1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sự cố tàu vỏ thép nằm bờ: 3 năm hầu toà vẫn không có lối thoát

(Dân trí) - Sau 3 năm nằm bờ vì sự cố hư hỏng máy ngay khi hạ thủy, chủ tàu vỏ thép 67 QNa 94679 TS Trần Văn Liên đã chạy ngược xuôi và tham gia nhiều phiên tòa nhưng đến nay, vụ việc vẫn rơi vào bế tắc, không có lối thoát.

Ngày 14/3, Tòa án nhân dân huyện Thăng Bình (Quảng Nam) mở phiên hòa giải giữa chủ tàu cùng các bên liên quan để xử lý dứt điểm vụ kiện tụng kéo dài mấy năm nay mà chưa có hồi kết khiến chủ tàu cùng các bên đều khổ sở.

Tàu vỏ thép QNa 94679 TS nằm bờ

Ông Trần Văn Liên trao đổi với các PV sau phiên hòa giải

Sau phiên hòa giải, trao đổi với báo chí, ông Trần Văn Liên (53 tuổi, trú thôn Tân An, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) - chủ tàu vỏ thép 67 QNa 94679 TS cho biết, vụ việc vẫn đi vào ngõ cụt, không tìm thấy lối ra.

“Ngân hàng họ có thế của họ, Bảo Duy (Công ty đóng tàu-PV) có cái thế của họ, còn mình cũng có cái thế của mình, cuối cùng ráp lại ngân hàng nói mình nợ quá hạn và hết hạn cho vay theo Nghị định 67”, ông Liên ngao ngán.

Cũng theo ông Liên, phía Bảo Duy muốn có tiền còn mình thì muốn có chiếc tàu để đi biển nên không ai được cái gì. “Tòa cũng lắc đầu, tòa nói vụ này chỉ có cách làm đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ có giải quyết được không chứ vụ án thế này không thể giải quyết được vì ai cũng có thế của người ấy”, ông Liên nói.

Cuối cùng, buổi hòa giải không thành công vì ngân hàng không giải ngân thì không thể làm gì được.

Tàu vỏ thép QNa 94679 TS nằm bờ

Tàu vỏ thép QNa 94679 TS nằm bờ gần 3 năm qua

Trước đây, ông Trần Văn Liên thuộc diện đối tượng được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Quảng Nam yêu cầu đối ứng nên ông bán con tàu nhỏ, cầm cố nhà cửa vay thêm anh em để làm vốn đối ứng.

Ngân hàng BIDV cho ông vay với tổng số tiền đã giải ngân hơn 7,6 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa 94679 TS và toàn bộ máy móc trang thiết bị trên tàu.

Theo ông Liên, khi tàu sắp hoàn tất, ông tiếp tục cầm cố sổ đỏ ngôi nhà vay ngân hàng gần 500 triệu đồng để ký hợp đồng thuê lao động, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị vươn khơi. Tuy nhiên, khi tàu đóng xong tiến hành chạy thử thì xảy ra sự cố hư hỏng không thể hoạt động được.

Sau đó, ông Liên quyết định kiện Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (đơn vị cung cấp máy chính) ra tòa. Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông và yêu cầu Công ty Bảo Duy phải bồi thường thiệt hại với số tiền 2,8 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi bị thua kiện, Công ty Bảo Duy đã có đơn kháng cáo không đồng ý bồi thường và đề nghị Công ty CP Tập đoàn Liên Á phải bồi thường vì cho rằng mình không có lỗi nên không bồi thường.

Ngày 30/1/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã xử phiên phúc thẩm, chấp nhận kháng cáo của Công ty CP đóng tàu Bảo Duy, buộc Công ty CP Tập đoàn Liên Á trả lại cho ông số tiền hơn 1,5 tỷ đồng và nhận lại hệ thống máy đẩy thủy bị hư hỏng.

Tháng 7/2018, trong khi vụ việc giữa ông Liên và Công ty CP đóng tàu Bảo Duy và Công ty CP Tập đoàn Liên Á chưa được giải quyết xong thì ông Liên tiếp tục nhận đơn kiện của Công ty CP đóng tàu Bảo Duy.

Theo nội dung đơn kiện, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy yêu cầu ông Liên phải trả hơn 11,4 tỷ đồng. Trong đó, số tiền còn thiếu hơn 7,5 tỷ đồng, số tiền ứng để khắc phục sự cố hơn 3,5 tỷ đồng và lãi phạt do chậm thanh toán hơn 368 triệu đồng

Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, thực tế lúc này Công ty CP đóng tàu Bảo Duy vẫn chưa hoàn thành hợp đồng đóng tàu cho ông. Sau 3 năm theo đuổi vụ kiện, gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần, phải đi làm thuê kiếm sống nên không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Như Dân trí đã đưa nhiều tin, bài phản ánh về trường hợp của ngư dân Trần Văn Liên ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Với số tiền đầu tư 16 tỷ đồng, tàu vỏ thép QNa 94679 TS của ông ngay khi chạy thử đã hỏng máy và gần 3 năm phải nằm bờ. Đến nay, vụ việc vẫn đi vào ngõ cụt.

C.Bính