điều có thể khẳng định là cho đến giờ, Hoàng Vĩnh Giang chưa làm hại bất cứ ai điều gì.

 

Xin cám ơn ông!

 

Bùi Hoàng Thiên An

(thực hiện)