1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sử dụng trái phép phù hiệu, trang phục CAND bị xử lý như thế nào?

Thế Kha

(Dân trí) - Các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự.

Giải đáp thắc mắc của người dân, Bộ Công an cho biết cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, trang phục công an nhân dân (CAND) là các mặt hàng đặc thù chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị được cho phép sản xuất thuộc lực lượng vũ trang và chỉ được cấp phát, sử dụng cho cán bộ chiến sỹ CAND sử dụng khi thi hành công vụ.

Người được cấp phát có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn thận và khi sử dụng phải đúng mục đích, đúng quy định. Khi chuyển ngành, thôi việc hoặc bị kỷ luật buộc thôi việc thì thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm thu hồi các quân trang, thiết bị này.

Sử dụng trái phép phù hiệu, trang phục CAND bị xử lý như thế nào? - 1

2 đối tượng giả danh lực lượng công an bị bắt giữ (Ảnh tư liệu).

Khoản 5 Điều 1 Nghị định 29/2016 của Chính phủ quy định “Nghiêm cấm cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND. Trường hợp vi phạm thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.

Cụ thể, theo Điều 10 Nghị định 185/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015) thì những tổ chức, cá nhân sản xuất, làm giả, tàng trữ, đổi, mua, bán, sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Ngoài ra, người có hành vi vận chuyển hàng cấm, chủ kho tàng, bến bãi, nhà ở có hành vi tàng trữ hàng cấm, người có hành vi giao nhận hàng cấm cũng bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện là công cụ, máy móc và vật khác được sử dụng để sản xuất hàng cấm; tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm trong trường hợp hàng cấm có giá trị từ 70 triệu đồng trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 1-3 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm…

Trong trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán quân trang, quân dụng với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 190 (Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm), Điều 191 (tàng trữ, vận chuyển hàng cấm) và Điều 192 (sản xuất, buôn bán hàng giả) của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 15 năm tù. 

"Đối với các cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục CAND để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân"- Bộ Công an cho hay.