1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành an toàn đập, hồ chứa

Nguyễn Hải

(Dân trí) - Các đơn vị vận hành cần xây dựng công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc ra quyết định vận hành an toàn đập, hồ chứa.

Kiến nghị trên được Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Đỗ Văn Thành đưa ra tại diễn đàn trực tuyến: "Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, bảo đảm vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới" do báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19/11, tại Hà Nội.

Ông Thành đánh giá, nhiều đập, hồ chứa của nước ta đã xây dựng trên 30 năm, xảy ra hư hỏng, xuống cấp, bồi lắng lòng hồ. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa chuyển sang phục vụ đa mục tiêu, đặt ra yêu cầu tính toán lại nhiệm vụ và thông số thiết kế.

Một số hồ lớn được xây dựng bản đồ ngập lụt nhưng chưa đánh giá năng lực thoát lũ hạ du; nhiều hồ chứa nhỏ chưa có phương án bảo đảm an toàn hồ đập và phòng lũ hạ du.

Đặc biệt, hành lang thoát lũ hạ du của một số hồ chứa lớn bị xâm lấn, dòng chảy co hẹp, không bảo đảm thoát lũ thiết kế, gây ra úng ngập hạ du khi vận hành xả lũ; công tác dự báo, cảnh báo mưa, lũ, nguồn nước đến hồ còn hạn chế,...

Trước những thách thức kể trên, trong tình hình mới hiện nay, ông Thành cho rằng cần có những giải pháp đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện chính sách; rà soát, hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về thi công, quản lý vận hành đập, hồ chứa nước phù hợp với tình hình mới.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành an toàn đập, hồ chứa - 1

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, Hòa Bình có dung tích chứa nước 95 triệu m3 (Ảnh: Thái Bá).

Theo ông Thành, một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên là nâng cao năng lực thông tin, cảnh báo, dự báo, xây dựng các hệ thống quan trắc ở vùng thượng lưu và các hồ chứa để hỗ trợ phân tích thủy văn.

Bên cạnh đó, các đơn vị vận hành cần xây dựng công cụ hỗ trợ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, AI trong việc ra quyết định vận hành an toàn đập, hồ chứa cũng như chủ động dự báo, cảnh báo nguồn nước và đưa ra kịch bản cắt lũ, xả lũ phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho vùng hạ lưu.

Ông cho biết thêm, theo quy hoạch đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích trữ lên 1,92 tỷ m3. Hiện Việt Nam có gần 8.000 đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi với tổng dung tích khoảng 68 tỷ m3 nước.

"Trải qua 80 năm xây dựng và phát triển ngành thủy lợi đã đạt được nhiều thành tựu lớn, nằm trong top 10 quốc gia có hệ thống thủy lợi phát triển nhất thế giới", ông Thành nêu.

Sử dụng trí tuệ nhân tạo để vận hành an toàn đập, hồ chứa - 2

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi Việt Nam (Ảnh: Anh Thơ).

TS Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam nhận định, phần lớn các đập thủy lợi và thủy điện tại nước ta xây dựng từ 20 năm trở lại đây nên công tác đảm bảo an toàn đối diện với nhiều thách thức.

Ông Thắng cho rằng, để đảm bảo hoạt động an toàn hồ đập, trước tiên phải đảm bảo công trình "có chủ", đi cùng với đó là các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn và giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý hồ đập.

Lý do được ông đưa ra, bởi mới chỉ có khoảng 2/3 số đập, hồ loại nhỏ đang được giao cho chính quyền xã hoặc tổ chức thủy lợi cơ sở quản lý, vận hành. Khoảng 2.500 đập, hồ nhỏ còn lại chưa có chủ thực sự, chưa có giải pháp đảm bảo tài chính cho quản lý đập, hồ chứa.

Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam khuyến nghị, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý hồ, đập trong đó chú trọng năng lực quan trắc, phân tích số liệu đo đạc để phát hiện rủi ro từ sớm.